MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhảy việc nên đổi luôn tủ quần áo, hết gần tháng lương

22-09-2022 - 09:53 AM | Sống

Nhảy việc nên đổi luôn tủ quần áo, hết gần tháng lương

Làm sao để không bị bội chi mỗi khi đổi việc?

Chuyển công việc là một trong những quyết định khó khăn có thể ảnh hưởng đến rất nhiều điều. Một trong những số đó là khoản chi ít người nghĩ đến mỗi khi đổi việc nhưng lại tiêu tốn khá nhiều tiền. Đó có thể là mua quần áo phù hợp với văn hoá công ty mới, những thiết bị công nghệ phục vụ cho công việc.

Đổi phong cách quần áo do hay đổi môi trường làm việc

Mai Trần (24 tuổi) đã phải mua lại toàn bộ quần áo đi làm khi thay đổi công việc. Trước đó, cô bạn làm cho 1 công ty khá thoải mái trong trang phục, do vậy phong cách từ khi học đại học đến đi làm không mấy khác biệt. Song, công ty mới khá nghiêm túc, thường mặc sơ mi, đồ công sở, để thích nghi cho môi trường mới, cô bạn đã sắm kha khá đồ mới.

“Mình nhớ khi mới nhận được lời mời làm việc cho đến khi qua 2 tháng thử việc, mình đã tiêu khoảng 10 triệu đồng để mua quần áo mới. Tủ đồ của mình từ áo phông chuyển sang sơ mi, chân váy, quần tây. Mỗi sản phẩm rơi vào khoảng 500-600 nghìn đồng, theo mình thấy đây là giá cơ bản cho đồ công sở hiện tại”.

Đối với Mai Trần, đây gần như là một khoản tiền nhất định phải chi để phục vụ công việc tốt hơn. “Thật ra mình cũng hơi xót tiền, nhưng nghĩ là nó sẽ giúp ích cho công việc nên cảm thấy vẫn ổn”.

Cũng giống như Mai Trần, Hà Giang (26 tuổi) gần như phải thay đổi cả tủ quần áo khi chuyển từ làm freelance sang môi trường công sở. “Số tiền lúc đó mình phải tiêu khi gần bằng luôn tháng lương đầu, rơi vào tầm 5-6 triệu đồng”.

Nhảy việc nên đổi luôn tủ quần áo, hết gần tháng lương - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ - Pinterest

Sắm những đồ dùng phục vụ công việc mới

Ngoài thay cả tủ quần áo, Hà Giang cũng đang phải tiết kiệm, lên kế hoạch sắm xe máy mới thay cho chiếc xe phân khối thấp hiện tại. Nơi làm mới ở xa nhà của cô bạn so với công ty cũ, đặc thù công việc cũng yêu cầu phải di chuyển nhiều hơn.

“Dù sao đây cũng sẽ là phương tiện phục vụ cuộc sống, công việc về sau nên kể cả khi không gắn bó lâu với công việc hiện tại, mình nghĩ nó vẫn là 1 khoản đầu tư cần thiết”.

Bên cạnh đó, Hiền Anh (25 tuổi) tháng 3 năm nay vừa quyết định chuyển sang công ty mới với khối lượng công việc nhiều hơn gấp 3,4 lần ở chỗ cũ. “Vì tính chất công việc nặng hơn, cần làm việc mọi lúc mọi nơi nên mình đang ấp ủ mua một chiếc máy tính mới để phục vụ công việc. So với công ty cũ, mức lương hiện tại của mình cao hơn, nên số tiền tiết kiệm mỗi tháng cũng theo đó tăng lên. Trước đây mình tiết kiệm 3 triệu/ tháng, thì giờ mình tiết kiệm được 5 triệu/ tháng”.

Cô bạn cũng chia sẻ rằng do muốn mua máy tính nhanh nhất có thể nên ngoài số tiền tiết kiệm cố định hàng tháng đó, Hiền Anh cũng hạn chế các khoản chi cho việc tụ tập, giải trí cá nhân. “Mình vốn rất thích đi chơi, mua sắm kiểu lúc nào rảnh rảnh lại lướt xem để chốt đơn. Giờ mình làm thêm việc để không có thời gian trống, như vậy vừa tăng thu nhập lại không bị mua đồ linh tinh tốn kém”.

Nhảy việc nên đổi luôn tủ quần áo, hết gần tháng lương - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ - Pinterest

Lập ngân sách sao cho phù hợp?

Để khoảng thời gian chuyển việc trở nên nhẹ nhàng hơn, không bị gánh nặng tiền bạc. Đầu tiên, luôn phải lên kế hoạch chi tiêu và lập ngân sách cẩn thận để không rơi vào tình trạng tháng lương đầu ở công ty mới chưa nhận được đã tiêu sạch tiền tiết kiệm. Dưới đây là 5 bước lập ngân sách cơ bản ai cũng có thể áp dụng hiệu quả:

1. Tổng hợp các nguồn thu nhập: Tổng nguồn thu - đây là số tiền bạn phải làm việc hàng tháng. Đảm bảo bao gồm thu nhập từ tất cả các nguồn - tiền lương từ công việc chính, làm thêm, tiền thưởng, đầu tư,...

2. Ưu tiên các chi phí cố định hàng tháng của bạn: Những chi phí này có xu hướng giữ nguyên (hoặc gần giống nhau) từ tháng này sang tháng khác và có thể là những thứ bạn cần để duy trì cuộc sống hàng ngày. Chúng bao gồm các hóa đơn như tiền thuê nhà hoặc tiền thế chấp của bạn, điện thoại di động, cáp, Internet, tiện ích và khoản vay cố định, các khoản trả nợ.

Nhảy việc nên đổi luôn tủ quần áo, hết gần tháng lương - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ - Pinterest

3. Lập kế hoạch cho các khoản chi phí khả biến: Đây là những khoản chi phí có thể thay đổi từ tháng này sang tháng khác. Chúng bao gồm những thứ như xăng, hàng tạp hóa, chi phí ăn uống và giải trí. Một số có thể cần thiết, một số khác bạn có thể giảm, chẳng hạn như Hiền Anh đã giảm khoản này để tiết kiệm cho mục tiêu lớn hơn.

4. Lập kế hoạch cho các chi phí không thường xuyên: Đây là những chi phí phát sinh theo thời gian, cũng là khoản tiền dành cho mỗi lần chuyển việc. Bạn có thể tạo vùng đệm tài chính cho các sự kiện đặc biệt hoặc các trường hợp khẩn cấp về tài chính.

5. Đóng góp vào khoản tiết kiệm của bạn: Số tiền còn lại sau khi thanh toán các hóa đơn của bạn có thể được đưa vào khoản tiết kiệm. Cân nhắc mục tiêu ngắn hạn như quỹ khẩn cấp, cũng như dài hạn như lập kế hoạch nghỉ hưu.

Theo Tô Diệp - Thiết kế: Hoàng Sơn

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên