Nhập khẩu sữa từ Nhật Bản tăng mạnh
Kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa từ Nhật Bản đạt trị giá 18,5 triệu USD trong 7 tháng đầu năm nay, tăng 61,7% so với cùng kỳ năm ngoái...
- 02-09-2018Phát hiện sữa chua Trung Quốc nhập lậu
- 28-08-2018Thu hồi dầu gội, sữa rửa mặt, kem giữ ẩm kém chất lượng
- 23-08-2018Mỗi ngày người Việt chi hơn 60 tỷ đồng uống sữa ngoại
Sữa và sản phẩm sữa cũng nằm trong nhóm hàng nhập khẩu có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất từ thị trường Nhật Bản trong 7 tháng năm 2018, cùng với than đá, xơ sợi dệt, điện thoại, máy ảnh và hàng thủy sản.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2018, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản đạt 1,52 tỷ USD, tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 21,5% so với tháng 7/2017.
Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2018, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này đạt trên 10,51 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Năm nhóm hàng mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Nhật Bản là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; sản phẩm từ chất dẻo; linh kiện phụ tùng ô tô và vải các loại.
Tuy nhiên, mặt hàng nhập khẩu có sự tăng trưởng mạnh nhất trong 7 tháng năm 2018 lại là than các loại, với mức tăng trưởng gấp 130 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5,04 triệu USD.
Xếp thứ hai là mặt hàng điện thoại, với mức tăng trưởng 205,6%, đạt trị giá giá 137,02 triệu USD trong 7 tháng đầu năm. Đứng thứ ba là máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 139,4%, đạt 127,83 triệu USD.
Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng sữa và sản phẩm sữa từ Nhật Bản cũng bứt phá mạnh, với mức tăng trưởng 61,7%, đạt trị giá 18,5 triệu USD trong 7 tháng năm 2018.
Mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản có sự sụt giảm mạnh nhất trong 7 tháng đầu năm là ô tô nguyên chiếc với mức giảm 61,6%, chỉ đạt 28,07 triệu USD. Ngoài ra là một số mặt hàng khác như sản phẩm từ dầu mỏ giảm 29,9%; nguyên phụ liệu thuốc lá giảm 28%; hàng điện gia dụng và linh kiện giảm 22,6%...
Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2018, Việt Nam đã nhập khẩu 67 triệu USD mặt hàng sữa và sản phẩm sữa. Tính chung trong 7 tháng, trị giá nhập khẩu mặt hàng này đạt 492 triệu USD.
Dự báo lượng nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa từ những thị trường như Nhật Bản sẽ ngày càng lớn. Nguyên nhân là do Việt Nam cùng 10 nước thành viên đã chính thức ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 9/3. Theo đó, thuế suất xuất nhập khẩu hàng loạt mặt hàng, trong đó có sữa, sẽ giảm về 0% trong vòng 7 năm.
Trong số 10 nước tham gia CPTPP thì đã có đến 4 nước xuất khẩu sữa sang thị trường Việt Nam với thị phần lớn nhất là New Zealand, Singapore, Malaysia và Nhật Bản.
Vneconomy