MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhật ký 6 tuần của bác sĩ Mỹ trong cuộc chiến chống chọi với Covid-19: Thế giới giữa đại dịch đã thay đổi chỉ trong vài ngày

20-04-2020 - 09:10 AM | Sống

"Đây là những gì tôi thấy khi đại dịch nhấn chìm các bệnh viện của chúng tôi".

Tuần đầu tiên của tháng 3

Tôi đang ở Karachi, Pakistan vào ngày 2/3 thì đọc được tin thành phố New York có bệnh nhân đầu tiên nhập viện vì Covid-19. Tôi là một bác sĩ phòng cấp cứu của thành phố, và mặc dù đang cách New York 7000 dặm, tôi biết mình sẽ phải đối mặt với điều gì khi trở về với công việc. Ngay cả trong hoàn cảnh tốt nhất thì y bác sĩ vẫn có thể bị quá tải, bệnh nhân tăng dần trong khi không có đủ giường và thiết bị chăm sóc.

Tôi biết tình hình Covid-19 đang rất căng thẳng ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Ý. Bệnh viện của chúng tôi có thể vượt qua nó nhanh chóng hay không? Nó sẽ trông như thế nào? Tôi cần biết những điều gì có thể sẽ đến và những quyết định mà tôi có thể sẽ phải đối mặt.

Thông qua một đồng nghiệp, tôi biết đến Guido Bertolini, một nhà dịch tễ học lâm sàng nghiên cứu về chăm sóc đặc biệt. Khi đang leo dãy núi Alps của Ý, anh nhận được một email. Khi Bertolini mở nó ra, anh nói rằng anh không thể tin vào những con số, anh đã phải tự mình nhìn nhận tình hình.

Là một bác sĩ tại Milan, anh đã lái xe đến thành phố Lodi của Bologna vào ngày hôm sau và kinh hoàng trước những gì anh chứng kiến. Đó là rất nhiều bệnh nhân, ở mọi ngóc ngách bệnh viện. Có rất nhiều bệnh nhân đã phải dùng đến máy thở oxy. Anh nói thêm rằng bệnh viện đã vượt qua khả năng tối đa của mình.

Bertolini cho biết, từ vị trí là người thuộc đơn vị khủng hoảng, anh thấy toàn bộ bức tranh. Đây là một trong những khu vực giàu có nhất của Ý, nơi hầu như không có giới hạn về tài nguyên, tuy nhiên, bác sĩ sẽ sớm phải quyết định xem ai sống và ai không.

Nhật ký 6 tuần của bác sĩ Mỹ trong cuộc chiến chống chọi với Covid-19: Thế giới giữa đại dịch đã thay đổi chỉ trong vài ngày - Ảnh 1.

Đêm hôm đó, anh bắt đầu làm việc với một nhóm các nhà sinh học và bác sĩ ICU (Khoa Hồi sức tích cực). Đầu tiên, anh soạn thảo một tài liệu với các tiêu chí nghiêm ngặt. Nếu bạn trên 80 tuổi hoặc có bệnh nền, bạn có khả năng bị tắc ống thở. Tuy nhiên, nhóm cũng muốn các bác sĩ có sự linh hoạt khi đưa ra quyết định. Về cơ bản, những người có cơ hội sống sót cao nhất là người trẻ và người khỏe mạnh, sẽ được ưu tiên. Các bác sĩ được khuyên không nên phân bố các nguồn tài nguyên quý giá, như máy thở và giường, trên cơ sở truyền thống là người đến trước phục vụ trước, vì như vậy sẽ làm giảm số lượng mạng sống mà bệnh viện có thể cứu.

Tuy nhiên, ngay sau đó họ đã phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt. Theo Bertolini, trừ khi bạn ở trong tình huống này, còn nếu không bạn sẽ không thể hiểu một cách đầy đủ. Mọi người dường như không thể nắm bắt được mọi thứ trong tương lai sẽ diễn ra như thế nào, dù là thành phố kế bên hay bên kia Đại Tây Dương.

Tuần thứ 2 của tháng 3

Chúng tôi bắt đầu tổ chức các cuộc họp tập trung online về Covid-19. Những người tham gia đặt câu hỏi và nêu cách chúng ta nên tự bảo vệ mình, nhưng dường như không ai lo lắng về những gì đang diễn ra ở Ý.

Bergamo là một thành phố có hơn 120.000 dân, nằm cách chân núi Alps 25 dặm về phía đông bắc Milan. Đây là một thành phố nằm trên cao, được bao quanh bởi các ngọn đồi. Thành phố được biết đến với những kiến trúc thời trung cổ tuyệt đẹp. Đây cũng là nơi đông đúc khi sân bay thường phục vụ hơn 12 triệu hành khách mỗi năm. Bergamo đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch này.

Bệnh viện Papa Giovanni XXIII là nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế tiên tiến nhất, và là một trong những bệnh viện lớn nhất khu vực với hơn 900 giường. Andrea Duca là một bác sĩ tại bệnh viện này đã điều trị cho nhiều bệnh nhân trong vài tuần nay, kể từ khi trường hợp đầu tiên được phát hiện. Anh nói, ban đầu, họ chỉ đau họng và ho nhẹ, nhưng sau vài ngày bệnh nhân xuất hiện thêm những triệu chứng nghiêm trọng.

Các bệnh nhân tiếp tục được chuyển đến. Các giường bệnh dần dần được lấp đầy. Máy thở cũng đã được đem ra sử dụng. Và trong một khoảng thời gian ngắn, bệnh nhân đã nhiều hơn cả thiết bị và không gian.

Duca nhớ lại bệnh nhân đầu tiên mà anh phải quyết định có nên cho dùng máy thở hay không. Đó là người đàn ông 68 tuổi, đã được ghép phổi. Nồng độ oxy của ông đang giảm xuống, nhịp thở tăng dần lên. Duca phải đưa ra quyết định khó khăn là không cho bệnh nhân dùng ống thở để cứu những người có khả năng sống cao hơn.

Các thành viên trong gia đình không được phép vào bệnh viện vì họ cũng có thể bị nhiễm hoặc truyền virus cho người khác nếu chính họ bị bệnh. Nhưng Duca đã xin phép người giám sát để cho vợ và con gái của người đàn ông này vào trong vài phút. Duca nhớ lại: "Tôi nhìn thấy khuôn mặt ông ấy khi ông ấy nhìn vợ mình bước vào. Ông cười với bà ấy. Ông có một nụ cười tuyệt vời. Sau đó ông ấy nhìn tôi. Có vẻ như ông ấy nhận ra có điều gì đó không ổn. Người đàn ông ngay lập tức biết rằng mình sẽ chết. Và sau đó, hơi thở của ông trở nên tồi tệ hơn, ông qua đời 12 giờ sau khi gặp gia đình.

Brambillasca, một y tá chăm sóc những đứa trẻ cấy ghép nội tạng, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, anh đã phải đến bệnh viện phục vụ những người nhiễm Covid-19. Vợ anh, một bác sĩ tai mũi họng, cũng được tuyển dụng cho một đơn vị chống Covid-19 tại bệnh viện lân cận. Brambillasca kể rằng, anh chăm sóc cho hai bệnh nhân nằm cạnh nhau. Đó là một người đàn ông 65 tuổi có vấn đề về tim và được thở máy trong 10 ngày nhưng tình hình không cải thiện. Bên trái ông là một người đàn ông khác, bằng tuổi nhưng khỏe mạnh hơn. Bramnillasca đã phải quyết định lấy máy thở của người đàn ông thứ nhất và đưa nó cho người đàn ông thứ hai khi hơi thở của người này trở nên nhanh và gấp hơn. Anh nói: "Nếu bạn nghĩ rằng cần phải cứu được nhiều người nhất, thì bạn phải làm điều đó. Nhưng tôi thà trở thành một người làm kem còn hơn làm bác sĩ nếu tôi phải đi trên con đường này."

Có lẽ tôi cũng sẽ cảm thấy như vậy sớm thôi. Chúng tôi đang bắt đầu thấy Covid-19 có mặt trong bệnh viện của chúng tôi, nhưng nó không kinh khủng giống như những bác sĩ ở Ý mô tả. Tuy vậy, những bác sĩ ở Ý cũng cảnh báo rằng chúng tôi muộn hơn họ 2 tuần.

Tuần thứ tư của tháng 3, 22/3

Chỉ mới một tuần thôi mà tôi đã cảm thấy như thế giới đã thay đổi. Ba bệnh viện ở thành phố New York bị đồn là đã hết máy thở. 13 bệnh nhân Covid-19 đã chết trong một bệnh viện sau 24 giờ. Một chiếc xe tải đông lạnh đang chở xác chết vì nhà xác đã đầy.

Chúng tôi đang bắt đầu chạy thử nghiệm đưa hai bệnh nhân vào một máy thở tại bệnh viện của tôi. Tôi không thể tin rằng chúng tôi đang đi đến thời điểm này. Bệnh nhân đã phải tràn ra hành lang trong khi không có đủ nguồn nhân lực phục vụ.

Nhật ký 6 tuần của bác sĩ Mỹ trong cuộc chiến chống chọi với Covid-19: Thế giới giữa đại dịch đã thay đổi chỉ trong vài ngày - Ảnh 2.

Trong ca làm việc 12 giờ của tôi, tôi chỉ được cởi bỏ khẩu trang và các thiết bị bảo vệ hai lần để ăn hoặc uống. Hai đồng nghiệp người Ý đã cảnh báo tôi về việc những thiết bị này khiến khuôn mặt của họ bị đau nhức, mũi bị cọ xát và những dấu hằn do khẩu trang trên khuôn mặt.

Dường như rất là khó để tránh lây nhiễm trong trường hợp này. Và tình trạng thiếu thiết bị đã khiến chúng tôi phải tìm cách khác. Một trợ lý bác sĩ đã phải nướng khẩu trang của mình trong lò vi sóng để khử trùng. Những người khác xịt thuốc khử trùng vào các thiết bị sau mỗi ca làm việc. Tôi đã bị sốc khi được yêu cầu sử dụng những chiếc khẩu trang y tế này cả ngày, và sau đó là nhiều ca làm việc sau đó. Chúng tôi chỉ được cởi bỏ khi chúng quá bẩn.

Các bệnh viện hiện đang ở mức quá tải. Vì thế, một khuyến nghị đã được đưa ra. Nếu nồng độ oxy của bệnh nhân thấp hơn một chút so với bình thường, hãy gửi họ về nhà. Tuy nhiên, Brambillasca, bác sĩ gây mê người Ý nói với tôi rằng bệnh nhân của anh lúc đầu thường trông rất ổn, nhưng nếu chỉ số oxy của họ hơi thấp, họ có thể sẽ "vỡ vụn" rất nhanh.

Tôi nghĩ rằng những người trông khỏe mạnh, hoặc còn trẻ, hoặc không có vấn đề gì về y tế được gửi về nhà đều sẽ quay trở lại phòng cấp cứu và cần một ống thở. Tôi chắc rằng những bệnh nhân này đều trông rất ổn vào vài ngày trước.

Giờ đây, chúng tôi không chỉ phải suy nghĩ về việc bệnh nhân có được dùng máy thở hay không, mà còn phải lo lắng về việc đưa họ về nhà, nơi bệnh tình của họ họ có thể sẽ xấu đi và trở nặng hơn khiến họ không thể quay lại bệnh viện kịp thời.

Tôi cũng phát hiện ra rằng, nhiều bác sĩ đã phải nhập viện vì Covid-19. Một đồng nghiệp của tôi đã phải đặt nội khí quản. Tôi nhìn vào chiếc khẩu trang tái sử dụng của mình, nó dường như không bị bẩn. Tôi đeo nó lại, và tự nhủ rằng mình vẫn còn may mắn.

Tuần thứ tư của tháng 3, 24/3

Mới chỉ hai tuần trôi qua, chúng tôi vẫn ở chế độ tập trung vào chăm sóc bệnh nhân. Còn các bác sĩ Ý đã tập trung vào chăm sóc cộng đồng.

Mirco Nacoti, một bác sĩ ICU nói với tôi rằng: "Nếu bạn tập trung nhiều cho bệnh nhân đầu tiên, bạn sẽ không có cách điều trị cho bệnh nhân tiếp theo. Bạn phải sắp xếp lại mọi thứ. Bạn phải sắp xếp lại tâm trí của mình, công việc của mình."

Tại thành phố New York, cuộc họp đã thay đổi. Câu hỏi về việc ai sẽ là người nhận được máy thở và ai không được đặt ra. Không ai muốn thiệt thòi với những người đến trước. Nhưng tôi tin rằng khi nguồn lực khan hiếm, các bác sĩ có thể và nên đưa ra quyết định về việc ai sẽ được ưu tiên hơn. Một đồng nghiệp của tôi đã phát biểu: "Chẳng mấy chốc, tôi sẽ không đặt máy thở cho bệnh nhân 80 tuổi không thể nói chuyện hay đi lại và nhường nó cho người 30 tuổi đến sau." Nghe có vẻ vô tâm, nhưng chúng tôi đều đồng ý với cô ấy.

Tuần thứ tư của tháng 3, ngày 26/3

Tôi đã nghỉ làm trong vài ngày. Buổi tối trước khi tôi trở lại bệnh viện, một đồng nghiệp đã nhắn tin cho nhóm chúng tôi và nói rằng một bệnh nhân nhiễm Covid-19 của cô ấy được tìm thấy đã chết trên một cái ghế trong khi đang chờ được đưa vào phòng cấp cứu. Thậm chí không ai biết nếu ông ấy không thở hổn hển trước khi chết.

Trên đường đi làm, tôi nghe thấy trên đài phát thanh rằng một y tá 48 tuổi ở một bệnh viện New York đã chết vì Covid-19. Một bác sĩ gây mê tại bệnh viện chúng tôi đang phải thở máy. Một bác sĩ phẫu thuật ở bệnh viện khác cũng đang trong tình trạng tương tự.

Khi tôi đi vào bệnh viện, phòng cấp cứu là nơi tôi không còn nhận ra. Bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, đang thở máy ở khắp mọi nơi. Căn phòng cũng trở nên yên tĩnh đến lạ thường. Thành viên gia đình và bạn bè không được phép vào thăm, hầu hết các bệnh nhân đều quá yếu để nói chuyện.

Vài ngày trước, chỉ có một vài người mắc Covid-19, nhưng đột nhiên, bệnh viện của chúng tôi trở thành bệnh viện Covid-19.

Nhật ký 6 tuần của bác sĩ Mỹ trong cuộc chiến chống chọi với Covid-19: Thế giới giữa đại dịch đã thay đổi chỉ trong vài ngày - Ảnh 3.

Tôi nhìn vào gương khi trở về nhà. Mắt tôi đỏ ngầu. Những nếp nhăn sâu ngang chạy dọc má tôi. Một vết trầy xước mờ nhạt trên sống mũi. Tôi chỉ muốn nằm xuống giường ngay lập tức. Một đồng nghiệp ở Bergamo, Stefania Cornelli, nhắn tin cho tôi và nói rằng cô vừa bị tai nạn. Chiếc xe đã hỏng nhưng may mắn là cô không bị thương nặng. Cô nói, đây là một tháng khủng hoảng với cô, cô mệt mỏi đến nỗi không thể ngủ được.

Còn tôi, tôi nghĩ rằng tôi thực sự phải nhờ đến sự giúp đỡ của một nhà tâm lý học.

Tuần thứ tư của tháng 3, 28/3

Khi tôi đi làm vào ngày hôm sau, một bệnh nhân đã bị mê sảng, thiếu oxy. Tôi định chạy vào để giúp đỡ, nhưng tôi buộc mình phải dừng lại để đeo tất cả các thiết bị bảo vệ. Tôi đeo khẩu trang N95 lên mặt, mặc áo choàng, đeo kính bảo hộ, găng tay, tấm che mặt. Ngay sau khi mặc xong tất cả, tôi bắt đầu đổ mồ hôi.

Sau khi xử lý xong cho bệnh nhân, tôi bắt đầu cảm thấy một cơn ớn lạnh. Tôi thoáng tự hỏi không biết mình có nhiễm bệnh hay không. Tôi đứng trong phòng tắm không có người trong một phút và kéo khẩu trang ra khỏi mặt. Không khí ngột ngạt, nhưng dòng oxy chảy vào phổi khiến tôi cảm thấy dễ chịu hơn một chút. Chiếc khẩu trang đã ám ảnh tôi ngay cả khi tôi không ở trong bệnh viện. Thỉnh thoảng, tôi thức dậy giữa đêm và cố gắng điều chỉnh khẩu trang vì nghĩ rằng nó vẫn còn trên mặt.

Tôi cố gắng bảo quản những thiết bị mà tôi có, nhưng các bước có vẻ như vô ích. Trong phòng cấp cứu, tôi khử trùng các thiết bị, đeo găng tay, tháo găng tay và vệ sinh lại. Tôi phải chạm vào tay nắm cửa để vào phòng làm việc. Tôi không thể vệ sinh lại vì không còn chất khử trùng nữa. Tôi bối rối khi vô tình chạm vào mặt và đôi khi tôi không thể nhớ găng tay đang đeo sạch hay bẩn.

Tôi có cảm giác như virus có mặt khắp mọi nơi, ở cả trên các bề mặt. Đôi khi tôi thấy virus trên giường, màn hình điện thoại và máy tính. Tôi rùng mình, buộc phải xóa hình ảnh đó khỏi tâm trí.

Tôi đã tham gia các nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo ở hơn 20 quốc gia, trong bối cảnh nghèo tài nguyên như các phòng khám di động ở Nam Sudan, các trại tị nạn ở Kenya, một bệnh viện chiến tranh bị bỏ hoang ở Liberia, các cơ sở y tế ở Somalia. Chưa bao giờ cá nhân tôi cảm thấy không an toàn, như thể tôi không còn đủ sức bảo vệ chính mình như vậy.

Tôi thường nhớ bệnh nhân bằng khuôn mặt, nhưng giờ đây họ đều đeo khẩu trang, vì vậy tất cả những gì tôi thấy là đôi mắt của họ.

Những gì không thể tưởng tượng được vào một tuần trước dường như đã xảy ra. Một đồng nghiệp nói rằng cô ấy phải để xác chết sang một bên và cắm máy thở cho một bệnh nhân mới.

Những gì mà tôi nghĩ sẽ thực sự gây ra tổn thương đạo đức là nhìn mọi người chết sau khi nhận được sự chăm sóc tốt nhất. Chúng tôi dồn hết tâm trí và toàn bộ trái tim của mình vào việc cố gắng cứu sống họ. Sau đó, các cơ quan trong người họ ngừng hoạt động. Họ cô đơn. Tôi sẽ thấy điều đó lặp đi lặp lại và nó sẽ đạt đến điểm khiến tôi bị tê liệt.

Điều khiến tôi bận lòng nhất là tôi không nhớ họ là ai, không có chi tiết cụ thể nào tách biệt người trước với người sau, bởi vì tất cả họ đều mắc một căn bệnh với cùng các triệu chứng. Và rằng tôi là người cuối cùng họ nhìn thấy trước khi họ qua đời, không phải là gia đình họ, và tôi sẽ không nhớ họ chút nào vì sẽ có hàng trăm người giống như vậy. Và rồi nó sẽ trở thành thói quen.

Những ngày cuối tháng 3, 30/3

Bệnh nhân đầu tiên nhập viện vì Covid-19 ở New York đã xuất viện, sau gần một tháng bị chẩn đoán dương tính. Nhiều người đã chết trong giai đoạn này, và nhiều người khác không được kể đến vì họ đã chết ở nhà hoặc không được xét nghiệm. Một số người khác chờ đợi mòn mỏi ở hành lang phòng cấp cứu, số phận của họ vẫn là ẩn số.

Một ngày nọ, tôi chăm sóc cho một người đàn ông to lớn nhưng nói chuyện nhẹ nhàng và mỉm cười ngọt ngào. Anh cảm thấy khá tốt, chỉ có một chút mệt mỏi. Nhưng đến ngày hôm sau, tình trạng của anh trở nặng hơn. Trước đó anh đã quyết định rằng anh không muốn các biện pháp xâm lấn, anh cũng không muốn dùng máy thở, vì thế, chúng tôi đành phải làm anh giảm đau đớn bằng morphine.

Tôi muốn dành thời gian cho anh, nhưng có quá nhiều bệnh nhân khác đang chờ tôi. Quá mệt mỏi khi kết thúc ca làm việc của mình, tôi không kịp nói lời chia tay với anh. Anh ấy đã chết sau đêm đó.

Nhật ký 6 tuần của bác sĩ Mỹ trong cuộc chiến chống chọi với Covid-19: Thế giới giữa đại dịch đã thay đổi chỉ trong vài ngày - Ảnh 4.

Vào một ngày cuối tháng 3, tôi nhận được một vài tin nhắn từ Duca. Lần đầu tiên, họ thấy có một chút ánh sáng, số lượng bệnh nhân mới dường như đã giảm. Trong tất cả những tin nhắn tôi nhận được từ bạn bè và những người xa lạ trên khắp thế giới, đây là tin nhắn tôi tiếp tục chiến đấu, để biết rằng mọi chuyện có thể đang tồi tệ, nhưng nó sẽ kết thúc vào một ngày nào đó.

Những ngày đầu tiên của tháng 4, 1.4

Trước khi kết thúc ca làm việc, một người phụ nữ với mái tóc vàng hoe ở độ tuổi 50 đã được đưa vào phòng cấp cứu. Cô bị sốt, ho, nhịp tim bất thường và phải trợ thở bằng máy.

Sáng hôm sau, khi tôi chuẩn bị đi làm, tôi trở nên hoảng loạn. Có thể tôi đã không tắm vào đêm qua khi tôi từ bệnh viện về nhà. Tôi cố gắng nhớ lại nhưng thất bại. Liệu tôi có bị nhiễm bệnh không, tôi có nên khử trùng căn hộ của tôi? Nhưng bây giờ tôi phải đến bệnh viện để thay ca.

Khi tôi đến phòng cấp cứu, tôi tra cứu hồ sơ y tế điện tử của người phụ nữ đêm hôm trước. Một hồ sơ hiện ra và thông báo: "Bạn đang truy cập vào bệnh án của bệnh nhân đã qua đời. Bạn có chắc chắn muốn tiếp tục?". Vậy là cô ấy không thể chờ đến bình minh.

Vài ngày trước, các bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ bắt đầu giúp chúng tôi thực hiện các cuộc trò chuyện với gia đình bệnh nhân. Họ gọi điện và nói về các thủ tục mà bệnh nhân cần phải trải qua. Nhưng các bác sĩ đã sớm bị quá tải.

Một bệnh nhân 89 tuổi được xe cứu thương đưa vào khi đang đeo mặt nạ dưỡng khí. Tôi không nghĩ bà ấy có thể nói chuyện, nhưng bà đã cố gắng nói rằng mình không muốn dùng máy thở. Bà nói: "Tôi đã gần 90 tuổi. Tôi đã sống."

Nhật ký 6 tuần của bác sĩ Mỹ trong cuộc chiến chống chọi với Covid-19: Thế giới giữa đại dịch đã thay đổi chỉ trong vài ngày - Ảnh 5.

Tôi gọi cho cháu gái của bà, người được ủy quyền chăm sóc bà. Cô ấy hỏi các thành viên khác trong gia đình và hỏi ý kiến của tôi. Tôi nói với họ rằng bà ấy đã bày tỏ rõ ràng những gì mình muốn và tôi hứa sẽ làm cho bà ấy ra đi thoải mái nhất. Cuối cùng, họ đồng ý rằng một cái chết nhẹ nhàng là điều bà ấy muốn.

Bệnh nhân vẫn tỉnh táo sau đó. Tôi đã dùng điện thoại và gọi video cho gia đình bà. Ba giờ sau, tôi lại rút điện thoại ra và gọi cho cháu gái của bệnh nhân. Cô cháu gái nói rằng: "Cháu yêu dì". Bệnh nhân của tôi chậm rãi trả lời, "Dì cũng yêu cháu", giọng nói yếu đi rõ rệt.

Tôi đặt tay lên tay bà ấy, bà ấy nắm lấy ngón tay tôi và nói rằng bà cảm thấy được chăm sóc. Tôi nhìn xuống bàn tay đeo găng màu tím đang nắm lấy đôi tay xương xẩu, tôi ghét việc bà ấy phải nắm lấy cao su tổng hợp, và ghét việc bà ấy không có được một cái nắm tay thực sự trước khi rời khỏi thế giới này.

Tuần thứ hai của tháng 4, 5/4

Trong phòng cấp cứu, tôi gặp lại hai đồng nghiệp đã khỏi Covid-19 và đang làm việc trở lại. Tôi cũng thấy James Pruden, một bác sĩ 70 tuổi ở New Jersey, đã xuất viện sau gần một tháng nhiễm Covid-19. Ông là một trong những bác sĩ đầu tiên nhập viện vì nhiễm virus ở Hoa Kỳ, Tôi không nghĩ ông có thể làm được, vì tuổi tác và bề ngoài khá ốm yếu của ông.

Cùng ngày, tôi nhận được một tin nhắn rằng một vài nhân viên phòng cấp cứu của chúng tôi phải nhập viện và cần thở oxy. Tôi cũng biết rằng một người khác đã chết vài ngày trước đó. Nhiều đồng nghiệp của tôi phải ở nhà vì các triệu chứng.

Trong vài ngày tiếp theo, chủ đề duy nhất tôi nghe thấy là về cái chết. Chúng tôi dành nhiều ngày để nói chuyện với bệnh nhân và gia đình về giới hạn của thuốc và những gì bác sĩ có thể làm; chúng tôi gọi cho gia đình bệnh nhân và nói rằng những người thân yêu của họ đã qua đời. Sau đó, chúng tôi thực hiện một cuộc gọi khác. Và một cuộc gọi khác nữa.

(Theo Helen Ouyang đăng tải trên NYTimes)

Theo NEGONI,

ICT Việt Nam

Trở lên trên