MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều cán bộ Đà Nẵng "co" lại vì... sợ làm sai

Lãnh đạo Sở Nội vụ TP Đà Nẵng thừa nhận hiện nay nhiều cán bộ "co" lại, tâm lý lo sợ làm sai...

Cán bộ "co" lại vì... sợ sai

Sáng nay (12/12), tại phiên trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, nhiều đại biểu chất vấn việc có hiện tượng cán bộ đùn đẩy việc, "co" lại không dám làm việc để tồn đọng công việc kéo dài. Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Thành Tiến - Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng hỏi: "Giám đốc Sở có "co" lại không? Năm 2020, có giải pháp gì để cán bộ không còn "trạng thái ngủ đông" để hoàn thành nhiệm vụ mãnh liệt hơn.

Trả lời vấn đề này, ông Võ Ngọc Đồng - Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng thừa nhận, công chức có sự co lại, tâm lý lo sợ. Nguyên nhân là do thời gian qua, liên quan đến nhiều sai phạm đã có người bị bắt, bị kỷ luật. Việc xử lý này tạo niềm tin cho người dân trong phòng chống tham nhũng, lãng phí nhưng cũng có tác động tinh thần làm việc của cán bộ.

"Việc này không phải chỉ có cán bộ công chức mà cả lãnh đạo nữa. Nhiều khi lãnh đạo có chỉ đạo quyết liệt với công việc thì cũng có sự chuyển biến, còn bản thân công chức là tham mưu. Qua thanh tra, kiểm tra, điều tra, các sở ngành soi rất kỹ, sai một tí phải xử lý. Anh em cũng thận trọng, sự thận trọng ở đây không phải là bỏ bê công việc mà là thận trọng với quy định pháp luật", ông Đồng nói.

Ông Đồng cho biết thêm, bây giờ cán bộ phải soi văn bản luật, nghị định, thông tư để hoàn chỉnh hết thì mới dám làm. Việc này ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Ai cũng muốn thành phố phát triển nhưng phải làm đúng pháp luật. Bản thân từ lãnh đạo đến công chức ai cũng sợ vi phạm xử lý kỷ luật.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, việc sợ trách nhiệm có ở các cấp chứ không riêng gì thành phố. Nhiều cái trước đây nghĩ thông thoáng là làm được nhưng bối cảnh hiện nay phải chấp hành đúng quy định pháp luật. Sợ là sợ pháp luật. Vì nếu không làm đúng sẽ bị khởi tố, kỷ luật.

Nhiều cán bộ Đà Nẵng co lại vì... sợ làm sai - Ảnh 1.

Giải quyết thủ tục tại bộ phận một cửa Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng


Về giải pháp, ông Đồng cho biết, UBND thành phố đã có chỉ đạo và có cơ chế giám sát, như đã có kiểm tra, theo dõi nhiệm vụ được giao, tổ 1 cửa có camera giám sát… Các sở, ngành có trách nhiệm xử lý, giám sát công việc không bê trễ. Lãnh đạo cơ quan làm chỗ dựa tình thần, phê bình nhưng cũng phải khích lệ cán bộ làm việc.

Dùng nhân tài sao cho đúng?

Theo ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, ở các nước người ta không làm được là từ chức, cách chức. Bây giờ Sở này đẩy hết khó khăn, đổ qua sở khác, trách nhiệm người đứng đầu sở đâu?

"Sử dụng cán bộ đề án 922, tôi có liên tưởng đến cầu thủ Hà Đức Chinh. Chúng ta bỏ tiền ra 600 tỉ đồng để tìm người tài về. Bây giờ người tài đó chúng ta sử dụng như thế nào? Quan trọng là người sử dụng. Tôi thấy cầu thủ Hà Đức Chinh sáng giá trong đội tuyển U22 Việt Nam. Chúng ta có đánh giá hết và sử dụng không. Tôi có liên tưởng đến việc này. Có thể nối thêm trách nhiệm của các sở khi sử dụng cán bộ chất lượng cao như thế nào", ông Trung nói.

Ông Võ Ngọc Đồng cho biết, bản thân không né tránh công việc, làm được thì làm, không làm được sẽ báo cáo UBND thành phố. Việc đào tạo học viên đề án 922 ra nhưng khi đi làm lại khác. Chất lượng đào tạo có người học giỏi, có người không giỏi.

Đề án 922, tất cả các học viên khi ký kết hợp đồng với thành phố khi đi đào tạo phải xếp loại khá trở lên. Học viên đề án ra nước ngoài cũng có trường xếp loại khác nhau, đánh giá cũng khác nhau nên thành phố cân nhắc trong việc sử dụng các học viên với các học lực khác nhau.

"Việc quan trọng là sử dụng nhân lực có hiệu quả không. Việc học viên vi phạm hợp đồng sẽ đền bù cho thành phố", ông Đồng nói và nêu ví dụ về việc học ngành y đạt loại giỏi ở nước ngoài rất khó khăn. Có 2 học viên Đề án phải đền bù cho thành phố vì không đạt yêu cầu

Theo Ngọc Vũ - Vĩnh Nhân

Báo giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên