MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhật Bản đang đau đầu vì chất lượng bảo hiểm y tế... quá tốt

27-04-2017 - 11:39 AM | Tài chính quốc tế

Động thái xem xét lại chương trình bảo hiểm y tế Obamacare của Tổng thống Donald Trump trong năm nay đã khiến nhiều chuyên gia phải đặt câu hỏi liệu Nhật Bản cũng nên xem xét lại hệ thống y tế của họ.

Tại Nhật Bản, bảo hiểm y tế được chính phủ yêu cầu mọi người dân phải đăng ký. Những nhân viên có việc làm được công ty thanh toán hết và họ chỉ phải đặt cọc 20% viện phí và sẽ được hoàn trả sau khi bệnh viện được công ty bảo hiểm thanh toán.

Những lao động thất nghiệp hoặc tự kinh doanh cũng phải gia nhập chương trình bảo hiểm quốc gia và chính phủ sẽ dựa trên mức thu nhập, tổng tài sản hay số người phụ thuộc để tính số tiền bảo hiểm trợ cấp. Thông thường, những lao động này chi trả khoảng 30% số tiền viện phí và chính phủ thanh toán số còn lại, riêng với người già thì chỉ phải trả 10%.

Đặc biệt, những người già và người có thu nhập thấp vẫn được chính phủ Nhật Bản hỗ trợ hết mức, thậm chí cho trả toàn bộ viện phí tùy vào từng trường hợp. Thêm vào đó, quy mô dịch vụ được chi trả bảo hiểm ở Nhật khá rộng cũng như chất lượng vô cùng tốt, khiến Nhật Bản trở thành một trong những nước có chất lượng y tế, bảo hiểm tốt nhất thế giới.

Số liệu năm 2012 cho thấy 82% chi tiêu dịch vụ ngành y tế tại Nhật được hỗ trợ bởi chính phủ, cao hơn tỷ lệ bình quân 72% của các nước thành viên tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).


Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm 1 phòng mổ tại bệnh viện

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm 1 phòng mổ tại bệnh viện

Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi Nhật Bản đứng đầu thế giới trong bảng xếp hạng năm 2016 về chất lượng y tế cũng như kéo dài cuộc sống với mức tuổi thọ bình quân là 83,7 tuổi. Với việc dễ dàng được chữa trị tại bất kỳ bệnh viện nào trên toàn quốc, chất lượng tốt lại được nhà nước chi trả phần lớn thì thành quả này là đương nhiên. Số liệu của OECD cho thấy thời gian lưu lại bệnh viện của người Nhật dài gấp đôi so với các quốc gia phát triển khác.

Dẫu vậy, với việc số người gia tăng nhanh cùng với mức giá ngày càng đắt đỏ của các loại thuốc cũng như công nghệ mới đang khiến hệ thống y tế và bảo hiểm Nhật gặp nhiều khó khăn. Năm 2008, Nhật Bản phải chi 8,6% GDP cho y tế thì con số này đã lên 10,3% vào năm 2013 do dân số già hóa nhanh chóng.

Thêm vào đó, việc được bao cấp về chi phí y tế khiến người dân Nhật sử dụng ngày càng nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong khi công nghệ y dược ngày càng đắt đỏ khiến nhiều bệnh viện bị quá tải hoặc không đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân. Đây là một đặc điểm rất khác so với Mỹ khi chính quyền Washington chỉ chi trả một phần nhất định viện phí và từ chối thanh toán những dịch vụ có mức phí quá cao vượt qua khung bảo hiểm. Thậm chí có rất nhiều người Mỹ phá sản vì không đủ tiền thanh toán chữa bệnh, điều rất hiếm xảy ra ở Nhật.


Chi phí y tế theo % GDP, tỷ lệ bác sĩ trên 1.000 người dân và số ngày ở lại bệnh viện bình quân của mỗi người Nhật.

Chi phí y tế theo % GDP, tỷ lệ bác sĩ trên 1.000 người dân và số ngày ở lại bệnh viện bình quân của mỗi người Nhật.

Tốt quá hóa dở

Việc các hãng thuốc tăng giá quá cao khiến ngân sách Nhật Bản bị xói mòn nghiêm trọng do phải trợ cấp bảo hiểm y tế là nguyên nhân chính cho những động thái cứng rắn gần đây của chính quyền Tokyo. Mới đây, Nhật Bản đã quyết định từ chối thanh toán bảo hiểm cho hãng thuốc Ono Pharmaceutical do tăng giá thuốc Opdivo chữa trị ung thư phổi một cách bất hợp lý.

Chính hệ thống bao cấp quá tốt của chính quyền Tokyo đã tạo tiền đề cho hàng loạt hãng dược nâng giá một cách vô tội vạ nhằm trục lợi từ bảo hiểm trong khi người dân, những cử tri lại không bị ảnh hưởng gì và hệ quả là chẳng có mấy chính trị gia muốn đắc tội với các tập đoàn dược đầy thế lực.

Mặc dù vậy, tình hình đã thay đổi khi ngân sách Nhật đang ngày một xói mòn do chi phí y tế. Mức chi bình quân 35 triệu Yên Nhật mỗi năm cho 1 người đang khiến ngân sách chịu áp lực vô cùng lớn.

Báo cáo tài khóa năm 2014 cho thấy người dân Nhật chỉ phải chi 11,7% cho chi phí y tế trong khi các hãng bảo hiểm quốc doanh và công ty thanh toán 48,7%. Còn lại 38,8% thì được chính các quỹ của nhà nước hỗ trợ.

Trong khi đó, số liệu của OECD cho thấy chi phí y tế của Nhật Bản năm 2015 là 11,2% GDP, xếp thứ 3 trong 35 thành viên của tổ chức này sau Mỹ (16,9%) và Thụy Sĩ (11,5%), tăng mạnh từ vị trí thứ 8 vào năm 2014. Theo đó, chính chi phí bảo hiểm hỗ trợ cho dịch vụ y tá chăm sóc người già tại gia đã khiến ngân sách của Nhật chịu áp lực ngày một lớn.

Hệ thống bảo hiểm y tế của Nhật được xem xét bởi cơ quan Chuikyo thuộc Bộ y tế và cơ quan này xem xét giá cả dịch vụ, thuốc men mỗi 2 năm 1 lần. Dù kiểm soát được mức giá nhưng nhược điểm của Chuikyo là không kiểm soát được số lượng người tiếp cận bảo hiểm, dịch vụ y tế giá rẻ này bởi nhu cầu chữa bệnh thì không bao giờ hết.

Tuy nhiên hầu như không có ai lên tiếng phản đối bởi bác sĩ và bệnh viện có thu nhập, công ty thuốc có doanh thu, người bệnh được chữa trị còn các chính trị gia được phiếu bầu. Điều này giải thích tại sao các bác sĩ tại Nhật lại vô cùng bận rộn và việc xét nghiệm chẩn đoán bệnh trở thành chuyện thường tình tại quốc gia này.

Chuyên gia Yusuke Tsugawa của trường đại học Havard cho biết tỷ lệ chụp hình cắt lớp MRI và CT bình quân trên mỗi 1 triệu người tại Nhật Bản là cao nhất thế giới, cao gấp 8 lần so với Anh và gấp đôi so với Mỹ. Trong khi đó, số lần vào bệnh viện của người Nhật cũng cao gấp 3 so với Mỹ.

Mặc dù số bệnh viện bình quân đầu người tại Nhật cao gấp 3 lần so với Mỹ nhưng điều trớ trêu là nước này vẫn không đáp ứng được hết nhu cầu ngày càng cao của dân số đang già hóa nhanh chóng.

Chính vì lý do này, việc Tổng thống Trump tìm cách sửa đổi hệ thống bảo hiểm y tế Obamacare đang khiến giới chính trị Nhật Bản chú ý cũng như thúc đẩy nhiều tiếng nói cải cách ngành bảo hiểm Nhật Bản, vốn đang được coi là khá tốt trên thế giới.

Theo Băng Tâm

Thời Đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên