Nhật Bản sẵn sàng can thiệp vào thị trường tiền tệ
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Masato Kanda nhận định những biến động tỷ giá quá mức sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế quốc gia.
- 24-06-2024Chỉ với 5 chữ, Buffett đúc kết một bài học quý giá hơn cả việc lựa chọn đúng cổ phiếu, khiến thế giới thêm phần nể phục
- 24-06-2024Giá vàng thế giới tăng, chờ đợi tín hiệu tích cực từ dữ liệu lạm phát và phát biểu của quan chức Fed
- 24-06-2024Một cổ phiếu tăng 714% trong 8 năm, chiếm hơn 43% danh mục đầu tư của tập đoàn Warren Buffett lãnh đạo: Một trong những lựa chọn thành công nhất có còn đúng ở hiện tại?
Đồng Yen vẫn chịu áp lực và đang ở rất gần ngưỡng 160 Yen/USD trong phiên sáng 24/6, dù quan chức hàng đầu của Nhật Bản về tiền tệ đã cảnh báo rằng giới chức nước này sẵn sàng can thiệp vào thị trường tiền tệ nếu cần thiết.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Masato Kanda nhận định những biến động tỷ giá quá mức sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế quốc gia. Quan chức này cho biết trong trường hợp có những biến động quá mức do hoạt động đầu cơ, Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng có hành động thích hợp.
Ông Kanda đưa ra tuyên bố nói trên trong bối cảnh đồng Yen đang dao động gần mức tâm lý 160 Yen đổi 1 USD, cũng như mức thấp 160,17 Yen đổi 1 USD được ghi nhận vào ngày 29/4, thời điểm mà Nhật Bản được cho là đã can thiệp vào thị trường. Tính đến 7h59 sáng ngày 24/6 theo giờ Việt Nam, đồng Yen gần như đi ngang ở mức 159,81 Yen đổi 1 USD, gần với mức yếu nhất trong khoảng 34 năm qua.
Đồng Yen Nhật Bản. (Ảnh: istock)
Nhật Bản thừa nhận đã chi 9.800 tỷ Yen (tương đương 61,3 tỷ USD) để can thiệp vào thị trường tiền tệ trong khoảng thời gian một tháng từ ngày 26/4-29/5. Giới chức Nhật Bản không nói rõ thời điểm can thiệp của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), nhưng các mẫu hình giao dịch cho thấy có hai đợt can thiệp lớn vào ngày 29/4 và ngày 1/5. Dữ liệu dự trữ ngoại hối cho thấy Nhật Bản có khả năng đã bán trái phiếu chính phủ để có nguồn tài chính cho hoạt động can thiệp này.
Ông Tony Sycamore, chuyên gia phân tích thị trường tại IG Australia, cho rằng đợt can thiệp tiếp theo của BoJ có thể xảy ra nếu đồng Yen suy yếu hơn mức khoảng 160,20 Yen đổi 1 USD được ghi nhận vào cuối tháng Tư. Ông cho biết sự suy giảm của đồng Yen so với đồng USD trong tuần trước là do số liệu Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Mỹ mạnh hơn dự đoán và việc BoJ không đưa ra kế hoạch chi tiết về việc giảm mua trái phiếu.
Theo bản tóm tắt cuộc họp tháng này của BoJ được công bố ngày 24/6, một thành viên trong ban hoạch định chính sách của BoJ cho rằng ngân hàng này có thể cắt giảm mua trái phiếu với quy mô lớn hơn sau khi tham khảo ý kiến của những người tham gia thị trường. Một thành viên khác cho rằng BoJ cần xem xét điều chỉnh thêm mức độ nới lỏng tiền tệ vì có những nguy cơ có thể khiến lạm phát gia tăng.
Ông Kanda cho biết các nhà chức trách toàn cầu đang trao đổi với nhau hàng ngày về nhiều vấn đề, trong đó có cả tiền tệ. Quan chức này cho hay thị trường đang chú ý đến tỷ giá hối đoái và có sự thận trọng cao về việc can thiệp ngoại hối.
Ông Kanda cho biết giới chức Mỹ không có vấn đề gì với việc can thiệp của Nhật Bản, mà điều quan trọng nhất đối với họ là tính minh bạch. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản, quyết định của Mỹ trong việc đưa Nhật Bản vào danh sách theo dõi tiền tệ không ảnh hưởng đến chiến lược tiền tệ của Nhật Bản.
VTV