Nhật điều tra đường dây tuồn thuốc, mỹ phẩm lậu về Việt Nam
Cảnh sát tỉnh Nara ngày 12-10 cho biết họ bắt giữ 7 công dân Việt Nam vì tội trộm thực phẩm chức năng cùng mỹ phẩm, sau đó bán lại ở Việt Nam.
Theo cảnh sát địa phương, băng nhóm này do một người đàn ông 37 tuổi cầm đầu. Báo Sankei cho biết nhóm này thực hiện 247 vụ trộm cắp các mặt hàng tại các nhà thuốc và cửa hàng bán đồ thể thao trong ít nhất 18 tỉnh từ tháng 1-2015 đến tháng 2 năm nay. Tổng giá trị của các sản phẩm đánh cắp ước tính là 24,5 triệu yen (khoảng 5,2 tỉ đồng).
Cảnh sát cho biết 7 nghi phạm đến Nhật Bản với tư cách là sinh viên thuộc các chương trình trao đổi sinh viên hoặc nằm trong chương trình đào tạo lao động nước ngoài. Hiện cảnh sát đang điều tra phương thức đánh cắp, cách tuồn hàng về bán lại Việt Nam. Người đứng đầu nhóm trộm cắp nói với cảnh sát rằng y cần tiền để trang trải sinh hoạt phí.
Mỹ phẩm và các mặt hàng bị một băng nhóm người Việt đánh cắp ở tỉnh Gifu và tỉnh Aichi từ tháng 10-2017 đến tháng 10-2018. Ảnh: GIFU-NP.CO.JP
Nhiều năm trở lại đây, vụ việc người Việt trộm đồ ở Nhật Bản bị phanh phui không ít. Những món họ thường đánh cắp là mỹ phẩm, thuốc và quần áo rồi bán trên mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng. Những người này thường là một nhóm nhiều người, nam có nữ có, độ tuổi từ 20 đến trên dưới 40. Có vụ có cả người Nhật như vụ truyền thông Nhật đưa tin hồi 3-10. Cảnh sát tỉnh Gifu bắt 7 người gồm có cả nam nữ người Nhật và Việt Nam vì tình nghi thực hiện 115 vụ trộm cắp trong vòng 1 năm kể từ tháng 10 năm ngoái, trên địa bàn 5 tỉnh như Aichi, Gifu… Tổng số thiệt hại lên tới 64 triệu yen (khoảng 13,7 tỉ đồng).
Trước đó, cuối tháng 3, Tòa án tỉnh Fukuoka trục xuất một nữ thực tập sinh người Việt (30 tuổi) vì tội ăn cắp ở các cửa hàng với số tiền lên tới 12,58 triệu yen (khoảng 2,6 tỉ đồng). Mỗi khi vào các cửa hàng, người phụ nữ thường đeo một túi to, đôi lúc nhồi nhét tới 150 món đồ trong một lần ăn trộm. Người này là thành viên của nhóm gồm 6 người Việt tới Nhật theo chương trình thực tập sinh, đã tiến hành 109 vụ trộm cắp ở 8 tỉnh của Nhật trong một thời gian dài.
Người Lao động