MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhập khẩu máy móc thiết bị tăng mạnh có đáng lo?

10-08-2017 - 12:48 PM | Thị trường

Nhập khẩu máy móc thiết bị về Việt Nam thời gian qua tăng rất mạnh...

Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan Việt Nam, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng là nhóm hàng đứng đầu về kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017, chiếm tới 18% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước, trị giá 18,27 tỷ USD.

Mặc dù kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này về Việt Nam 6 tháng đầu năm nay tăng rất mạnh, gần 40% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng các chuyên gia cho rằng, điều này không đáng lo ngại vì trong bối cảnh ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa phát triển kịp với nhu cầu, thì việc nhập khẩu máy móc, thiết bị là cần thiết để phục vụ sản xuất.

Top 3 thị trường tỷ USD cung cấp máy móc thiết bị phụ tùng nhập khẩu cho Việt Nam là Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đều tăng kim ngạch; trong đó nhập từ thị trường Hàn Quốc trị giá 6,18 tỷ USD (tăng mạnh 132% so với cùng kỳ năm ngoái); từ Trung Quốc 5,33 tỷ USD (tăng 27,6%) và Nhật Bản 2,13 tỷ USD (tăng 6,5%).

Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhập máy móc thiết bị từ Đài Loan 643,98 triệu USD (giảm 3,4%); từ Đức 610,24 triệu USD (tăng 3%); từ Hoa Kỳ 438,19 triệu USD (giảm 9%); từ Thái Lan 429,75 triệu USD (tăng 12%)….

Đáng chú ý nhất trong 6 tháng đầu năm nay là nhập khẩu máy móc từ Nam Phi tuy kim ngạch chỉ đạt 12,82 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ thì tăng tới 792%; ngoài ra, nhập khẩu còn tăng mạnh ở một số thị trường như: Phần Lan (tăng 118%); Thổ Nhĩ Kỳ (tăng 129%); NewZealand (tăng 97%).

Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này tăng cũng là bằng chứng cho thấy, nhu cầu cao để mở rộng sản xuất cũng như đầu tư mới của doanh nghiệp, đồng thời, cho thấy hoạt động xây dựng, sản xuất trong nước có sự tiến triển nhất định.

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Thăng Long cũng tăng cường nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ một số dự án năng lượng; Viettel tăng nhập khẩu thiết bị phục vụ dự án 4G…

Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan... tiếp tục tăng đầu tư vào Việt Nam cũng kéo theo nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và phụ tùng.

Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng đầu năm nay, cả nước có tất cả 1.378 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 12,92 tỷ USD (tăng 48,7% so với cùng kỳ năm 2016); có 677 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,87 tỷ USD (tăng 38,5%) và 2.946 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị góp vốn là 3,12 tỷ USD, (tăng 109,7%).

Trong 7 tháng, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là 10,83 tỷ USD (chiếm 49,4% tổng vốn đầu tư đăng ký). Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện là 5,25 tỷ USD (chiếm 23,98% tổng vốn đầu tư); lĩnh vực khai khoáng với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,28 tỷ USD (chiếm 5,86%).

Điều đó chứng tỏ các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng đầu tư vào Việt Nam càng nhiều thì càng cần phải nhập khẩu máy móc thiết bị nhiều.

Dự báo từ nay đến cuối năm, kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị sẽ giảm dần do việc đầu tư của nhiều dự án đã cơ bản hoàn thành.

Thùy Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên