Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt: Sự chân thành, kiên định trong đam mê chắc chắn sẽ giúp bạn tồn tại, phát triển và được trả công xứng đáng
Không hẳn mới và thậm chí đã được thực hiện vô số lần trong nhiều thập kỷ, nhưng những bức ảnh về cảnh sắc, con người, văn hoá Việt Nam qua ống kính của Trần Tuấn Việt được thổi một làn gió mới nhờ cách truyền tải độc đáo. Ảnh của tay máy này được đăng trên tạp chí và sách ảnh National Geographic, Google Arts & Culture.
- 27-10-20202 câu hỏi người tinh anh luôn đặt ra mỗi ngày, trả lời đủ thì việc gì cũng suôn sẻ, may mắn: Luôn có kế hoạch là cốt lõi của thành công!
- 27-10-2020Quy tắc để phát triển suốt đời: Kể từ hôm nay cho tới 3 năm nữa, bạn sẽ làm những gì để được coi là một người thành công?
5 năm trở lại đây, cái tên Trần Tuấn Việt không còn quá xa lạ với giới nhiếp ảnh Việt Nam và cả những ai yêu mến bộ môn nghệ thuật này. Đến với nhiếp ảnh như một cuộc dạo chơi, bất ngờ gắn bó và chẳng biết "phải bùa" lúc nào chẳng hay: xuất thân là sinh viên xây dựng, lập công ty riêng về công nghệ thông tin, nhưng "lừng lẫy" năm châu với vai trò nhiếp ảnh, lựa chọn lối kể chuyện bằng hình ảnh với thủ pháp rất riêng, Trần Tuấn Việt đã tạo nên những dấu ấn rực rỡ cho chính con đường nhiếp ảnh của mình. Lần đầu tiên, nhiếp ảnh gia này có những chia sẻ về cái đẹp, về giấc mơ nhiếp ảnh, và về hai chữ Đam mê đối với một người cầm máy.
Theo nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt, thế nào là một bức ảnh đẹp? Bức ảnh đẹp và bức ảnh hay khác nhau như thế nào?
Ảnh đẹp là ảnh đảm bảo đúng các yếu tố: kỹ thuật, ánh sáng, bố cục và thẩm mỹ thị giác. Còn một bức ảnh hay ẩn chứa sức nặng lớn hơn, ngoài việc chuyên chở và truyền tải được những câu chuyện có sức nặng, những thông điệp giàu tính chiêm nghiệm, nó cần phải chạm tới tầng sâu suy nghĩ của người xem, người ngắm. Một bức ảnh hay trước tiên phải đẹp đã!
Yếu tố nào để định nên giá trị của một bức ảnh?
Giá trị của một bức ảnh bao gồm rất nhiều yếu tố lồng ghép, kết hợp, một trong số đó là những giá trị đằng sau mà bức ảnh truyền tải cho người sở hữu. Một bức ảnh bán được nhiều tiền cũng được coi là có giá trị. Một bức ảnh tạo được tiếng vang, đánh thức xúc cảm của mọi người thì cũng là bức ảnh có giá trị. Nhưng, tựu trung, giá trị nhất là bức ảnh có sức mạnh sống với thời gian, bất chấp những biến thiên, thay đổi.
Làm thế nào để ghi lại cảm xúc, câu chuyện chỉ trong 1 khuôn hình?
Dành sự chú ý, lưu lại ấn tượng, dẫn dụ và khơi gợi cảm xúc cho người thưởng thức tấm ảnh của bạn giữa hàng nghìn bức ảnh là điều không dễ dàng. Nhờ nghệ thuật thị giác thôi thúc và dẫn đường, người ta sẽ có nhu cầu tìm hiểu câu chuyện đằng sau bức ảnh, với điều kiện yếu tố thị giác bạn trình diễn trong tấm ảnh đủ mạnh, đủ sâu, đủ chạm! Nhiếp ảnh là nghệ thuật thị giác, vậy hãy tận dụng những quyền lực tối thượng của yếu tố thị giác trước khi ra một cú bấm máy.
Anh nghĩ gì về khái niệm "Visual Storyteller" – người kể chuyện bằng hình ảnh? Bản thân anh có phải Người kể chuyện bằng hình ảnh không?
Bản thân tôi đang định hướng bản thân trở thành một Visual Storyteller đấy. Sức hấp dẫn của dòng ảnh này ở chỗ mỗi bức ảnh là một câu chuyện. Người cầm máy thông qua lăng kính nhiếp ảnh của mình, bằng các thủ pháp riêng, lột tả được nội hàm câu chuyện ẩn chứa sau đó. Bạn biết không, có những câu chuyện chứa đựng cả hành trình dài suốt 13 năm tôi theo đuổi và say mê. Nhờ ngôn ngữ nhiếp ảnh làm cầu nối, tôi đau đáu một niềm mong mỏi duy nhất là truyền tải, chia sẻ nét văn hóa tuyệt vời và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Chụp ảnh là khoảnh khắc, nghĩa là mỗi tấm ảnh là một sự duy nhất, không lặp lại. Có khi khoảnh khắc ấy qua đi và anh không "chộp" lại được, cảm giác lúc ấy thế nào?
Tiếc chứ. Bởi sau mỗi cú bấm máy, khoảnh khắc đó đã vĩnh viễn thuộc về quá khứ nên để lỡ, đương nhiên nhiếp ảnh gia sẽ rất tiếc nuối, thậm chí ân hận, dày vò…
Thường những nhiếp ảnh gia lão luyện, có thâm niên, kinh nghiệm sẽ lường trước, biết trước và chuẩn bị tâm thế cần thiết để "đón lõng" khoảnh khắc đắt giá ấy và gói trọn chúng vào khung hình. Nói thì vậy, chứ ở hiện trường, nhiều tình huống phát sinh, không phải cứ chuẩn bị chi tiết là sẽ có ảnh đẹp. Chuyện nhiếp ảnh gia vò đầu, bứt tai, tiếc hùi hụi vì bỏ lỡ khoảnh khắc vàng vẫn diễn ra thường xuyên đó mà. (cười)
Nhiếp ảnh gia của Việt Nam rất nhạt nhoà, không chuyên sâu vào một mảng nhất định. Điều này có đúng không, theo anh Tuấn Việt?
Khá đúng đó! Ở Việt Nam rất ít người đi sâu vào một mảng. Tôi là người đã có cơ hội hợp tác với National Geographic và biết ở National Geographic, mỗi nhiếp ảnh gia có một mảng riêng và chỉ tập trung khai thác vào lĩnh vực đó. Có những người cả đời đi chụp ảnh chiến tranh, có người chuyên chụp những mảng nhỏ hơn như câu chuyện đồ chơi, động vật hoang dã, thiên nhiên… Ở Việt Nam, có anh Thái Phiên chuyên chụp nude, cá nhân tôi là người chuyên về ảnh story-telling, hoặc có một vài bạn khác thành công ở mảng ảnh đời thường, ảnh street (ảnh đường phố)… Nhưng, đa số người thực hành nhiếp ảnh không được định hướng sẽ theo đuổi mảng nào, phong cách nào, thể loại nhiếp ảnh nào. Điều này dẫn tới một hiện tượng là nguời cầm máy cái gì cũng chụp, mảng miếng nào cũng thích, lĩnh vực nào cũng muốn trải nghiệm. Nói tới đây tôi lại nhớ hình ảnh của chính mình 7 năm trước, bị thôi thúc bởi tất cả mọi thể loại và rơi vào trạng thái loay hoay không biết đâu là điểm mạnh, đâu là thứ nên theo đuổi, cho tới khi tìm được môi trường riêng, và quyết định gắn bó với thể loại Story telling.
Lựa chọn đề tài theo xu hướng có khi nào "giết chết" cảm xúc của người cầm máy không? Bởi tính xu hướng ấy gắn với sự trendy hơn là cảm xúc thực của người nhiếp ảnh?
Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ của mạng xã hội, nhiều người chụp ảnh theo trend, theo xu hướng. Họ chiều lòng khán giả của họ thay vì chú tâm vào những thứ làm họ có cảm xúc, rung động. Những thứ bắt trend như thế không tồn tại được lâu, nó giống như món fast food, bắt mắt đấy, nhưng dễ khiến người thưởng thức nhanh chán, nhanh ngán. Hoặc có khi người cầm máy không đáp ứng đc cái trend đấy và tự đánh bật mình khỏi đường ray.
Chụp ảnh với tâm thế chạy theo xu hướng phần nào sẽ làm thui chột bản năng nhiếp ảnh của những người đam mê. Chụp ảnh, trước tiên để thoả mãn chính mình, đừng chạy theo trend, chụp câu like hay chiều chuộng thị hiếu đám đông, và khi đã chắc tay máy mới nghĩ tới truyền tải câu chuyện, thông điệp mang giá trị cho người xem.
Trong nhiếp ảnh, cảm xúc và kỹ thuật, yếu tố nào đóng vai trò quan trọng hơn? Và nếu phải chia tỷ lệ thì cảm xúc và kỹ thuật chia tỷ lệ như thế nào trên thang điểm 100?
Không có một ranh giới, chỉ số nào quy định bao nhiêu phần trăm cảm xúc, bao nhiêu phần trăm kỹ thuật trong một bức ảnh hay. Có những thể loại nhiếp ảnh mà yếu tố kĩ thuật quan trọng hơn cảm xúc, ví dụ ảnh phong cảnh, để có một bức phong cảnh có cảm xúc thì kỹ thuật chiếm 80-90%. Còn ảnh đời thường, ảnh đường phố thì kĩ thuật không phải vấn đề, yếu tố đóng vai trò quan trọng hơn là góc nhìn, là cảm xúc của người cầm máy. Như ảnh story-telling thì kỹ thuật chỉ chiếm khoảng 30% còn lại tất cả là cảm xúc.
Bí quyết gì để những bức ảnh của một nhiếp ảnh gia Việt Nam lọt vào mắt xanh của các ấn phẩm báo chí quốc tế?
Để lọt vào mắt xanh của những giám khảo quốc tế không khó lắm đâu, chỉ cần những bức ảnh của bạn đạt yếu tố thị giác và truyền tải được thông điệp thú vị đằng sau đó.
Ở Việt Nam mình, với 4000 năm lịch sử cùng bề dày văn hoá bồi đắp qua trầm tích thời gian, chất liệu đời sống ngồn ngộn trước mắt, thật sự rất dễ để có được những tấm ảnh mang yếu tố thị giác. Đất nước ưu ái với tất cả các thể loại nhiếp ảnh đều có thể thực hành, từ ảnh báo chí, ảnh phong cảnh, ảnh đời thường, ảnh đường phố, ảnh nghệ thuật, ảnh chân dung… Nhưng, để đạt thứ hạng cao trong các cuộc thi quốc tế thì mình cần phải có sự khác biệt trong bức ảnh của mình: Lạ, có nội dung, có chiều sâu, có câu chuyện thay vì chỉ đẹp đơn thuần. Đó cũng là kim chỉ nam cho những người theo đuổi chụp ảnh để đến với các đấu trường quốc tế.
Bản thân tôi cũng từng làm giám khảo của khá nhiều cuộc thi ảnh và nhận thấy, yếu tố đầu tiên để chọn một bức ảnh đẹp và hay luôn là gây ấn tượng mạnh về thị giác, thu hút ánh nhìn ngay từ cái chạm mắt đầu tiên, vào vòng trong bắt đầu tìm hiểu sâu hơn những câu chuyện đằng sau bức ảnh đó.
Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt (sinh năm 1983) đã đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh: huy chương vàng tại Cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 9 tại Việt Nam, giải A Giải thưởng nhiếp ảnh xuất sắc cấp quốc gia (cùng năm 2017); giải nhất hạng mục Ảnh du lịch tại Cuộc thi ảnh quốc tế thường niên lần thứ 15 của tạp chí Smithsonian (2018); vào chung kết Giải thưởng nhiếp ảnh gia môi trường thế giới của CIWEM và chung kết Giải thưởng nhiếp ảnh gia du lịch thế giới (2019), Ảnh đoạt giải Ảnh kiến trúc đẹp nhất thế giới (#Architecture2020) của ứng dụng Agora, Nhiều ảnh lọt vào Ảnh nổi bật trên cộng đồng nhiếp ảnh National Geographic...
Gần đây, những người chụp thì có rất nhiều, họ cũng có thể sở hữu máy tốt, đi được nhiều địa điểm, nhưng điều gì sẽ phân biệt giữa các du khách yêu thích chụp ảnh với một nhiếp ảnh gia thực sự? Việc ai cũng có thể sở hữu máy, ai cũng có thể đi du lịch, và ai cũng có thể bấm máy để săn ảnh có bất cập gì không?
Một nhiếp ảnh gia thực thụ sẽ đầu tư nhiều công sức và thời gian cho một bức ảnh. Ví dụ cùng là đi Cao Bằng, vừa rồi tôi đi 5 ngày và chỉ quanh quẩn 3 điểm chụp: Ngọc Côn, động Ngườm Ngao, thác Bản Giốc. Chụp đi chụp lại, sao cho có được bức ảnh ưng ý, nhưng thời tiết không ủng hộ cho lắm, thành thử sẽ quay lại Trùng Khánh nhiều lần nữa. Còn nếu mang tâm lý du khách, đến ngắm cảnh và chụp ảnh, không có sự đầu tư cầu kỳ về thời gian, công sức so với nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp nên thường bức ảnh có ra sao họ vẫn cảm thấy hài lòng. Điểm này phân biệt rõ nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và nghiệp dư.
Thời buổi điện thoại thông minh phổ cập, hỗ trợ rất nhiều cho việc chụp ảnh, sau đó có thêm sự "ra tay" của trí tuệ nhân tạo, những tấm ảnh rất đẹp, rất lung linh ra lò. Bên cạnh đó, có những thể loại đòi hỏi thiết bị đắt tiền như thiên văn thì điện thoại chưa đáp ứng được. Khi người ta chuyên sâu, người ta trót mê đắm một thể loại nhiếp ảnh nào đấy, việc đầu tư cho những thiết bị hỗ trợ vừa là nhu cầu, vừa là cái thú.
Muốn trở thành nhiếp ảnh gia tên tuổi, điều kiện cần có là phải có máy ảnh xịn, điều này đúng không?
Không đâu! Máy ảnh là thiết bị thôi, 99% thành công của bức ảnh vẫn phụ thuộc vào người chụp. Bạn thử xem, có rất nhiều bức ảnh nổi tiếng chỉ chụp bằng điện thoại, rất nhiều khoảnh khắc đáng giá được ghi lại bằng phương tiện thô sơ. Ai cũng có thể chụp ảnh và ai cũng có thể trở thành nhiếp ảnh gia khi có sự đầu tư chuyên tâm, chân thành dành cho nó.
Là một nhiếp ảnh gia tên tuổi, đồng thời là giám khảo của nhiều cuộc thi quốc tế, những danh hiệu đã đạt được mang tới cho Trần Tuấn Việt những gì?
Được ghi nhận và đón nhận là niềm vui của người cầm máy. Nhờ đó, tôi có cảm xúc tốt hơn, không ngừng tự nhủ bản thân hãy cầm máy, theo đuổi, hoàn thiện, gắn bó lâu dài hơn với nhiếp ảnh. Còn những mặt khác cũng chỉ đáp ứng được các nhu cầu bình thường, cơ bản để mình tiếp tục theo đuổi đam mê thôi.
Có một ngày cảm xúc với nhiếp ảnh vơi cạn, hoặc anh không còn muốn chụp ảnh phong cảnh của Việt Nam nữa? Lúc ấy, anh tính sao?
Từng trải qua trầm cảm, tụt cảm xúc và hoài nghi về con đường này, nhưng chính những bức ảnh lại là động lực để tôi làm mới bản thân, tìm lại động lực và cầm máy lên đường, tìm kiếm một vùng đất mới trên dải đất hình chữ S. Một người không coi nhiếp ảnh đơn thuần là sở thích, mà trở thành một thứ đam mê, là chính cuộc sống hiện sinh của mình, thì sẽ không vì những khi cảm xúc rơi tụt xuống đáy mà từ bỏ đâu.
Như tôi nói ở trên, Việt Nam có 4000 năm lịch sử, có rất nhiều chất liệu, địa hạt để bạn theo đuổi, quan trọng là bạn bồi dưỡng cảm xúc, thúc đẩy cảm hứng cho mình như thế nào.
Thế nào là một nhiếp ảnh gia tử tế? Anh có phải một nhiếp ảnh gia tử tế không?
Câu hỏi rất thú vị. Nhiều người đến với nghệ thuật với trái tim nhiều toan tính, danh vọng, vật chất. Tôi không muốn đam mê chỉ tạo ra vật chất, danh vọng mà còn muốn bức tấm ảnh của mình có tiếng vang, có ích cho xã hội, cộng đồng. Có lẽ tôi là người Việt Nam đầu tiên mang ảnh đi thi và mang giải thưởng về làm từ thiện. Đó là điều nhiếp ảnh gia tử tế thường làm.
Phương châm của tôi là luôn giữ thái độ tôn trọng các nhiếp ảnh gia, tôn trọng tác phẩm, tôn trọng các thể loại nhiếp ảnh… Tôi mong bản thân là một nhiếp ảnh gia tử tế, luôn có sự hài hoà trong cuộc sống cũng như trong thực hành nhiếp ảnh.
Anh có lời khuyên nào dành cho những bạn trẻ đam mê nhiếp ảnh nhưng chưa tìm được hướng đi đúng đắn, phù hợp không?
Trước tiên phải có đam mê, những thứ khác có thể trau dồi, học hỏi: kinh nghiệm, kiến thức, kĩ thuật. Có câu nói, nếu bạn làm việc bằng đam mê của mình thì đó không phải là công việc nữa, tất cả vất vả được thay bằng sự háo hức, tò mò, phấn khích. Sự chân thành trong đam mê ấy chắc chắn sẽ giúp bạn tồn tại, phát triển và được trả công xứng đáng.
Giống như những khuông nhạc cần có nốt nhạc để tạo thành bài, thì cuộc sống cũng thế. Những khoảnh khắc quanh ta luôn có những chi tiết điểm xuyến và nếu không có nó chắc chắn sẽ không thể tạo nên một bức ảnh đẹp được. Vì thế hãy tìm hiểu vạn vật xung quanh ta, tìm kiếm những "giai điệu" cuộc sống, quan sát nhiều hơn bằng cái Tôi cảm nhận của chính bạn. Không chỉ trong nhiếp ảnh, mà trong cả cuộc sống, để gặt hái được thành công, bạn phải tìm được sự khác biệt ở con đường, thái độ sống, góc nhìn cùng Cái Tôi tích cực, không ngừng bồi dưỡng nhân sinh quan, mở rộng thế giới quan của chính mình.
Cảm ơn anh Trần Tuấn Việt về cuộc trò chuyện. Chúc anh thăng hoa hơn nữa trên con đường nhiếp ảnh đã lựa chọn!
Pháp luật và bạn đọc