MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều áp lực khi Gia Lâm lên quận

21-09-2023 - 11:04 AM | Bất động sản

Dự kiến Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận sẽ được trình thông qua tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội sắp tới. Tuy nhiên, khi huyện thành quận, một loạt vấn đề bất cập dự đoán sẽ nảy sinh.

Thách thức trong quản lý đô thị

Hiện tại huyện Gia Lâm đã hoàn thành các thủ tục để trình lên UBND thành phố Hà Nội về đề án thành lập quận. Dự kiến, đề án sẽ được trình HĐND thành phố Hà Nội xem xét, biểu quyết tại kỳ họp sắp tới.

Theo Đề án, sau khi trở thành quận, Gia Lâm vẫn giữ nguyên diện tích tự nhiên 116,64km2 và khoảng 310.000 dân. Gia Lâm sẽ có 16 phường trên cơ sở sáp nhập từ 22 xã, thị trấn hiện nay. UBND huyện Gia Lâm cho rằng, việc thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế và là cơ hội thuận lợi để địa phương bứt phá, phát triển bền vững trở thành đô thị văn minh, hiện đại.

Nhiều áp lực khi Gia Lâm lên quận - Ảnh 1.

Gia Lâm nhiều tiềm năng phát triển khi lên quận nhưng cũng nhiều thách thức

Tuy nhiên, việc huyện thành quận và xã thành phường cũng đặt ra nhiều vấn đề với Gia Lâm. Theo một lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm, khi thành lập quận, công tác quản lý đô thị sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức như quản lý đất đai, cấp giấy phép xây dựng nhà ở, giấy phép kinh doanh. Đặc biệt là quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng tài nguyên đất, thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đồng thời, áp lực về các dịch vụ công sẽ gia tăng do người dân và các tổ chức sẽ có nhu cầu thay đổi địa chỉ, hộ khẩu, giấy tờ tùy thân, giấy tờ đăng ký kinh doanh,...

Bà Nguyễn Thị Mai, Giảng viên bộ môn Xã hội học (Trường ĐH Công đoàn) cũng cho rằng, khi Gia Lâm lên quận, sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa trong giai đoạn công nghiệp hóa sẽ dẫn đến nhiều vấn đề bất cập nảy sinh như: quỹ đất nông nghiệp dần bị thu hẹp, áp lực về nhu cầu việc làm, nhà ở. Đó là chưa kể ảnh hưởng đến quản lý kiến trúc cảnh quan, môi trường đô thị và trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương. Đặc biệt, đối với các phường, công tác quản lý Nhà nước từ mô hình chính quyền nông thôn sang chính quyền đô thị, bước đầu sẽ lúng túng do sự khác biệt về chức năng, nhiệm vụ giữa hai mô hình quản lý. Ngoài ra, lề lối sinh hoạt, văn hóa của người dân về bảo vệ môi trường vẫn còn mang nặng lối sống nông thôn, chưa thích ứng kịp với sự đổi thay của quá trình đô thị hóa.

Quận sẽ phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác thay đổi giấy tờ, địa chỉ, giấy phép đăng ký kinh doanh,... cho các doanh nghiệp, người dân. Trước mắt, các cá nhân, tổ chức sẽ được tạo mọi điều kiện, không phải chi trả các loại phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ, hồ sơ, địa chỉ pháp lý cho phù hợp với tên đơn vị hành chính mới.

Nâng cao năng lực cán bộ

Ông Nguyễn Việt Hà, Bí thư huyện Gia Lâm cho biết, khi lập đề án, huyện cũng xác định có nhiều vấn đề nảy sinh. Vì thế, huyện đã chuẩn bị các phương án xử lý. Một trong những vấn đề lớn là sắp xếp bộ máy hành chính trong các cơ quan nhà nước của Gia Lâm. Ông Hà cho biết, quận xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị trong điều kiện xây dựng mô hình chính quyền đô thị gắn với Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội. Nhất là đối với các cơ quan chuyên môn có tính chất đặc thù như tài nguyên và môi trường, quản lý đô thị, kinh tế...

Quận cũng xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp. Từng bước bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống chính trị của quận, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cục bộ, khép kín. Đồng thời, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản cho đội ngũ cán bộ, công chức khi chuyển đổi sang chính quyền đô thị. Ngoài ra, Gia Lâm cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Đối với tổ chức bộ máy các phường mới thành lập, quận sẽ sắp xếp, bố trí lại một số chức danh trong các phường cho phù hợp với chức năng đơn vị hành chính thuộc khu vực nội thành.

Ngoài ra, Gia Lâm cũng sẽ tập trung chỉ đạo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử, giảm tối đa tỷ lệ văn bản giấy trong chỉ đạo, điều hành. Trên cơ sở đó, hình thành hệ thống thông tin điện tử của chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Quận sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các công trình, dự án đã và đang thực hiện, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng không đúng quy định.

Theo Thanh Hiếu

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên