MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều bãi xe lậu 'ăn theo' chặt chém giá

25-01-2018 - 08:43 AM | Xã hội

Theo quyết định về việc tăng giá trông giữ xe của UBND thành phố Hà Nội, từ 1/1/2018, cho phép tăng gần gấp đôi giá vé trông giữ tại những điểm đỗ xe lòng, hè đường được cấp phép.

Quy định này không áp dụng với những điểm đỗ xe trong các khu chung cư, khuôn viên hoặc những điểm đỗ xe công cộng. Tuy nhiên, nhiều điểm đỗ xe lậu ở Thủ đô vẫn lợi dụng tình trạng này để tăng giá gấp đôi.

Là tuyến phố bị cấm trông xe cả lòng đường và vỉa hè, nhưng đường Đinh Tiên Hoàng đoạn từ đền Bà Kiệu đến Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (hồ Hoàn Kiếm) hiện đang có cả điểm trông ô tô, xe máy kéo dài cả dưới lòng đường và vỉa hè. Quan sát điểm trông xe này chúng tôi chỉ thấy biển cấp phép của Sở GTVT ghi “Taxi đỗ xe không quá 5 phút”, tuy nhiên vây quanh điểm cấp phép này là nhiều ô tô, xe máy đỗ xếp kéo dài cả lòng đường và vỉa hè kèm theo cả người trông giữ xe. Trong vai người có nhu cầu gửi ô tô, trưa 23/1 chúng tôi vào điểm trông xe được ghi biển là điểm trông xe dịch vụ của Cty TNHH Hà Nội Bốn Mùa, tuy không đưa vé cho khách nhưng sau 15 phút chúng tôi quay lại lấy xe, nhân viên tại đây đã thu mức giá 25.000 đồng/lượt (1 giờ) cao gấp đôi so với thời điểm trước ngày 1/1/2018.

Tương tự, tại các điểm đỗ xe dưới lòng đường trên phố Hai Bà Trưng, Triệu Quốc Đạt, Yết Kiêu, Trần Bình Trọng, Xã Đàn giá gửi xe những ngày qua đều lên 25.000 đến 30.000 đồng/ lượt (1 giờ). Trong khi đây là những tuyến phố không có chủ trương cấp phép điểm đỗ xe duới lòng đường. Tại phố Xã Đàn, mặc dù có biển cấm dừng đỗ xe dưới lòng đường nhưng đoạn từ nút giao với Phạm Ngọc Thạch đến Ô Chợ Dừa đang có nhiều biển nhận trông xe dưới lòng đường. Do không biết đây là tuyến phố cấm đỗ, lại có biển nhận trông xe nên nhiều chủ xe ô tô thời gian qua đã đỗ xe ở hai bên lề đường phố Xã Đàn. “Trước đây khi đỗ xe trên phố Xã Đàn chúng tôi chỉ bị nhân viên thu với giá 20.000 đồng/lượt hai giờ, nhưng từ 1/1/2018 đến nay, nhân viên ở đây đã thu 25.000 đồng/ lượt 1 giờ, tăng gấp hơn 2 lần. Do thường xuyên đến đây liên hệ công việc nên nếu không chấp nhận gửi, chúng tôi cũng không biết đi đâu”, anh Hoàn, một người dân thường xuyên gửi ô tô trên phố Xã Đàn phản ánh.

Tại tuyến phố Triệu Quốc Đạt, theo danh mục các tuyến phố cấm trông xe giữ xe, tuyến phố này cấm để xe cả lòng đường, vỉa hè, tuy nhiên hai bên vỉa hè đoạn trước Bệnh viện Phụ sản Trung ương đang tràn ngập điểm trông giữ xe máy. Giá trông xe tại đây người dân đang phải trả khi đến thăm khám tại bệnh viện là 5.000 đồng/lượt (ban ngày), 10.000 đồng/lượt (ban đêm), vượt gấp đôi giá quy định của thành phố.

Dừng cấp phép gần 80 điểm đỗ xe trên đường

Theo Quyết định số 44/2017 của UBND thành phố Hà Nội, để phù hợp với việc tăng phí sử dụng lòng đường, hè phố đối với các điểm trông giữ xe được cấp phép, từ ngày 1/1/2018 giá trông giữ phương tiện tăng cao nhất 25.000 đồng/lượt 1 giờ với ô tô; 5.000 đồng/lượt 1 giờ với xe máy. Với các điểm trông xe không sử dụng lòng, hè đường thì không tăng giá.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện Sở đang giao cho Thanh tra giao thông (TTGT) kiểm tra, rà soát các điểm trông xe dưới lòng đường sau khi thành phố có quyết định tăng giá mới. Trong quá trình rà soát, TTGT có thẩm quyền xử phạt và đóng cửa các điểm trông xe không phép, thu giá cao hơn quy định. Với điểm trông xe trên phố Đinh Tiên Hoàng, đoạn từ đền Bà Kiệu đến Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, ông Tuấn cho biết, Sở GTVT không cấp phép cho dịch vụ trông giữ xe tại đây. Để phục vụ nhu cầu đi lại và đón trả khách của taxi, Sở GTVT chỉ cắm biển cho phép taxi được dừng đỗ, đón trả khách tại khu vực này trong thời gian không quá 5 phút. Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, điểm trông xe này đã được Sở GTVT nhiều lần ra quân kiểm tra, xử phạt và đề nghị UBND quận Hoàn Kiếm giải toả, nhưng đến nay không hiểu sao vẫn tồn tại.

Cũng theo ông Ngô Mạnh Tuấn, để thực hiện chủ trương quản lý các điểm trông xe theo hướng công khai, minh bạch, Sở GTVT vừa có văn bản số 374 về việc dừng cấp phép đối với gần 78 điểm trông xe trên đường của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp đã được Sở GTVT cấp phép trước đây. Thời gian thực hiện từ 1/1/2018. Trong đó có các điểm đỗ xe trên các tuyến phố có nhiều cơ quan Nhà nước, như Lê Thánh Tông, Lý Thái Tổ, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Ngọc Hà, Hàn Thuyên, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Tô Hiến Thành…

Tuy không cấp phép nhưng Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng lưu ý, trường hợp đơn vị có nhu cầu tự tổ chức điểm trông giữ phương tiện phải xây dựng phương án liên kết với đơn vị có đủ tư cách pháp nhân về trông phương tiện để thực hiện trông giữ xe được cấp phép có thu tiền. “Phí sử dụng lòng đường và giá trông xe thực hiện theo quyết định của UBND thành phố, đồng thời yêu cầu đơn vị trông giữ xe phải phối hợp với cơ quan chức năng để triển khai đồng bộ việc áp dụng iParking theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố”, ông Tuấn nói.

Theo Anh Trọng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên