Nhiệt điện Thái Bình 2: Vì sao trưởng dự án 41.000 tỉ đồng đột ngột xin nghỉ việc?
Ngày 10.7.2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã bất ngờ nhận được lá đơn xin nghỉ việc của ông Nguyễn Thành Hưởng- Trưởng dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Đây là dự án lớn mà Chính phủ đã giao cho PVN tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ.
Bởi vậy, việc trưởng dự án có đơn xin nghỉ việc là điều không bình thường.
Áp lực hay hết động lực?
Ông Nguyễn Thành Hưởng được bổ nhiệm là Trưởng dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vào tháng 3.2013. Trước đó, ông Hưởng được đánh giá cao khi gia nhập ngành dầu khí từ năm 1994, có kinh nghiệm điều hành hai dự án điện lớn khác là Khí - điện - đạm Cà Mau và Vũng Áng 1.
Trong lá đơn xin nghỉ việc gửi Tổng Giám đốc PVN, ông Nguyễn Thành Hưởng đưa ra lý do sau 25 năm liên tục làm việc ở ngành dầu khí phải đi công tác xa nhà, ngay cả khi bố mẹ ông Hưởng mất thì ông cũng phải công tác xa nhà, hai lần vợ sinh đều phải tự vượt cạn ở quê, ông Hưởng do bận việc không thể xin nghỉ chăm sóc vợ con.
Ngoài lý do trên, Trưởng dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 cũng cho rằng, quyết định bổ nhiệm mình đã hết thời hạn, chưa bổ nhiệm lại và bản thân ông cũng “không có nguyện vọng được tái bổ nhiệm”.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thành Hưởng cũng nêu lý do “những gì tâm huyết trong tư duy và hành động đối với dự án tôi đều đã nỗ lực thực thi hoặc đề xuất” nên cần thời gian để “tái tích lũy cả về thể chất lẫn tinh thần”.
Phía sau lá đơn nghỉ việc
Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 bao gồm hai tổ máy, tổng công suất thiết kế 1.200MW do PVN làm chủ đầu tư và TCty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) làm tổng thầu EPC. Tổng mức đầu tư dự án là 41.799 tỉ đồng (1,2 tỉ USD đội vốn thêm 6.000 tỉ đồng), thuộc danh mục các dự án nguồn điện cấp bách theo Quyết định 2414/QĐ-TTg, ngày 11.12.2013, của Thủ tướng Chính phủ.
Nhà máy sử dụng công nghệ lò hơi than phun trực tiếp, tuần hoàn tự nhiên, sử dụng than cám 5 (80% 5a Hòn Gai và 20% 5a Vàng Danh), lượng than tiêu thụ hằng năm khoảng 3-3,5 triệu tấn. Khi vận hành sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 6,7 tỉ kWh điện mỗi năm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Trên thực tế, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã gặp nhiều khó khăn, sai sót ngay từ khi bắt đầu. Đây là dự án được nhắc đến nhiều trong vụ án Trịnh Xuân Thanh.
Cụ thể, Nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong những dự án điển hình của việc dùng vốn sai mục đích của PVC dưới thời Trịnh Xuân Thanh. Thực tế, số tiền tạm ứng cho dự án này được PVN (thời ông Đinh La Thăng là Chủ tịch PVN) rót cho PVC hồi năm 2011 khoảng 1.300 tỉ đồng và 6,6 triệu USD đã bị sử dụng sai mục đích.
Ông Trịnh Xuân Thanh khi đó đã chi 1.080 tỉ đồng để thanh toán 425 tỉ đồng nợ gốc vay ngân hàng và 55 tỉ đồng trả lãi vay ủy thác của tập đoàn. PVC cũng đã chi 74 tỉ đồng để hỗ trợ Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ; bổ sung 103 tỉ đồng hỗ trợ cho công trình Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Số tiền còn lại khoảng 300 tỉ đồng, PVC chuyển cho 5 công ty con dưới hình thức góp vốn, gồm: Cty PVC-MS 102 tỉ đồng, Công ty PVC - Land 50 tỉ đồng, Công ty PVC - Hòa Bình 55 tỉ đồng, Công ty PVNC 30 tỉ đồng và Công ty PVC - Mekong 30 tỉ đồng. Kết cục, do có 3 Cty kinh doanh thua lỗ nên PVC phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ.
Trong khi chưa thu hồi được số tiền chi sai mục đích kia, PVC mà đại diện là cựu Tổng Giám đốc Vũ Đức Thuận lại xin PVN hỗ trợ toàn bộ phần lãi vay phải trả đến hết năm 2013 với số tiền khoảng 1,5 triệu USD. Mục đích của việc này là để có tiền triển khai dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Sau khi các ông Đinh La Thăng , Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Lê Đình Mậu - nguyên Kế toán trưởng PVN, Vũ Hồng Chương - nguyên Trưởng ban dự án Thái Bình 2, Trần Văn Chương - kế toán trưởng Thái Bình 2… là những bị can liên quan đến những sai phạm ở Nhiệt điện Thái Bình 2 bị khởi tố, bắt giam và đưa ra xét xử thì PVN đã trình Thủ tướng về việc thay thế tổng thầu (PVC).
Tuy nhiên sau khi tính toán, cân nhắc, trong đó có cả việc nếu thay PVC thì khó tránh khỏi ảnh hưởng về mặt pháp lý và cũng không thể không liên đới khi các nhà thầu phụ không được tổng thầu thanh toán và rất có thể lâm vào tình trạng phá sản, đặc biệt là nợ lương người lao động. Các rủi ro thậm chí rất khó lường nếu các đơn vị liên quan không bàn giao các hạng mục công việc tại công trường, nợ lương công nhân có thể gây bất ổn. Chưa kể khoản phạt lên tới trên 10.000 tỉ đồng.
Kết quả là PVN không thể thay tổng thầu PVC dù biết chắc PVC đã không còn đủ năng lực, nguồn tiền để tiếp tục tham gia dự án.
Tính đến nay, dự án đã đạt được 83% khối lượng công việc và đang chuẩn bị chạy thử. Thế nhưng mặc dù đã đưa ra được các giải pháp nhưng việc thực hiện, trong đó có các nhóm giải pháp liên quan đến PVC gần như đứng im tại chỗ.
Bên cạnh đó, vẫn chưa có hành lang đầy đủ và đảm bảo cho đội ngũ quản lý dự án khỏi những rủi ro pháp lý mà không phải do họ gây ra khi đối mặt với hậu quả chậm tiến độ do những bất cập và sai phạm trước đây.
Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã chậm tiến độ hơn bốn năm đang kéo theo những hệ lụy khôn lường khác. Dễ thấy nhất là hệ thống máy móc nhập khẩu hiện đại hết bảo hành, cụ thể: Tổ máy 1 đã hết thời gian bảo hành từ 31.6 vừa qua, Tổ máy 2 đến tháng 11 năm nay cũng sẽ hết bảo hành.
Theo đánh giá, giải pháp cấp bách hiện nay để níu giữ đại dự án tránh rơi xuống bờ vực thẳm chính là việc phải tiếp thêm nguồn lực tài chính để hoàn thành khoảng 18% tổng khối lượng công việc. Cụ thể là tháo gỡ những tắc nghẽn để thúc đẩy công việc, đặc biệt là tái cấu trúc, bù đắp chi phí, nâng cao năng lực, tích cực hóa dòng tiền của PVC.
Phía sau lá đơn xin nghỉ việc của trưởng dự án có tổng vốn lên tới 41.000 tỉ đồng không chỉ là vấn đề nhân sự mà còn là một cảnh báo rất rõ ràng: Nếu không có những giải pháp cấp bách, đủ mạnh thì khối tài sản khổng lồ của Nhà nước có nguy cơ thành đống sắt vụn chỉ trong thời gian tới.
Lao động