MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021: 3 đột phá và ấn tượng ‘con tàu’

Nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021: 3 đột phá và ấn tượng ‘con tàu’

Trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ tại kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, kỳ họp "cầu nối" chuyển giao nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 2 lần nhắc đến “con tàu Việt Nam”.

Mở đầu là hình ảnh "con tàu Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính".

Nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021: 3 đột phá và ấn tượng ‘con tàu’ - Ảnh 1.

PGS.TS. Hà Minh Hồng

 Trong hải trình đầy cam go đó, cơ quan hành pháp đã vững vàng chèo lái con tàu theo cơ chế đặc trưng là: "Luôn chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trước nhân dân và đất nước, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật".

Hành trình ấy được cụ thể hóa bằng 570 chuyến công tác "lên rừng, xuống biển" của lãnh đạo Chính phủ để làm việc với địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở, xuống tận vùng sâu, vùng xa, trực tiếp với nhân dân, chỉ đạo cụ thể, kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách.

Có thể thấy rõ, cơ quan hành pháp đã dành ưu tiên cao trong chỉ đạo điều hành cho 3 "đột phá chiến lược", đó là: "Đột phá quan trọng, mở đường là đột phá về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN", "Đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là tấn công vào ‘điểm nghẽn’ kéo dài", "Đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ mang tính ‘dẫn dắt’ cho thu hút đầu tư, phát triển của các ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng".

Ba đột phá chiến lược ấy, tưởng như độc lập, nhưng thực tế lại gắn bó mật thiết với nhau, hỗ trợ nhau và thực hiện được đột phá này sẽ tạo thuận lợi để thúc đẩy các đột phá còn lại.

Hiểu rõ việc triển khai xây dựng, hoàn thiện thể chế cần có những luật định "ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện gắn với tổ chức thi hành hiệu quả", lại phải biết tập trung vào các ưu tiên và tập trung nguồn lực cho thực hiện, tháo gỡ các ách tắc, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hội nhập của hệ thống pháp luật, Chính phủ đã đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực, giải quyết việc làm cho gần 8 triệu lao động và "coi con người là trung tâm của sáng tạo".

Chính vì thế đã hiện dần lên ngày càng nhiều công trình hạ tầng được hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo thêm năng lực, sức cạnh tranh và diện mạo mới cho đất nước; kinh tế được phục hồi và tiếp tục đà tăng tốc, vượt lên trong khu vực với những lĩnh vực quan trọng nhất (từ cơ cấu lại nền kinh tế cho năng động hơn, đến nâng cao hiệu quả hơn trong từng lĩnh vực, ngành, doanh nghiệp, vận hành hiệu quả hơn các nguồn lực, mở ra không gian phát triển kinh tế biển…).

Kết thúc Báo cáo Công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ, Thủ tướng lại phác họa về "con tàu tăng trưởng Việt Nam hướng tới chân trời mới" với "cơ đồ mới về một nước Việt Nam hùng cường vào giữa thế kỷ 21… có mặt đủ mọi thành phần, từ công nông đến trí thức, doanh nhân, người dân, không ai bị bỏ lại phía sau và ai ai cũng được ‘thụ hưởng’ thành quả của đổi mới và phát triển theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII".

Theo PGS.TS. Hà Minh Hồng

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên