MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhật Bản đau đầu vì người dân chán ăn cơm với cá

31-08-2022 - 10:20 AM | Tài chính quốc tế

Thu nhập cao cùng lối sống vội của giới trẻ đang khiến Nhật Bản ngày càng khó tự cung tự cấp lương thực hơn.

Theo hãng tin Bloomberg, việc người dân Nhật Bản đang ngày càng chán ăn cơm với cá, chuyển qua những món như bánh mỳ, thịt, dầu ăn... khác xa so với truyền thống đang khiến chính phủ nước này đau đầu, qua đó phụ thuộc nặng hơn vào nhập khẩu lương thực.

Trong hàng thập niên, Nhật Bản đã nổi tiếng với những món như sushi và truyền thống ăn uống thanh đạm của mình. Thế nhưng thời gian gần đây, sự dịch chuyển khẩu vị đã khiến nền nông nghiệp nước này khó lòng đáp ứng được dân chúng. Tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực tính theo Calorie của Nhật đã giảm từ 73% năm 1965 xuống chỉ còn 37% năm 2020, mức thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn.

 Nhật Bản đau đầu vì người dân chán ăn cơm với cá  - Ảnh 1.

Giáo sư Toshiyuki Ito của Viện Kanazawa Institute of Technology cho biết việc nước này tập trung quá nhiều vào hiệu quả của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng hay lạm phát mà quên đi những yếu tố khác như nông nghiệp, an ninh lương thực.

Thay đổi khẩu vị

Hãng tin Bloomberg cho biết người Nhật dịch chuyển khẩu vị của mình từ khi thu nhập của họ tăng lên. Kinh tế phát triển thúc đẩy giao thương, khả năng nhập khẩu ngày càng nhiều loại thực phẩm khác nhau, thế rồi sự bùng nổ giao lưu văn hóa, du lịch, Internet đã thúc đẩy tiến trình này.

Ngoài ra, sự trỗi dậy của lực lượng lao động nữ, thế hệ trẻ độc thân, những thanh niên ăn cỏ... càng khiến lối sống truyền thống cũng như khẩu vị của người dân Nhật Bản chịu ản hưởng. Hàng quán đồ ăn nhanh tại Nhật bùng nổ như vũ bão bất chấp hình ảnh một quốc gia có lối ăn uống lành mạnh.

Hiện Nhật Bản là thị trường có số chi nhánh McDonald’s nhiều thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc.

Trên thực tế, chính phủ Nhật Bản và các quan chức ngành nông nghiệp đã cố gắng khuyến khích người dân tăng cường tiêu dùng nông sản nội địa, ăn nhiều lúa gạo trong nước hơn. Mặc dù hầu hết lúa gạo được tiêu thụ hiện nay tại Nhật là hàng nội địa nhưng việc người dân chuyển hướng sang ăn những lựa chọn thực phẩm khác lại không dễ thay đổi.

Thậm chí theo tính toán, nếu mỗi người dân Nhật Bản ăn thêm 1 suất cơm mỗi bữa thì cũng chỉ gia tăng được tỷ lệ tự cung lương thực tính theo Calorie thêm 1%.

Ngay cả như vậy, những cố gắng của chính quyền Tokyo xem chừng cũng không khả quan. Hiện mức tiêu thụ gạo bình quân của người Nhật là 53 kg/năm, chưa bằng một nửa so với thời giữa thập niên 1960.

 Nhật Bản đau đầu vì người dân chán ăn cơm với cá  - Ảnh 2.

Các cuộc khảo sát cho thấy người dân đang ngày càng tránh nạp nhiều Carbonhydrates để giữ sức khỏe, trong khi dân số già đồng nghĩa sức ăn cũng yếu đi và chú trọng ăn kiêng nhiều hơn.

Về phía giới trẻ, việc phải nấu nướng với họ là quá mất thời gian trong khi cuộc sống hối hả, làm việc "đến chết" khiến tầng lớp này thường lựa chọn đồ ăn nhanh.

Hệ quả là ngày nay các gia đình Nhật thường khởi đầu ngày mới với bánh mỳ và sữa chua thay vì cơm, súp miso và cá nướng.

Không dừng lại đó, số liệu chính thức của chính phủ cho thấy lượng hải sản tiêu thụ bình quân đầu người ở Nhật Bản đã giảm từ 40 kg/người cách đây 20 năm xuống chỉ chưa đến 25 kg/người. Thậm chí những người chọn ăn cá cũng ưa thích các sản phẩm nhập khẩu có độ béo cao hơn trong nước, ví dụ như cá hồi nhập khẩu từ Chile hay Na Uy.

Giảm sản lượng

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp nói chung của Nhật Bản cũng đang gặp khó khăn. Do quốc gia này phụ thuộc lớn vào nhập khẩu phân bón, thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu nên khi những mặt hàng này tăng giá vì thiếu cung, ngành chăn nuôi và nông nghiệp trong nước phải chịu trận.

Tình hình hiện nghiêm trọng đến mức Cựu Bộ trưởng nông nghiệp Hiroshi Moriyama đã phải dẫn đầu một nhóm chính trị gia đề nghị Thủ tướng Fumio Kishida nên có hành động.

Trước tình hình này, chính phủ Nhật Bản đang tính đến xây dựng một khoản ngân sách cho an ninh lương thực trong những năm tới, nhưng điều này là không dễ dàng khi dân số già hóa nhanh, thiếu lao động cùng với khoản nợ công ngày một cao do các chương trình hỗ trợ kinh tế khổng lồ trước đó.

Trong khi lượng tiêu thụ những mặt hàng nông sản truyền thống như lúa gạo tại Nhật đã suy giảm liên tục nhiều thập niên thì sản lượng lúa mỳ trong nước cũng giảm khoảng 13% trong 5 năm qua. Hiện gần như toàn bộ lúa mỳ được tiêu thụ tại Nhật hiện nay là được nhập khẩu từ các nước như Mỹ, Canada hay Australia.

 Nhật Bản đau đầu vì người dân chán ăn cơm với cá  - Ảnh 3.

Theo Bloomberg, một trong những lý do chính khiến sản lượng lúa mỳ của nước này suy giảm là do truyền thống canh tác kép. Nghĩa là người nông dân trồng lúa mỳ, thu hoạch rồi xả lũ cánh đồng để trồng tiếp gạo trong năm đó.

Thế nhưng với dân số già hóa nhanh, thiếu lực lượng lao động cùng với xu thế bỏ làng quê lên thành phố của giới trẻ đã khiến người nông dân không có thời gian trồng vụ kép như vậy nữa. Thậm chí nhiều cánh đồng còn bị bỏ trống nhiều tháng do canh tác không có lợi nhuận.

Anh Itsuo Kenmochi, một nông dân đời thứ 3 trong 1 gia đình truyền thống làm nghề nông tại Niigata cho biết mình chỉ có thể canh tác được trong khoảng tháng 5-10, còn lại trời tuyết lạnh nên anh bỏ trống đồng ruộng.

Theo anh Kenmochi, việc canh tác hiện ngày một khó khăn vì chi phí nuôi trồng đi lên nhưng giá nông sản lại đi xuống trước sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu cũng như thay đổi khẩu vị của người tiêu dùng.

"Tôi cố bám trụ với nghề chỉ vởi vì còn cánh đồng và truyền thống gia đình. Nếu không thì tôi bỏ cuộc lâu rồi", anh Kenmochi ngậm ngùi.

Từ bỏ

Chính phủ Nhật Bản đã cố gắng giúp đỡ người nông dân bằng cách chuyển hướng từ sản xuất lúa gạo cho thực phẩm chuyển sang dùng cho những nhu cầu khác như sản xuất bột. Thế nhưng nhu cầu vẫn giảm mạnh hơn so với sản lượng cung ứng. Giá bán buôn gạo tại Nhật đã giảm hơn 20% trong 10 năm qua bất chấp sản lượng lúa gạo đi xuống.

Trong khi đó, ngày càng nhiều hộ nông nghiệp từ bỏ ruộng động, bán lại cho những gia đình còn trụ lại. Ví dụ như cô Mizuho Kaido, gia đình cô đã mở rộng diện tích trồng trọ lên 90 lần so với ban đầu nhờ mua lại đồng ruộng từ những hộ không còn khả năng canh tác. Nhờ quy mô lớn mà cô Kaido có thể ứng dụng các công nghệ trồng trọt hiện đại, tiết kiệm chi phí, thế nhưng vậy vẫn chưa đủ.

 Nhật Bản đau đầu vì người dân chán ăn cơm với cá  - Ảnh 4.

"Mọi người đang từ bỏ ruộng đồng vì đã quá già. Tôi thì hiện không lo lắng gì nhưng thế hệ sau này thì sẽ có khủng hoảng đấy", cô Kaido lo lắng.

Chuyên gia Kazuhito Yamashita của Viện Canon Institute for Global Studies cho rằng Nhật Bản có thể để giá gạo giảm nhằm tăng lợi thế xuất khẩu. Tuy nhiên với thói quen canh tác manh mún, phụ thuộc vào phân bón, nhiên liệu nhập khẩu như hiện nay cùng với chi phí sản xuất cao thì câu chuyện không dễ dàng.

Trong năm 2021, Nhật Bản chỉ xuất khẩu được 22.833 tấn gạo, kém hơn rất nhiều so với 8 triệu tấn gạo của Thái Lan. Nguyên nhân chính là gạo Nhật quá đắt đỏ và chủ yếu được nhập khẩu để làm sushi cho các nhà hàng.

Ví dụ tại Singapore, bình thường 2 kg gạo Nhật từ Niigata-Nhật Bản có giá đến 23,7 Singapore Dollar tại siêu thị Cold Storage, đắt gấp 3 lần gạo nhập từ Thái Lan.

Theo Huyền Băng

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên