Nhặt măng cụt thuê ở 'thủ phủ' Bình Dương, cứu cánh tạm thời cho công nhân thất nghiệp
Anh Nguyễn Quang Trợ (chủ vườn măng cụt Năm Trợ, Bình Dương) cho biết, vườn măng của anh năm nay nhận nhiều công nhân đang mất việc vào nhặt măng cụt để kiếm thêm thu nhập.
- 22-05-2023Tiệm gỏi gà măng cụt đắt khách nhất nhì tại TP.HCM: Luôn có shipper chờ lấy hàng, khách đi gần cả tiếng tìm mua
- 20-05-2023Thì ra đây là quê hương của món gỏi gà măng cụt đang “gây bão”: Ngay gần TP.HCM nhưng không phải ai cũng biết
- 18-05-2023Việc nhẹ lương cao ở Việt Nam: Gọt măng cụt kiếm nửa triệu đồng mỗi ngày
Trào lưu làm gỏi măng cụt xanh vào mùa hè năm nay đã khiến các vựa măng bận rộn, rôm rả ngay từ đầu mùa.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Quang Trợ (An Sơn, Thuận An, Bình Dương) cho biết, dự kiến năm nay sản lượng măng vườn nhà anh thu được khoảng 8 - 9 tấn, thời gian thu hoạch kéo dài trong suốt 2 tháng. Để đảm bảo năng suất thu hoạch, anh Trợ phải thuê thêm nhân công bên ngoài, đặc biệt trong số này có nhiều công nhân đang thất nghiệp.
Anh Nguyễn Quang Trợ đứng trong vườn măng Năm Trợ của mình tại An Sơn, Thuận An, Bình Dương.
500 nghìn đồng/ngày công hái măng cụt
Công nhân nhặt măng cụt thuê kiếm tiền
Theo anh Trợ chủ vườn, các vườn măng xung quanh khu vực An Sơn, Thuận An, Bình Dương, đều đang vào đầu mùa thu hoạch. Thời điểm này, nhiều công nhân thất nghiệp cũng bắt đầu xin vào các vườn măng để nhặt hoặc hái măng cụt kiếm thu nhập.
"Có những người thất nghiệp tìm tới vườn hỏi xin việc làm. Nếu họ biết hái, mình sẽ phân công cho họ hái luôn, còn những người chưa biết gì về măng cụt mình để họ nhặt.
Một số người đang trong giai đoạn tìm việc, xin đến đây làm tạm 2 - 3 ngày, đến khi họ tìm được công việc tốt hơn thì họ đi. Mình ở vườn đủ người hái cũng được, dư người hái cũng không sao, hôm nay hái không kịp thì mình để mai. Ai mà muốn làm thì mình sẽ cho làm", anh Trợ chia sẻ.
Một số công nhân thất nghiệp được anh Trợ nhận vào làm tại vườn măng cụt.
Cũng theo anh Trợ, công việc tại vườn măng của anh khá đơn giản, chia làm 2 việc chính là hái và nhặt măng cụt. Riêng việc hái, cần phải chọn người có tay nghề, có sức khoẻ, biết leo trèo và đặc biệt là "biết nhìn" măng cụt. Mỗi ngày, vườn măng cụt của anh Trợ có từ 10 đến 12 người làm công. Bản thân anh Trợ cho biết rất vui khi tạo được công ăn việc làm cho bà con.
"Công việc ở vườn một ngày làm 8 tiếng, sáng từ 7h30, làm đến 9h nghỉ ăn nửa buổi một xíu; xong mình sẽ cho làm tiếp đến 11h30 ăn cơm trưa, nghỉ ngơi trưa. Sau đó thì từ 12h làm đến 15h30 - 16h. Tiền công 300.000 đồng, có khi lên tới 500.000/ngày, tuỳ năng lực hái. Nói chung mình tạo được công ăn việc làm cho bà con mình thấy vui rồi", anh Trợ nói.
Cứu cánh tạm thời cho công nhân thất nghiệp
Trong số những người làm công tại vườn măng cụt Năm Trợ, có không ít công nhân. Với những lý do khác nhau, họ hoặc bị cắt giảm giờ làm gây ảnh hưởng thu nhập, hoặc đã mất việc trong "làn sóng sa thải" đang diễn ra. Và chuyện tìm việc làm mới cũng không hề đơn giản. Như trường hợp của anh Ngô Quốc Sài (Bạc Liêu) - người đã chạy đôn chạy đáo hơn nửa tháng nay để tìm việc làm nhưng chưa có kết quả, rồi anh vào vườn măng cụt Năm Trợ.
"Đi tìm đủ hết, đi vòng vòng hết nhưng họ đều đủ công nhân, không tuyển nữa", anh Sài nói. Công việc ở đây chẳng khác nào chiếc "phao cứu sinh" với anh Sài.
Nhân công làm việc tại vườn măng cụt Năm Trợ (An Sơn, Bình Dương).
Cùng cảnh, ông Ngô Hoàng Sơn (ở Bình Dương) thậm chí đã mất việc 2 lần trong một thời gian ngắn. Cả 2 công ty ông từng làm qua đều đã giải thể. Hiện ông tìm được một công việc trong xưởng gỗ và nhận hái măng cụt thuê kiếm thêm thu nhập.
"Làm công nhân thì tránh được nắng mưa, khỏi leo trèo nguy hiểm. Làm lắp ráp như tôi cũng dễ dàng hơn. Công ty người ta lớn mà không có đơn hàng nên họ giải thể từ từ", ông Sơn nói.
Tuy vất vả hơn công nhân, lại chỉ là việc mùa vụ nhưng thu nhập ở đây khá ổn, đủ để những người như ông Sơn, anh Sài trang trải cuộc sống trong lúc tìm kiếm một công việc mới.
Phụ nữ Việt Nam