Nhật ký 5 ngày phượt bằng xe máy của mẹ Hà Nội ''cắp nách'' 2 đứa con: Choáng ngợp, choáng váng, bọn trẻ nhận định đây là ''KỲ NGHỈ HÈ KHỐC LIỆT''
Những trải nghiệm chưa từng có được bà mẹ 2 con thuật lại đầy sinh động và chân thực sẽ thực sự hữu ích cho những gia đình có ý định đi phượt vào mùa hè này.
- 11-08-2022Những khu du lịch sinh thái trong lành chỉ cách TP.HCM chục phút đi xe cho dân văn phòng thư giãn cuối tuần
- 10-08-2022Đà Nẵng nỗ lực trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á
- 10-08-2022Vì sao Đà Nẵng lại là “điểm đến” của khách du lịch?
Đi phượt chắc chắn là trải nghiệm khó quên trong đời đối với bất kì ai. Hành trình trải qua đủ các cung bậc cảm xúc ấy vừa được chị Bùi Thị Thu Hằng (sống tại Hà Nội) chia sẻ đầy chân thực qua ''Nhật ký 5 ngày phượt cùng các con'' khiến người xem đi từ cảm giác hồi hộp, gay cấn cho tới lo lắng rồi vỡ oà. Cùng lắng nghe chị Hằng trải lòng về chuyến đi đặc biệt này nhé!
Có vô vàn những trải nghiệm "lần đầu" mà mình háo hức muốn được làm lại vào lần sau. Nhưng "lần đầu" đi phượt bằng xe máy, 5 ngày xuyên Hà Giang, với 2 đứa con 14 tuổi và 7 tuổi cắp nách thì nhất định là "KHÔNG".
Khung cảnh núi đồi trùng điệp - sự hùng vĩ của thiên nhiên Hà Giang.
NGÀY 0
9:00 tối, 3 mẹ con xuống đến bến xe Mỹ Đình. Cái bến xe mà 20 năm nay, kể từ thời sinh viên cho đến giờ mình vẫn thấy nó chẳng có gì thay đổi.
Bá Bắc mua cho 3 mẹ con cái vé xe giường nằm Hà Nội - Hà Giang thật xịn và sang, có thể điều khiển được độ nghiêng theo ý muốn, thêm chế độ massage và cái màn hình TV to như cái cửa sổ. 3:00 sáng thì xe dừng lại ở homestay Giang Sơn - nơi có bạt ngàn xe máy cho thuê chờ các phượt thủ. Dường như mọi dân phượt từ Hà Nội lên Hà Giang đều dừng chân để bắt đầu hành trình của mình từ điểm này.
NGÀY 1: THÀNH PHỐ HÀ GIANG - DU GIÀ 90KM
6:00 sáng, mình đánh thức bọn trẻ dậy thay đồ và đóng gói đồ đạc lên đường. Giây phút đầu tiên nhìn thấy 2 cái xe máy do Bá Bắc và em Chồn sẽ cầm lái, tim gan lòng ruột mình thắt lại. Chưa khi nào mình cảm thấy bản thân "yếu đuối" như lúc này. Não cứ lẩn thẩn "mình làm được" mà sự thật phơi bày ra trước mắt thì phũ phàng: là 1 đứa 43 tuổi hơn 20 năm qua không ngồi nổi xe máy đi xa quá 20km, lần nào ngồi sau xe máy mà gió hiu hiu là ngủ gật; 2 đứa con còn lại kinh nghiệm ngồi xe máy bằng vài lần được ba chở từ nhà ra đến bể bơi... Cơ mà sao hai đứa con cứ lạnh nhạt như không, nhìn các chú chất đồ lên xe buộc lại.
Đặc sản của Hà Giang là núi. Nên đoạn đường từ thành phố Hà Giang - Thuận Hoà - Thái An - Đường Thượng nào là cua trái, cua phải, rồi lại cua trái, rồi cua trái tiếp, xong cua sang phải... Cứ đếm vội từ 1 đến 5 là lại cua. Cua tay áo lên dốc cao chót vót, cua tay áo xuống thung lũng sâu thăm thẳm. Bên này là vách núi cao vời vợi, bên kia là vực sâu hun hút. Đi được một đoạn thì đã hiểu vì sao mình lại không ngủ gật dù gió mát hiu hiu. Hà Giang chắc chắn không bao giờ là điểm đến cho tất cả mọi người bởi kể cả những kẻ rong chơi ngạo mạn nhất cũng có thể "trớ" mật xanh mật vàng sau những cung đường núi non đẹp như hoa lụa.
Khung cảnh quá đỗi nên thơ.
Và ngợp! Ngợp giữa trời mây là núi non trùng trùng điệp điệp. Tiếng gió hát, tiếng thác reo, bóng nắng nhảy, mây trời bay... những tia sáng uyển chuyển lách qua khe núi khiến các mảnh sáng tối trở nên lặng thinh, ma mị... Đôi khi dừng chân ngắm nhìn mảng xanh hùng vĩ bên sông Miện, đôi lúc lướt qua mảng xám của những vạt đá bay, đôi khi vui vầy bên dòng suối mát... Mình như bị thôi miên suốt cả đoạn đường dài, đến 1 cái chớp mắt cũng thấy nuối tiếc vì sợ bỏ lỡ.
Cuối cùng cũng đến được homestay Du Già sau chặng đường dài 90km, bạn anh vẫn bình thản như không. Bạn em thì tí tách như con cá mới bắt lên từ suối. Ăn trưa, nhận phòng, nghỉ ngơi rồi chuẩn bị đi tắm thác.
Chiếc homestay xinh xắn.
Đoạn đường hơn 1km từ homestay đến thác đi xuyên qua bản người Mông, người Tày cứ lổn nhổn đất đá, lên dốc, xuống dốc. Những đứa trẻ lấm lem ngồi nghịch đất cát. Giữa trời nắng như đổ lửa, đường không có 1 bóng cây, 2 bạn bé bắt đầu hết kiên nhẫn, gào thét như vạc. Mình vốn quen với cảnh kêu ca nên phớt lờ. Cuối cùng thì cũng nhìn thấy nước! Cả dòng nước lớn đổ ào ào từ trên cao xuống tạo thành cái bể tự nhiên trong vắt như gương. Nắng! Nóng! Mệt! Và nhảy ào xuống nước lạnh! Sướng muốn chết! Tất cả đều nhảy xuống tắm. Trừ bạn anh!
Đường đi phượt không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Bạn anh không thích chuyến đi này nên điều ước khi thổi nến trong tối sinh nhật ngày đầu tiên là "Được về nhà". Và bạn anh phản đối bằng cách quay lại với tất cả mọi trò vui của thiên hạ. Khi bị bắt xuống bơi bạn anh lội xuống nhúng ướt ngang thân, lấy tay vợt nước lên cho ướt chút đầu, rồi lên ngồi phơi nắng thờ ơ ngắm nhìn vạn vật.
Còn bạn em sẽ bơi, ngụp, lặn, hò hét, nhảy múa, vui chơi... Giữa đám đông ồn ào, bạn em theo Bá Bắc trèo lên mỏm đá cao 4m, rồi nhảy ùm xuống theo dòng thác rơi. Sau 4 lần có "huấn luyện viên" đi kèm thì mình đã "dũng cảm" để cô con gái 7 tuổi tự leo một mình lên vách đá và nhảy xuống.
Sau 4 lần có "huấn luyện viên" đi kèm thì chị Hằng đã "dũng cảm" để cô con gái 7 tuổi tự leo một mình lên vách đá và nhảy xuống.
Vậy là vượt qua ngày đầu tiên mệt nhoài nhưng đầy cảm xúc. Không đứa nào ngủ gật, không đứa nào nhét chân vào nan hoa, không đứa nào nôn trớ...
NGÀY 2: DU GIÀ - MÈO VẠC 90KM
Sáng sớm ở homestay Du Già trong veo. 3 mẹ con cứ thảnh thơi ăn sáng và hít thở, rồi đóng gói đồ đạc tiếp tục lên đường. Vượt qua đoạn dốc, qua 2 cái chuồng lợn và đàn gà líu ríu thì ra đến đường cái lớn. Lại băng băng! Cua trái rồi cua phải, rồi lại cua, cứ như là cua mãi mãi.
Dừng chân nghỉ lại bên vực sâu thứ 2 của Hà Giang - hẻm Nậm Lang - lòng mình như trùng xuống vì thấy mọi thứ sao cứ xa vời vợi. Là cảm giác sờ sợ khi nhìn mãi không thấy đáy; là sự bất lực vì máy ảnh hay điện thoại không bắt hết sự phong liêu; là lòng buồn tênh khi chợt nhớ bọn trẻ rồi sẽ lớn thật nhanh và rời xa vòng tay ba mẹ. Mình dù có thật vội vã đi qua mọi khoảnh khắc cùng chúng thì ký ức cũng sẽ bị phai mờ. Không như núi kia đâu cứ đứng đó mà rảnh rang ngạo nghễ!
Phong cảnh như thơ, như mơ!
Bạn bé bắt đầu ngủ gật trên xe. Gồng lên giữ bạn ấy một lúc thì tay mình bắt đầu tê, lưng bắt đầu mỏi. Toàn bộ cơ thể của bạn ấy mềm oặt như con lươn đổ ập về phía người mẹ. Vậy là tấp vào bên lề đường để cho "kẻ tự phụ" nhất chuyến đi tỉnh táo lại. Vẫn còn kịp nhồi vào não các bạn vì sao núi của Hà Giang trồng nhiều ngô đến vậy.
Homestay Lô Lô dừng để ăn trưa cái gì cũng xinh, trừ cái sân tràn trề nắng. Các bạn con chơi với lũ chó trong lúc chờ cơm trưa. Thứ duy nhất khiến bạn anh cười tươi mấy ngày hôm nay không phải là cảnh đẹp hay đồ ăn ngon, mà là mấy chú chó.
Ăn trưa xong lại di chuyển tiếp 5km về làng Hmong Pả Vi, Mèo Vạc. Căn phòng của 3 mẹ con có view tuyệt đẹp ra ruộng ngô và xa xa là điểm bắt đầu lên dốc của Mã Pì Lèng. "Buổi chiều là khoảng thời gian hiking nhẹ nhàng đi hố sụp Mèo Vạc, rừng trúc Tìa Cố Xi, view ngắm đèo Xín Cái". Trong lịch trình thì Bá Bắc nói vậy nhưng thực tế thì qua đến rừng trúc mình đã chẳng muốn rời chân đi. Nó đẹp đến độ càng cố tả thì càng thấy lóng ngóng. Cả một rừng trúc thẳng tắp chen chân, mỗi khi ánh nắng xuyên qua, mọi thứ cứ nhảy nhót như thể không biết làm gì hơn ngoài lấp lánh. Không gian được mẹ thiên nhiên sắp đặt 1 cách hoàn hảo và đẹp mê mải. Mình thực sự đã chẳng còn muốn nghĩ gì ngoài "an yên" ở chốn này.
Cung đường hết rẽ trái, lại rẽ phải...
Nắng dần tắt! Giờ sẽ đưa nhau lên đỉnh núi cao nhất của xã Lũng Pù để săn đom đóm. Chỉ 2km thôi nhưng đường dốc cao và đá lổn nhổn nên như xa vạn dặm. Nhìn bọn trẻ nỗ lực nhích từng bước chân sau một ngày mệt nhoài đi xa hàng 100km mình thoáng chút ân hận. Thật may có túi bim bim bạn em gọi là "đồ ăn sống sót" nên cứ thấy kẻ nào kêu ca là lại được tống cho 1 gói để "bịt mồm bịt miệng". Giữa đỉnh núi cao, gió ào to và lạnh nên đom đóm không lên. Vậy là mất công chờ đợi gần 2 tiếng nhưng chỉ nhìn thấy vài ba con đom đóm, thêm đường biên giới đã lên đèn giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cơ mà lần đầu tiên các bạn bé nhìn thấy cái mông phát sáng nên thôi, vậy cũng là 1 trải nghiệm. Còn mình thì xin em Bắc cái ảnh chụp những hôm đom đóm phát sáng cả 1 vùng núi rừng để làm bằng chứng. Thực lòng mà nói, bất cứ ai lên Hà Giang cũng hãy nên đi.
Trở về phòng vào lúc 9:00 tối. Cả 3 nhìn nhau như người xa lạ, mệt nhoài chìm vào giấc ngủ mộng mị... Vậy là ổn cho ngày 2, không bạn nào từ mặt mẹ.
NGÀY 3: MÈO VẠC - ĐỒNG VĂN 40KM
Nếu ai đã từng đọc cuốn sách "Tính khí của trẻ" thì sẽ thấm thía "niềm vui" nhà có 1 đứa trẻ TÍNH KHÍ MẠNH. Còn nhà mình được "ưu đãi" NHỮNG 2 ĐỨA. Bạn anh luôn yên lặng ở cực điểm hướng nội và bạn em luôn ồn ào ở cực đại hướng ngoại. Nên mình - bạn mẹ - tự động như sợi chun mà "co giãn 10 chiều", để sống sót qua ngày 3, giữa 2 tính khí, một cách ngoạn mục.
Hẻm vực Tu Sản - nơi 3 mẹ con dong chơi cả ngày - được mệnh danh là "đệ nhất hùng quan" với kiến tạo địa chất độc nhất vô nhị, sâu gần 1.000m, dài 2km. Dòng sông Nho Quế xanh màu ngọc bích vắt qua hẻm "dịu dàng", kiểu như chàng trai trước khi lên đường ra chiến trận thì quàng cái khăn vào cổ cô gái, ánh mắt nhìn cô ấy thật hiền từ. Đấy! Dịu dàng kiểu vậy.
Lối đi từ đường lớn xuống chỗ để xe máy hẹp và dốc đứng. Vẫn bên này là núi cao và bên kia là vực sâu, không có bất cứ cơ hội nào cho bất cứ ai để sửa sai nếu lái xe không vững. Từ điểm đỗ xe, lại đi bộ hàng trăm bậc thang để xuống bến thuyền. Bạn anh bắt đầu gầm gào như thác đổ. Bất cứ thứ gì khiến bạn anh phải nhích não thì đều tuyệt nhưng nếu phải nhích chân thì đều tệ. Câu khẩu hiệu có thể giúp bạn anh vượt qua "bão giông" của những ngày trèo đèo, leo dốc là "Mệt quá! Bao giờ đến?". Bạn anh vừa leo, vừa thở, vừa phàn nàn liên tục không ngừng nghỉ. Bình thường thì mình phớt lờ, nhưng lúc mệt - như lúc này - thì chỉ muốn đóng gói ship bạn anh thật nhanh ngược về Hà Nội.
Cung đường phượt của 3 mẹ con.
Rồi lôi thuyền sup ra bơi, rồi nhảy xuống sông tắm! Nắng nóng! Nước lạnh ngắt! Thật phê! Thật đã! Não mình lập tức quên đi các kiểu tắm xa xỉ mà mình đã từng trải qua nhưng lại nhớ cảm giác mọi tế bào trong cơ thể giật giật khi xông hơi xong thì chạy ra nhảy xuống hồ băng lạnh ngắt ở nước Nga mấy năm về trước. Ngước nhìn hai vách tường khổng lồ với muôn hình vạn trạng của nhũ đá, mình chợt nghĩ con người chúng ta đến bao giờ mới hết tinh tướng, không còn muốn nắm giữ vận mệnh của mẹ thiên nhiên.
Bữa trưa trên mỏm đá có view triệu đô
Bá Bắc cho ăn trưa trên mỏm đá có view triệu đô với dê nướng, gà nướng, dưa chuột và dưa lưới. Cơ mà đoạn này lại thiếu mất bia lạnh nên đã phải gọi shipper thuyền mang qua. Gió mơn man! Không gian tĩnh tại! Và không thực! Nó khiến con người chỉ muốn buông bỏ, tha thứ… Mình "tha thứ" cho mọi cơn điên mà bạn anh đã mang lại trong ngày hôm đó. Còn hai bạn bé thì có vẻ tạm "buông bỏ" mệt nhoài.
Những khoảnh khắc tuyệt đẹp khó quên.
Lúc lên lấy xe để trở về thì bắt đầu có bão. Mây đen ùn ùn kéo đến thật nhanh, những chiếc ghế nhựa bay tứ tung, bụi mù mịt và giờ thì trông cái hẻm trở nên thật hung dữ. Gió to đến mức mình sợ khi lên dốc gió sẽ hất tung cả xe. Nhưng Bắc bảo nếu không đi ngay, lát mưa xuống thì xe không thể lên được. Vậy là liều chạy lên khỏi dốc, an toàn về lại homestay.
Buổi chiều từ Mèo Vạc về lại Đồng Văn chỉ 40km, đi qua cung đường Mã Pì Lèng - "tứ đại đỉnh đèo" hay còn được gọi là "Sống mũi con ngựa". Trời mới mưa xong, không có nắng nên không đẹp lung linh ma mị, nhưng nhiều mây bay cuồn cuộn… Cảm giác như có thể nắm lấy mây, cho vào túi mà mang về Hà Nội. Trời mưa lất phất, nên kế hoạch chụp ảnh tại mỏm đá lưỡi quỷ, qua đường đi bộ vách đá trắng, trải nghiệm đường mạo hiểm Tả Lủng đành phải huỷ bỏ. Ngày 3 kết thúc bằng trải nghiệm massage và tắm lá thuốc.
NGÀY 4: ĐỒNG VĂN - QUẢN BẠ 120KM
"Mẹ Hằng muốn các con sẽ học được gì sau mỗi chuyến đi?". Câu trả lời của mình cho đến hết kiếp làm mẹ của bọn trẻ sẽ vẫn không thay đổi "Không gì cả".
Buổi sáng chỉ lướt qua phố cổ Đồng Văn mà mặt hai đứa đều cáu kỉnh, đối xử với mình như thể mình là mẹ ghẻ. Vậy là vội vàng lên xe đi tiếp. Đầu tiên là leo lên cột cờ Lũng Cú rồi ghé qua thăm quan làng của người Lô Lô với những ngôi nhà trình tường mái ngói âm dương. Tiếp tục chạy xe 1 tiếng thì về đến điểm ăn trưa tại nhà cổ 200 năm của dân tộc Giáy ở Ma Lé. Bạn chủ nhà mặc bộ đồ màu đen, da mặt đen, tóc dài buộc cao - đen, trong nhà từ đồ vật trang trí đến cái xà gồ đều như bám bồ hóng nên đen. Đến con trâu ngoài cái chuồng cách đó 10m cũng đen nốt.
Một chiếc view khiến người ta xao xuyến.
Buổi chiều thăm dinh vua Mèo ở Sà Phìn, ghé qua vườn hoa tam giác mạch còn sót lại, rồi vượt dốc Thẩm Mã rồi về Quản Bạ qua đèo Sủa Cán Tỷ. Bạn em ngủ gật bất chấp nắng mưa và cánh tay mỏi nhừ của mẹ. Từng đoàn xe phượt của các bạn Tây nối đuôi bấm còi chào nhau inh ỏi. Tự lấy làm hãnh diện vì đang cùng hai chiến sỹ nhỏ nhất chuẩn bị cán đích vào ngày mai "trên đường đua".
Đây là những thứ mà hai ''cái giẻ'' đã thấm được trong ngày mệt nhất:
- Là cái cột cờ ở độ cao 1.500m, lá cờ rộng 6m, dài 9m.
- Là người ta dùng 2 cái miếng gỗ để ép đất trình tường. Tường nhà thường dày 40-50cm. Nhà của người Lô Lô lúc nào cũng phải có hình con voi, con cá, và con rồng.
- Hoa tam giác mạch là cái hoa li ti ý, có thể ăn được.
Những kỷ niệm khó quên trong chuyến đi.
- Dinh vua mèo có cái kho chứa vàng và thuốc phiện thật xịn, đánh bom không sập, mà phải đánh bằng rất nhiều bom.
- Cái bạn bán hoa 13 tuổi mà chỉ bé bằng bạn em vì bạn ấy không được ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
- 1 cái túi làm bằng sợi lanh mất rất nhiều công sức nên đắt đỏ. Hai đứa tự bỏ tiền ra mua tặng bà nhưng lòng không vui lắm.
Con người thường sẽ bị thời gian làm cho lãng quên ngày tháng, nhưng sẽ ghi nhớ những khoảnh khắc đẹp trong tim. Bọn trẻ gọi đây là "kỳ nghỉ hè khốc liệt"!
NGÀY 5: QUẢN BẠ - TP HÀ GIANG 55KM
Cả 3 mẹ con đi bộ tham quan bản người Dao - nơi ngôi nhà nào làm bằng đất đỏ cũng đẹp và trông thật giàu có. Ghé qua cầu treo Nặm Đăm, cái cầu treo mảnh mai vắt ngang qua 2 ngọn núi. 55km từ Quản Bạ về lại Hà Giang không còn nhiều thứ đặc biệt để ngóng. Nhưng bữa trưa cuối cùng với măng chua và gỏi cá bỗng thì chẳng thể chê.
Nằm vật trên sàn nhà chờ đến giờ xe chạy, mình chợt nghĩ về ước mơ bỏ phố về quê trồng rau nuôi gà, chiều chiều ngồi uống bia ngắm mặt trời lặn. Nhưng may mà vẫn chưa ''bốc đồng'' đưa hai đứa con đi. Ở homestay vài ngày là lại nhớ Hà Nội, nhớ việc.
Trải nghiệm có 1-0-2 của 3 mẹ con chị Hằng.
Chia sẻ thêm về hành trình đặc biệt này, chị Hằng trải lòng: ''Thực ra bọn trẻ con bị mình kéo đi lê la các nơi từ khi còn bé. Các bạn cũng từng đi xuyên Việt 2 lần nhưng đều bằng ô tô do anh nhà mình tự cầm lái. Lần này mình quyết định cho các con đi bằng xe máy, phần muốn các con được trải nghiệm núi rừng (để biết Việt Nam rất đẹp, sau có đi học thì vẫn quay về Việt Nam), phần sợ đi bằng ô tô thì các con sẽ chỉ ngủ nên không cảm nhận được nhiều, phần cũng muốn thử xem khả năng chịu đựng, thích ứng của các con khi ngồi xe máy mấy ngày như thế nào. Mình không có ý định "dạy dỗ" các con, vì thứ mình muốn chưa chắc đã là thứ các con cảm thấy thú vị, nên cứ mang chúng đi, kiểu như cho va vấp, nếm trải, tự cảm nhận và tự thấm...''.
Phụ nữ Việt Nam