Nhảy vào cạnh tranh bán cơm máy bay với Nội Bài Cartering, VINACS lỗ lớn sau 1,5 năm hoạt động
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2018, VINACS báo lỗ 39 tỷ đồng, phần lớn đến từ chi nhánh Nội Bài khi hiện Vietnam Airlines vẫn sử dụng dịch vụ từ công ty thành viên là NCS.
Sự tăng trưởng đáng kể của thị trường hàng không Việt Nam trong các năm qua đã tạo nên động lực tăng trưởng cho nhiều ngành dịch vụ liên quan, trong đó có dịch vụ cung ứng suất ăn hàng không.
Giai đoạn 2018-2022, hoạt động suất ăn hàng không dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ vào: Sự tăng trưởng số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tầng lớp trung lưu với nhu cầu về công tác, du lịch gia tăng, kế hoạch mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài – cửa ngõ quan trọng kết nối Việt Nam và thế giới, và kế hoạch tăng trưởng đội bay của các hãng hàng không Việt Nam, đặc biệt là Vietnam Airlines.
Theo ghi nhận của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường hàng không đang có nhu cầu được cung cấp 120.000 suất ăn/ngày. Trong khi đó, tổng nguồn cung của các doanh nghiệp cung cấp suất ăn hàng không chỉ mới đạt khoảng 62.000 suất/ngày, tương ứng khoảng gần 52% nhu cầu thị trường.
Hiện tại, có 4 doanh nghiệp tham gia vào ngành cung ứng suất ăn bao gồm Suất ăn Hàng không Nội Bài - Nội Bài Catering Services (NCS), Dịch vụ Suất ăn Hàng không (VINACS), Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MAS) và Công ty TNHH MTV Suất ăn hàng không Việt Nam (VACS).
Nguồn: CAA, VDSC.
Cạnh tranh gay gắt
Mặc dù như đề cập dư địa phát triển còn vô cùng lớn, song muốn chen chân vào thị trường này là một điều không hề dễ dàng. Trong số 4 doanh nghiệp hoạt động kể tên có 3 doanh nghiệp chịu sự chi phối của Nhà nước là NCS, MAS và VACS với chiến lược phát triển mảng suất ăn theo từng khu vực địa lý cụ thể, tránh đối đầu cạnh tranh trực tiếp. Trong đó:
(1) MAS là công ty liên kết của Vietnam Airlines với tỷ lệ sở hữu 36%. Tuy nhiên Vietnam Airlines cũng chính là cổ đông lớn nhất chi phối mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Dịch vụ cung ứng suất ăn hàng không là mảng kinh doanh cốt lõi, chiếm khoảng 60% doanh thu thuần. Ngoài ra, MAS còn mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, vận tải hành khách bằng ô tô, taxi, xây dựng và sửa chữa các công trình hàng không. Tại Cảng hàng không Cam Ranh, MAS phải chia sẻ phần lớn thị phần với đối thủ mới gia nhập ngành VINACS, chỉ nắm giữ 60% thị phần suất ăn.
(2) VACS vẫn là doanh nghiệp Nhà nước độc quyền tại thị trường suất ăn hàng không Tân Sơn Nhất, với thị phần lớn nhất trong ngành và lợi thế cung cấp các dịch vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất – cửa ngõ du lịch trọng điểm tại Việt Nam, quy mô của VACS lớn hơn hẳn so với các doanh nghiệp còn lại trong ngành.
(3) NCS là oanh nghiệp dẫn đầu trong hoạt động cung ứng suất ăn và các dịch vụ liên quan tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Nhờ vào lợi thế độc quyền cung ứng suất ăn cho công ty mẹ Vietnam Airlines, hoạt động kinh doanh của NCS được duy trì ổn định và tăng trưởng qua các năm.
VINACS có cổ đông lớn là Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs). Đang nắm 26,67% cổ phần. Taseco Airs là một tên tuổi có thâm niên trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ hàng không như cafe, fast food, hàng miễn thuế, quảng cáo tại sân bay... Mục đích Taseco Airs khi rót vốn vào VINACS nhằm mở rộng địa bàn hoạt động ra hầu khắp các sân bay lớn trên cả nước.
Riêng VINACS hiện là công ty tư nhân duy nhất trong ngành suất ăn, với chiến lược cạnh tranh xây dựng chuỗi công ty suất ăn có mặt tại hầu hết các Cảng hàng không quốc tế Việt Nam, giúp mở rộng thị trường suất ăn cung ứng trên toàn quốc.
Thực tế, VINACS chỉ mới gia nhập ngành suất ăn hàng không vào tháng 3/2017, tuy nhiên với chiến lược phủ sóng dịch vụ trên cả nước, đối thủ này khiến các doanh nghiệp Nhà nước phải dè chừng.
9 tháng đầu năm thua lỗ vì khó khăn trong cạnh tranh tại Nội Bài
Trở lạ với VINACS, mặc dù gia nhập thị trường muộn nhưng tham vọng của VINACS khá lớn khi quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất với công suất 30.000 suất ăn/ngày. Hiện, VINACS đang cung cấp suất ăn tại Nội Bài, Cam Ranh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Phú Quốc.
Tuy nhiên, dù có nhà sáng lập là doanh nghiệp độc quyền trong lĩnh vực mặt bằng bán lẻ tại cảng sân bay, VINACS vẫn rất khó khăn để cạnh tranh trên thị trường suất ăn, giới phân tích cho hay.
Thị phần suất ăn tại Cảng hàng không Nội Bài qua các năm
Nguồn: VDSC.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2018, VINACS báo lỗ 39 tỷ đồng, phần lớn đến từ chi nhánh Nội Bài khi hiện Vietnam Airlines vẫn sử dụng dịch vụ từ công ty thành viên là NCS. Một lý do khác liên quan đến nhà máy của VINACS tại Nội Bài có quy mô lớn nên khấu hao và chi phí lãi vay cao ảnh hưởng đáng kể đến kinh doanh công ty.
Ghi nhận công suất thiết kế nhà máy của VINACS hiện hữu cung cấp được 15.000 suất ăn/ngày tại Cảng Nội Bài. Theo số liệu từ VINACS, trong năm đầu đi vào hoạt động (từ tháng 3/2017) công ty chỉ mới cung cấp được 900.000 suất ăn cho 8 hãng hàng không ở cả hai Cảng hàng không Nội Bài và Cam Ranh, lợi nhuận sau thuế của VINACS đang ghi nhận khoản lỗ do doanh thu không đủ bù đắp chi phí hoạt động.
Song vẫn có điểm sáng, nhà máy hiện tại của VINACS đã đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, công ty cũng vừa giành được khách hàng lớn là Qatar Airways – hãng hàng không 5 sao từ phía NCS. Vì thế, NCS sẽ phải chia sẻ miếng bánh thị phần cho VINACS trong thời gian tới nếu không đưa ra được những chiến lược cạnh tranh kịp thời, hiệu quả, VDSC dự báo.
Công suất thiết kế và sản lượng thực tế của NCS và VINACS tại Nội Bài (Suất ăn/ngày)
Nguồn: VDSC.
Trí Thức Trẻ