MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nhất quan hệ, nhì tiền tệ”: Làm thế nào để mở rộng các mối quan hệ mà không tốn công sức?

08-05-2020 - 12:03 PM | Sống

Networking - tạo dựng các mối quan hệ - đang trở thành một kỹ năng vừa cần thiết lại vừa đáng sợ với con người trong thời đại mới. Tuy nhiên, bạn có thể tạo ra mạng lưới xã giao của mình bằng những cách rất đơn giản, theo giáo sư Kinh tế Tanya Menon.

Loài người có xu hướng tụ tập gần những người có nhiều điểm chung với mình, như giới tính, sắc tộc, quan điểm hay sở thích. Mặc dù những mối quan hệ bền chặt này khiến chúng ta hạnh phúc trong cuộc sống, chúng lại không thể đáp ứng được cơ hội nghề nghiệp của chúng ta. Trong một nghiên cứu của mình, Menon thống kê rằng phần lớn các công việc, cơ hội làm ăn, thăng tiến, phát triển sự nghiệp mà chúng ta tìm được đều thông qua các mối quan hệ yếu hơn với những người ta không thân cận, thay vì từ những người mà chúng ta dành rất nhiều thời gian bên cạnh.

Giải thích cho hiện tượng này, Menon và các cộng sư cho rằng: các mối quan hệ gần gũi với bạn cũng có phạm vi xã giao trùng với bạn - những người mà bạn biết thì bạn của bạn cũng biết. Vì vậy, họ ít có khả năng cung cấp cho bạn thêm các thông tin mới. Trong khi đó, những người bạn ít giao thiệp cùng lại có những mạng lưới quan hệ rất khác so với bạn. Do đó, tiếp xúc với họ đem đến cho bạn nhiều cơ hội đổi mới hơn. Đây cũng là lý do tại sao bạn cần luôn luôn mở rộng các mối quan hệ của mình thay vì quanh quẩn trong vòng bạn bè thân thiết.

Tuy vậy, kể cả những người hướng ngoại nhất cũng cảm thấy bối rối trong việc mở rộng phạm vi xã giao, bởi đi ngược lại bản năng của mình là một điều không dễ dàng. Do đó, Menon gợi ý 3 chiến lược đơn giản giúp mỗi người có thể tăng khả năng ngoại giao của mình và học cách kết nối với những người có ít điểm chung với mình.

“Nhất quan hệ, nhì tiền tệ”: Làm thế nào để mở rộng các mối quan hệ mà không tốn công sức? - Ảnh 1.

Chiến lược #1: Hãy thay đổi “bộ lọc” khi kết bạn

Con người thường hành động theo thói quen: các sinh viên của Menon thường ngồi cùng một chỗ trong lớp, chơi với một nhóm bạn thân, và làm bài tập cùng với một nhóm họ biết trong suốt học kì. Do đó, trong một cuộc sống với chu trình lặp lại như vậy, chúng ta sẽ chỉ có cơ hội gặp cùng một nhóm người. Muốn gia tăng cơ hội tiếp xúc với nhiều người, bạn không nhất thiết phải đến những sự kiện xã giao.

Việc thay đổi đa dạng chu trình sống hàng ngày cũng giúp bạn tiếp xúc được với nhiều người khác nhau. Ví dụ, Menon yêu cầu các sinh viên của mình phải thay đổi nhóm và làm việc cùng những người họ không quen biết trước. Mặc dù điều này khiến họ gặp chút khó khăn ban đầu để làm quen, nhiều sinh viên phát triển được những mối quan hệ mới và học được nhiều mới từ những mối quan hệ này.

Một cách khác để mở rộng mối quan hệ là thử mở rộng yêu cầu kết nối của mình. Nhiều người quyết định có kết nối với những người khác hay không bằng cách lọc ra những người mà họ cảm giác là “không thú vị” hoặc “không cùng quan điểm”. Tuy nhiên, những người bị lọc ra này lại có thể đem đến cho bạn những góc nhìn khác và dạy cho bạn những tư duy mới. Cho bản thân cơ hội được tiếp xúc với những người mà bạn từng không thích nhiều hơn. Biết đâu sau đó bạn sẽ khám phá được những điểm chung giữa bạn và những người đó?

“Nhất quan hệ, nhì tiền tệ”: Làm thế nào để mở rộng các mối quan hệ mà không tốn công sức? - Ảnh 2.

Chiến lược #2: Hãy dũng cảm khi vươn ra ngoài vòng xã giao của mình

Theo Menon, những người có xu hướng thu hẹp vòng xã giao của mình thường dễ bị tổn thương. Họ lo ngại các giá trị cá nhân của mình sẽ bị tổn hại trong những mối quan hệ mới với những người xa lạ, nên họ thu mình vào vòng xã giao chật hẹp với những người thân thiết nhất. Do đó, cách để vượt qua chướng ngại tâm lý này là bạn cần tự nhắc nhở bản thân về những giá trị của mình, những điều khiến bạn tự hào và cảm thấy mình có ích.

Trên thực tế, chính những người xa lạ ngoài vòng kết nối thông thường của bạn mới là những người có khả năng cho bạn những lời khuyên xác đáng, khách quan nhất để phát triển bản thân. Do đó, bạn không nên e dè khi tìm kiếm sự giúp đỡ hay tư vấn từ họ.

Chiến lược #3: Hãy để ngỏ cơ hội hợp tác tương lai

Sau khi bạn vừa giúp đỡ một ai đó và được họ cảm ơn, chúng ta thường chỉ đáp lại đơn giản như “Không có gì”. Ngược lại, khi bạn được ai đó giúp đỡ, bạn cũng sẽ chỉ đáp lại với lời cảm ơn. Tuy vậy, theo Menon, bạn đang lãng phí một cơ hội tốt để có thể làm bền chặt hơn các mối quan hệ. Thay vào đó, hãy mở ra những cơ hội để gắn kết hơn trong tương lai.

Bạn có thể đề nghị họ liên lạc với bạn trong tương lai nếu cần giúp đỡ, bày tỏ mong muốn được làm việc với họ lần sau, hoặc bỏ ngỏ rằng bạn hi vọng họ sẽ giúp bạn nếu có lần tới. Đây là những cách giúp củng cố mối quan hệ và ngầm ý bày tỏ rằng bạn muốn duy trì mối quan hệ với họ trong tương lai thay vì chìm vào quên lãng. Cách bỏ ngỏ như thế này cũng giúp bạn đỡ ngại ngùng hơn khi đôi bên tái hợp tác trong tương lai.

“Nhất quan hệ, nhì tiền tệ”: Làm thế nào để mở rộng các mối quan hệ mà không tốn công sức? - Ảnh 3.

Xây dựng một mạng lưới giao thiệp rộng là bước đầu đưa bạn đến các cơ hội mới; biết khai thác mạng lưới của mình là cách giúp bạn nắm lấy những cơ hội này.

Theo Minh Hiền

Báo Dân sinh

Trở lên trên