MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nhét” thêm bến xe vào nút ùn tắc

21-06-2018 - 08:19 AM | Bất động sản

Hà Nội xây dựng kế hoạch tới năm 2030 sẽ chuyển các bến xe khách liên tỉnh hiện nay như Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm, Gia Lâm ra ngoài phạm vi vành đai 4. Thế nhưng, địa phương này lại cấp phép xây dựng một bến xe mới ngay cạnh vành đai 3, và chỉ cách bến Nước Ngầm 1km.

Nút giao đường vành đai 3 – cao tốc Pháp Vân (Hoàng Mai, Hà Nội) những năm gần đây được Hà Nội xác định là “điểm đen” về ùn tắc giao thông, nút thắt cửa ngõ phía Nam thành phố. Bộ GTVT và Hà Nội đã rất nhiều lần họp bàn giải pháp để khơi thông “điểm đen” ùn tắc này. Dù vậy, mới đây Hà Nội lại tiếp tục “chồng” thêm bến xe ngay cạnh “điểm đen” này.

Cụ thể, ngày 28/5 vừa qua, Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đã có báo cáo trình Thường trực Thành ủy Hà Nội về Đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng các bến xe bền vững - đồng bộ - hiện đại. “Các bến xe khách liên tỉnh được bố trí tại khu vực các trục đường hướng tâm giao với vành đai 4, từng bước thay thế toàn bộ các bến xe hiện có, nằm sâu trong khu vực nội đô”, đồ án nêu rõ. Cùng đồ án này, UBND TP Hà Nội lại quy hoạch và cấp phép đầu tư xây dựng Bến xe Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội – cạnh công viên Yên Sở) có mặt tiền trên đường vành đai 3, cách bến xe Nước Ngầm chỉ 1km.

Theo Quyết định chủ trương đầu tư xây dựng Bến xe khách Yên Sở, do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng ký. Bến xe Yên Sở sẽ kết hợp xe khách và xe tải. Công suất khai thác xe khách tuyến cố định 800 - 1.000 lượt xe/ngày đêm (giai đoạn đầu khai thác 400 lượt xe/ngày đêm); công suất xe tải khoảng 200 lượt xe/ngày đêm. Bến xe Yên Sở xây dựng trong giai đoạn 2017-2020, hỗ trợ cho bến xe Giáp Bát. Dù là bến tạm, nhưng Hà Nội cấp phép Bến xe Yên Sở hoạt động trong 50 năm.

Tờ trình ngày 28/12/2017 của Sở GTVT gửi Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội về Đồ án Quy hoạch bến xe Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nêu rõ dự kiến sau năm 2025 sẽ chuyển các bến xe hiện có của Hà Nội ra khu vực vành đai 4. Trong đó, với bến Giáp Bát, Nước Ngầm sẽ chuyển về Bến xe Ngọc Hồi (bến phía Nam).

Bất thường

Ông Nguyễn Duy Hùng (51 tuổi, phường Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, việc xây dựng Bến xe Yên Sở ngay cạnh đường vành đai 3, giữa khu dân cư và Khu đô thị Gamuada rất không hợp lý. “Bến xe Yên Sở không khác gì bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm. Đặc biệt, bến xe này chỉ cách Bến xe Nước Ngầm có hơn 1km, trong khi các bến xe hiện nay đã có kế hoạch chuyển ra khu vực vành đai 4 để giảm ùn tắc cho nội đô. Mỗi dịp cao điểm, nút giao vành đai 3 – Pháp Vân đã thường xuyên ùn tắc, giờ thêm Bến xe Yên Sở ngay cạnh chắc chắn chỉ tạo thêm ùn tắc”, ông Hùng nói.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, việc Hà Nội cho xây dựng Bến xe Yên Sở sát đường vành đai 3 là trái quan điểm di chuyển bến xe ra khu vực vành đai 4 của chính Hà Nội. Cần thực hiện chuyển đồng loạt, không nên bến đi, bến ở lại. “Quyết định xây dựng Bến xe Yên Sở chưa dám nói tới lợi ích gì ở đó, nhưng rõ ràng về tổ chức giao thông, quy hoạch là bất thường”, ông Thanh nói. Cũng theo ông Thanh, khi vẫn tồn tại Bến xe Yên Sở trong nội đô, Hà Nội sẽ không thể thu hút được đầu tư tư nhân vào bến xe khác ở khu vực vành đai 4 như quy hoạch và chủ trương của thành phố.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng đồng tình quan điểm, Bến xe tạm Yên Sở không phù hợp, đối lập hoàn toàn chủ trương di chuyển bến xe ra khu vực đường vành đai 4 của Hà Nội. “Bến xe Yên Sở cũng có diện tích nhỏ, không đáp ứng nhu cầu san sẻ với bến Giáp Bát và Nước Ngầm. Trong khi các bến khác đang hoạt động lại cho chuyển đi, rõ ràng không hợp lý và thiếu nhất quán”, ông Liên nói thêm.

  

Theo Quyết định đầu tư Bến xe Yên Sở của UBND TP Hà Nội, bến xe này có tổng mức đầu tư 118 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của nhà đầu tư chỉ 30 tỷ đồng (chiếm 25,4% tổng vốn), vốn đi vay và huy động khác là 88 tỷ đồng (chiếm tới 74,6% tổng vốn).

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

Trở lên trên