MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nhấp nhổm” theo giá gạo

13-08-2023 - 12:52 PM | Thị trường

Giá gạo cao tăng khiến nhiều nơi nhấp nhổm theo, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bún, phở, bột.

Ngăn chặn hiện tượng găm hàng, gặt non khi giá lúa gạo tăng mạnh

Thời gian qua, sau khi Ấn Độ, Nga và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất thông báo ngừng bán gạo sang nước ngoài, giá gạo Việt Nam xuất khẩu đã liên tục tăng. Đây là tin vui cho nhiều bà con nông dân, những người quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.

Mặc dù vậy, điều này cũng dẫn đến việc ở một số nơi xuất hiện tình trạng găm hàng, gặt non khi giá gạo tăng. Theo ghi nhận của báo Lao động, thương lái bán gạo 13 năm tại Hà Nội chia sẻ "chưa bao giờ thấy giá gạo tăng chóng mặt như vậy". Đến đầu tháng 8, giá đã tăng 35% so với cùng kỳ.

Cũng theo bình luận của báo Lao động, giá gạo tăng khiến nông dân găm hàng chờ giá cao hơn, doanh nghiệp càng khó để thu mua. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, bởi vì e ngại không chủ động được nguồn hàng, các doanh nghiệp sẽ không dám ký hợp đồng với các đối tác. Nếu tình trạng găm hàng kéo dài, thị trường gạo sẽ rối loạn, xuất khẩu gạo sẽ bị hạn chế.

“Nhấp nhổm” theo giá gạo - Ảnh 1.

Đến đầu tháng 8, giá gạo đã tăng 35% so với cùng kỳ. (Ảnh: NLĐ)

Giá cao tăng, theo báo Tiền phong, cũng khiến nhiều nơi phải nhấp nhổm theo, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bún, phở, bột. Thiếu gạo để chế biến, các doanh nghiệp chạy đôn chạy đáo để tranh mua nguyên liệu tích trữ sản xuất, nhưng cũng không có. Một số loại bột gạo đã tăng thêm 3.000 đồng lên 26.000 đồng một kg. Nếu tiếp tục ở mức cao, tới đây, nhiều doanh nghiệp sẽ phải tăng giá bán các sản phẩm bún, phở, miến.

Trong tuần, Thủ tướng Chính phủ đã ký chỉ thị về việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, trong đó yêu cầu đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa một năm; đồng thời chủ động điều tiết hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu gạo.

Ổn định thị trường gạo trong nước, tranh thủ xuất khẩu

Đó là những ảnh hưởng về sản xuất ở trong nước, ở một khía cạnh khác, trước bối cảnh giá gạo xuất khẩu tăng, trong tuần qua trên báo chí xuất hiện 2 luồng ý kiến khác nhau. Đó là lúc này nên tận dụng cơ hội để tăng xuất khẩu hay hạn chế để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Báo Quân đội nhân dân trích số hiệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy hiện tổng diện tích gieo trồng lúa năm nay vẫn đảm bảo 7,1 triệu hecta, sản lượng theo kế hoạch 43 - 43,5 triệu tấn lúa, do vậy có thể yên tâm. Ngoài ra, đảm bảo đủ sản lượng trong nước vẫn có thể xuất khẩu. Theo tính toán, nếu tăng thêm diện tích 50.000 ha lúa Thu Đông sắp tới thì có thể thu thêm 100 triệu USD.

Báo Đầu tư cho rằng xuất khẩu nhiều phải song hành với giá cao mang về giá trị gia tăng tốt cho các khâu trong chuỗi sản xuất kinh doanh gạo. Đây là yếu tố quan trọng, bởi qua đó doanh nghiệp mới có điều kiện tái đầu tư cho sản xuất, nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa.

Xác lập vị thế mới cho gạo Việt

Ở một góc độ khác, GS. TS. Võ Tòng Xuân, một chuyên gia về lúa gạo, đã chia sẻ trên báo Thanh niên cho thấy còn những băn khoăn nếu chúng ta tăng diện tích sản lượng để đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo phân tích của ông, Việt Nam hiện đã chuyển hướng sang sản xuất gạo chất lượng cao nên bán giá cao, thậm chí có thời điểm giá cao nhất thế giới. Điều đó chứng tỏ gạo của Việt Nam đã ở phân khúc hoàn toàn khác. Ngoài ra, cần lưu ý đến biến đổi khí hậu và El Nino sẽ tác động tới Việt Nam. Nếu hồ hởi với cơn sốt giá gạo, có thể sẽ phải chạy theo chống hạn mặn, tìm nguồn nước ngọt để cứu lúa sau này.

GS. TS. Võ Tòng Xuân cho rằng cần phát triển nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, gạo chỉ là một phần nhỏ trong khái niệm an ninh lương thực. Xét về con số thực, xuất khẩu rau quả, hay tôm, cá đều có kim ngạch lớn hơn lúa gạo, vì vậy không nên chạy theo sự tăng giá nhất thời, mà phải tuân thủ phát triển nền nông nghiệp thuận thiên theo Nghị quyết 120 của Chính phủ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã vạch ra.

Xuất khẩu rau quả "bùng nổ", có thể đạt 5 tỷ USD

Thực tế, từ đầu năm đến nay, mặc dù hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nhưng các mặt hàng rau quả, cà phê lại có nhiều khởi sắc và kỳ vọng đạt kỷ lục mới trong năm nay.

Cụ thể, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, xuất khẩu rau quả có thể đạt trên 5 tỷ USD trong năm nay. EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất, tiếp đến là Mỹ, Trung Quốc Anh và Canada. Đây hầu như chủ yếu là xuất khẩu thô, sản phẩm ở dạng quả tươi. Nếu đầu tư tốt hơn cho chế biến sâu, mở rộng thị trường thì mục tiêu 10 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả là đạt được, theo tờ Nông thôn ngày nay.

Với cà phê, nếu xuất khẩu những tháng cuối năm bằng cùng kỳ năm trước và giá xuất khẩu bằng với 7 tháng đầu năm thì kim ngạch xuất khẩu cà phê xe đạt mức 4,2 tỷ USD, mức kỷ lục từ xưa đến nay, thông tin trên Báo Đầu tư.

Theo Ban Thời sự

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên