MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam tăng gần 10% trong tháng 7

27-08-2021 - 07:12 AM | Thị trường

Nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam tăng gần 10% trong tháng 7

Nhập khẩu dầu từ Malaysia chiếm tỷ trọng lớn nhất với 33,4% về lượng và 30,7% về tổng kim ngạch.

Nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam trong tháng 7/2021 tăng 8,2% về lượng và tăng 21% về kim ngạch so với tháng liền kề trước đó, đạt 584.455 tấn, trị giá 386,93 triệu USD, giá nhập khẩu trung bình 662 USD/tấn, tăng 71 USD/tấn với tháng 6/2021, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan.

Trong đó, nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng 50,44% về lượng và tăng 51,12% về kim ngạch, đạt 168.212 tấn, trị giá 101,3 triệu USD, giá trung bình nhập khẩu 662,2 USD/tấn, tăng 63 USD/tấn so với tháng 6/2021; còn lại từ các thị trường khác đa số sụt giảm: từ Malaysia giảm 9,24% về lượng và giảm 5,24% về kim ngạch so với tháng 6/2021, đạt 140.975 tấn, trị giá 83,5 triệu USD, giá trung bình 592,7 USD/tấn, tăng 25 USD/tấn; từ Singapore giảm 23,3% về lượng và tăng 15,4% về kim ngạch, đạt 98.503 tấn, trị giá 87,05 triệu USD; từ Thái Lan giảm 21,11% về lượng và giảm 13,53% về kim ngạch, đạt 108.955 tấn, trị giá 73,28 triệu USD, giá trung bình nhập khẩu 672,6 USD/tấn, tăng 58,9 USD/tấn so với tháng 6/2021….

Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2021, lượng xăng dầu nhập khẩu đạt 4,56 triệu tấn, trị giá 2,53 tỷ USD, giảm 15,2% về lượng và tăng 17,5% về kim ngạch so với 7 tháng đầu năm 2020; giá trung bình 554,3 USD/tấn, tăng 154 USD/tấn so với giá nhập khẩu cùng kỳ năm trước.

Từ đầu năm đến nay, nhập khẩu từ Malaysia đạt 1.528.221 tấn, trị giá 777,94 triệu USD, giá trung bình 509 USD/tấn, tăng 148 USD/tấn so với 7 tháng đầu năm 2020. Đây là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số những nhà cung cấp xăng dầu cho Việt Nam, chiếm 33,4% về lượng và 30,7% về tổng kim ngạch.

Nhập khẩu từ Hàn Quốc trong 7 tháng đạt 1.104.982 tấn, trị giá 642,52 triệu USD, giá trung bình 581 USD/tấn, tăng 163 USD/tấn so với 7 tháng đầu năm 2020; Singapore đạt 825.862 tấn, trị giá 485,39 triệu USD, giá trung bình 587,7 USD/tấn, tăng 199 USD/tấn so với giá nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2020, giảm 19,88% về lượng, nhưng tăng 21,17% về trị giá;  Thái Lan tăng 8,55% về lượng và tăng 60,85% về trị giá, đạt 698.599 tấn, trị giá 394,03 triệu USD, giá nhập khẩu trung bình 564 USD/tấn, tăng 184 USD/tấn so với 7 tháng đầu năm 2020; từ thị trường Trung Quốc giảm 55,55% về lượng và giảm 47,9% về kim ngạch, giá trung bình 543,7 USD/tấn, tăng 79 USD/tấn so với giá nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2020.

Thông thường, nhập khẩu dầu vào Châu Á luôn tăng, chủ yếu do Trung Quốc tăng mạnh. Tuy nhiên, trong tháng 8 này, nhập khẩu tăng chủ yếu do Ấn Độ và Nhật Bản – hai nước nhập khẩu dầu lớn thứ 2 và 3 trong khu vực.

Giá dầu thô trên thị trường thế giới đã đạt "đỉnh" của năm vào đầu tháng 7/2021, khi đó giá dầu Brent đạt 77,84 USD/thùng vào ngày 6/7, sau đó giảm dần xuống 71,93 USD vào phiên 25/8.

Phần lớn giá dầu thô cập cảng Châu Á trong tháng 8 được mua trước hoặc khi giá dầu thô gần mức đỉnh cao, ngoại trừ Ấn Độ, nơi các nhà máy lọc dầu có xu hướng mua những hợp đồng kỳ hạn giao ngay hoặc giao gần do vị trí địa lý gần sát với các nước sản xuất dầu ở Trung Đông.

Nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam tăng gần 10% trong tháng 7 - Ảnh 1.

Nhập khẩu dầu thô của Châu Á

Ấn Độ đang trên đà xác lập kỷ lục nhập khẩu dầu trong tháng 8 nhiều nhất trong vòng 5 tháng. Theo đó, ước tính của nhà phân tích hàng hóa Kpler cho rằng quốc gia Nam Á này sẽ nhập khẩu trung bình 4,33 triệu thùng/ngày, cao hơn một chút so với dự báo của Refinitiv Oil Research là 4,31 triệu thùng/ngày.

Dù kết quả thực tế có ra sao, song chắc chắn nhập khẩu dầu của Ấn Độ tháng này sẽ hồi phục mạnh từ mức thấp nhất 12 tháng – khoảng 3,4 triệu thùng/ngày trong tháng 7.

Nhập khẩu dầu của Ấn Độ gần đây giảm là do ảnh hưởng kép từ đại dịch Covid-19 bùng phát và giá dầu thô tăng cao, khiến các nhà máy lọc dầu trì hoãn việc ký kết hợp đồng mua hàng. Cả 2 yếu tố tiêu cực này mấy tuần trở lại đây đã giảm dần. Mặc dù vẫn còn nhiều ca nhiễm Covid-19 song nền kinh tế Ấn Độ đang dần mở cửa trở lại, dẫn đến nhu cầu nhiên liệu tăng lên.

Bên cạnh đó, có nhiều khả năng các công ty lọc dầu của Ấn Độ đã tận dụng được sự sụt giảm của giá dầu Brent và các loại dầu thô khác, chẳng hạn như dầu thô Oman kỳ hạn tương lai, hồi giữa tháng 7, khi dầu Brent xuống thấp, chỉ 67,44 USD/thùng vào ngày 20/7.

Các nhà nhập khẩu dầu thô khác cũng hoạt động mạnh mẽ trong tháng 8 này. Trong đó phải kể đến Nhật Bản. Theo Kpler, nhập khẩu dầu thô vào nước này trong tháng 8 ước đạt 3,36 triệu thùng/ngày, còn theo Refinitiv là 2,81 triệu thùng/ngày, tăng so với ước tính lần lượt 2,56 triệu thùng/ngày và 1,85 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2021.

Cũng giống Ấn Độ, Nhật Bản đang chật vật chống lại đại dịch Covid-19, nhưng các nhà máy lọc dầu nước này thường tăng cường mua nguyên liệu kể từ tháng 8 để đảm bảo đủ các sản phẩm tinh chế, như dầu hỏa, được sử dụng rộng rãi làm nhiên liệu sưởi ấm cho mùa đông.

Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, cũng dự kiến có mức tăng nhập trong tháng 8, Kpler ước tính khoảng 10,03 triệu thùng/ngày, còn Refinitiv ước tính là 10,79 triệu thùng/ngày, tăng so với lần lượt 9,64 triệu thùng/ngày và 9,71 triệu thùng/ngày trong tháng Bảy.

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã giảm trong những tháng gần đây do các nhà máy lọc dầu nước này thường không mua lúc giá cao mà thay vào đó sử dụng lượng dầu dự trữ tích lũy từ năm ngoái – khi giá dầu giảm xuống mức âm do đại dịch Covid-19 và bất đồng ngắn hạn giữa các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới – Saudi Arabia và Nga. Tuy nhiên, việc dự trữ dầu của Trung Quốc giảm có thể sắp kết thúc bởi dự kiến giá dầu ổn định sẽ thúc đẩy các nhà máy lọc dầu nước này quay trở lại thị trường quốc tế để nhập khẩu nguyên liệu.

Hàn Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn thứ tư của châu Á, có thể sẽ nhập khẩu lượng dầu trong tháng 8 tương đương như tháng 7, khi cả Kpler và Refinitiv đều thông báo lượng dầu cập cảng tháng này chỉ ít hoặc nhiều hơn chút ít so với tháng trước.

Nhìn chung, 4 nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu châu Á dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 21,13 triệu thùng/ngày trong tháng 8, tăng so với mức 19,64 triệu của tháng 7, theo dữ liệu của Kpler.

Mặc dù mức này cao hơn hai tháng liền trước, nhưng vẫn là tháng thấp thứ ba trong năm nay, cho thấy nhập khẩu dầu thô của châu Á vẫn còn cần thêm thời gian để hồi phục trở lại mức đầu năm, hoặc hồi phục hoàn toàn như trước khi đại dịch Covid-19.

Tham khảo: Reuters

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên