MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhập khẩu thịt heo tăng gần 6 lần

22-07-2019 - 19:02 PM | Thị trường

Hiện hầu hết doanh nghiệp nhập thịt heo để chế biến thực phẩm (giò, chả, xúc xích…).

6 tháng đầu năm, có 5.647 tấn thịt heo được nhập khẩu qua cửa khẩu Hải quan TP HCM, tương đương kim ngạch 10,29 triệu USD (tăng về lượng gần 4.800 tấn và tăng 8,1 triệu USD về kim ngạch so với 6 tháng đầu năm 2018). Như vậy, lượng thịt heo nhập khẩu đã tăng đến gần 6 lần.

Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất từ các nước: Brazil 2.368 tấn với kim ngạch 4,39 triệu USD; Mỹ 874 tấn, 1,75 triệu USD; Ba Lan 848 tấn, 1,41 triệu USD; Bỉ 238 tấn...

Theo Sở Công Thương TP HCM, lượng nhập khẩu tăng chủ yếu do giá thịt heo nhập khẩu rẻ hơn giá heo hơi trong nước, đồng thời kinh tế nước ta đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, các rào cản thương mại bị gỡ bỏ, thị trường thịt heo trong nước có sự liên thông nhất định với nước ngoài.

Đặc biệt, từ cuối năm 2018, Việt Nam mở cửa trở lại với thịt heo từ Nam Mỹ nên lượng heo nhập từ Brazil tăng.

Hiện hầu hết doanh nghiệp nhập thịt heo để chế biến thực phẩm (giò, chả, xúc xích…), chỉ một lượng nhỏ nhập khẩu dạng đặc sản hoặc cao cấp được bán trực tiếp ra thị trường do người tiêu dùng vẫn ưa dùng thịt tươi, chưa có thói quen dùng thịt đông lạnh.

 Nhập khẩu thịt heo tăng gần 6 lần  - Ảnh 1.

Tiêu thụ thịt heo tại siêu thị tăng nhẹ từ khi có dịch tả heo châu Phi đến nay

Đến nay, 24 quốc gia, vùng lãnh thổ đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm từ thịt vào Viêt Nam.

Liên quan đến việc ứng phó với dịch tả heo châu Phi, ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP, cho biết đang tiếp tục phối hợp cùng các sở ngành, đơn vị liên quan triển khai 5 giải pháp. Song song đó, tiếp tục đôn đốc doanh nghiệp bình ổn thị trường bảo đảm cung ứng đạt, vượt kế hoạch UBND TP giao trong mọi tình huống thị trường, bảo đảm nguồn hàng, giữ giá ổn định phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Phối hợp với Ban Quản lý An toàn Thực phẩm, Cục Quản lý Thị trường TP tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng thịt heo sản xuất trong nước và ngoại nhập.

Cũng theo ông Phương, nguồn cung thịt heo bình ổn thị trường đạt 4.091 tấn/tháng, chiếm 21% thị phần. Dự báo, cuối năm nay, giá thịt heo sẽ tăng do sản lượng giảm. Sở Công Thương đã làm việc với các doanh nghiệp, sở ngành về kế hoạch cung ứng thịt heo từ nay đến Tết nguyên đán. Theo đó, chủ động phương án nhập khẩu, dự trữ thịt heo, đồng thời tính toán nguồn cung bổ sung, thay thế. Mặc dù vậy, khả năng dự trữ của các doanh nghiệp có giới hạn, nếu chỉ dự trữ sẽ khó đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

"Về nguồn cung thay thế, không chờ các cơ quan chức năng có chỉ đạo, một số hộ chăn nuôi heo đã tận dụng chuồng trại bỏ trống do chưa thể tái đàn heo để nuôi gà, vịt" – ông Phương nói. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh là vòng đời của gà, vịt rất ngắn, chỉ khoảng 2 tháng nên một số hộ chưa có kinh nghiệm chăn nuôi gia cầm đã gặp khó khăn về đầu ra. Vì vậy, sở đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương vào cuộc, tính toán cung – cầu để có định hướng chăn nuôi phù hợp.

Tiêu thụ thịt heo tại các chợ vẫn trong xu hướng giảm dù đã có cải thiện hơn so với thời điểm mới bùng phát dịch bệnh, trong khi tiêu thụ tại siêu thị tăng nhẹ. Riêng sản lượng tiêu thụ tại hệ thống Saigon Co.op tăng 30%, dự kiến Saigon Co.op sẽ dự trữ khoảng 110 tấn thịt đông lạnh, chủ yếu là thịt gà với giá thấp hơn giá thị trường khoảng 5%- 10%.

Theo Thanh Nhân

Người lao động

Trở lên trên