Nhiều CEO địa ốc lạc quan, tiết lộ "kế sách" vượt qua khủng hoảng thời Covid-19
Có lẽ khó khăn nguồn cung chưa qua thì khó khăn dịch bệnh đã đến càng thử thách thêm lòng kiên nhẫn của các CEO bất động sản. Những người mà ở thời điểm này có vẻ đang phải cố gắng từng ngày để ít ra duy trì được tinh thần làm việc của nhân viên, và hi vọng cơ hội mới sẽ mở ra sau mùa dịch.
- 26-03-2020Làn sóng các doanh nghiệp BĐS chung tay góp sức trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 lan rộng
- 25-03-2020Tập đoàn VinGroup kích hoạt thêm 100 tỷ đồng tài trợ phòng chống dịch bệnh Covid-19
Khi được hỏi về những khó khăn của doanh nghiệp dưới tác động của dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho hay, hiện tại bản thân và cả công ty đang cố gắng giữ nhịp chạy.
Bởi nữ CEO này hi vọng, dịch bệnh chỉ trong ngắn hạn rồi mọi thứ sẽ trở lại với nhịp sống vốn có. Về phía doanh nghiệp, trong bất cứ tình huống nào đều phải bình tĩnh và có giải pháp ứng phó. Với BĐS đó là câu chuyện dài hạn nên kế hoạch của doanh nghiệp có thể cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến thực tế, tuy vậy không phải vì dịch mà mọi kế hoạch dừng lại không triển khai.
Theo CEO này, BĐS là sân chơi lớn và dài hạn, không chỉ CĐT mà các NĐT cũng cần nhìn xa, trông rộng và lựa chọn chiến lược phù hợp để đảm bảo hiệu quả và giá trị gia tăng bền vững. Vì thế, nhất là trong bối cảnh khó khăn thì muốn kích cầu BĐS, đặc biệt hướng đến đối tượng mua nhà để ở cần các gói ưu đãi lãi suất cho người mua nhà trong dài hạn, cùng với chính sách thông thoáng thì mới củng cố được niềm tin cho người mua và thị trường nói chung.
Ông Nguyễn Thái Bình, Tổng giám đốc Đông Tây Land cũng chia sẻ: Về phía doanh nghiệp, trong lúc này cố gắng duy trì hoạt động, chia sẻ khó khăn với nhân viên. Tuy nhiên, công ty vẫn cố gắng duy trì đi làm 50% và làm online 50% nhằm đảm bảo các hoạt động.
“Vì nghề dịch vụ này, buông ra là không hiệu quả, và khi thị trường tốt lại, khó kêu gọi lại anh em sales và cũng như khó nắm bắt thời cơ”, ông Bình cho biết.
Nói về sự chuẩn bị của doanh nghiệp, CEO này cho biết, biết được khó khăn, nên doanh nghiệp chuẩn bị nguồn vốn để hoạt động 2-3 tháng khi không có doanh thu, sau đó thì mọi việc sẽ ổn định lại thôi. Và trong thời điểm khó khăn này, nhiều khách hàng bán lỗ, nhưng nhiều người cũng canh lúc này để mua được giá tốt, mua được sản phẩm đẹp.
“Doanh nghiệp cần chia sẻ thị trường và khó khăn cho anh em nắm, để cùng hiểu và thông cảm. Tuy nhiên, cũng cần duy trì chia nhóm nhỏ làm tại công ty, hoặc làm online, bán hàng và tư vấn gián tiếp: cellphone, email, MKT online.... nhằm duy trì công việc liên tục cho anh em cũng như đảm bảo an toàn. Dịch vẫn phải phòng, nhưng công việc cũng phải làm. Trong nguy có cơ.. Nếu doanh nghiệp nào duy trì được tinh thần làm việc tốt và vẫn đảm bảo kết nối, hoạt động team, đội nhóm tốt, thì khi thị trường quay lại sẽ có nhiều cơ hội phát triển”, ông Bình nhấn mạnh.
Ông Huỳnh Ngọc Châu, Tổng giám đốc Á Châu Land cùng nỗi lòng: “Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng lớn thật em ạ! Tình hình này nghành nghề nào cũng khó chứ không riêng gì BĐS”.
Với doanh nghiệp mình, CEO này cho biết, dù khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn theo đúng kế hoạch sản phẩm chiến lược và hoạt động kinh doanh bình thường. Cũng cố để vượt qua giai đoạn này.
Theo ghi nhận, thực sự các doanh nghiệp BĐS đang gặp không ít khó khăn về doanh thu, cũng như duy trì đội ngũ nhân sự trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Với những dự án còn sản phẩm bán giai đoạn tiếp theo thì cũng khó tiếp cận được khách hàng vì dịch; còn với những doanh nghiệp không còn nguồn hàng để phân phối thì cũng chỉ biết chờ dịch đi qua; cố gắng cầm cự để duy trì hoạt động.
Trong đó, một số CEO cho biết, cái khó nhất hiện nay là vực dậy tinh thần của đội ngũ nhân viên. Lúc khó khăn, giữ cũng không được mà buông cũng khó. Vì khi thị trường ổn định trở lại việc tìm kiếm nhân sự không phải là điều dễ dàng nhất là đối với những cộng sự từng gắn bó lâu dài với công ty.
Theo ghi nhận trước đó, khi dịch Covid-19 chưa diễn ra thì một số doanh nghiệp cũng đã gồng mình để trả lương, nuôi quân trước bối cảnh cạn nguồn cung mới. Khi dịch bùng phát, lại thêm một lần thử “sức khỏe” của doanh nghiệp, của những người lãnh đạo. Họ tiếp tục gồng mình, cố gắng để giữ nhịp chạy của doanh nghiệp. Tất nhiên, trong khó khăn sẽ có không ít doanh nghiệp sẽ “ buông tay”, rời thị trường, đó là điều không ai mong muốn.
“Bây giờ cũng cố gắng vượt khó khăn và chờ dịch đi qua để có cơ hội mới. Với những chi phí không cần thiết thì doanh nghiệp đã tiết giảm, để có thể cầm cự được lúc này. Còn kế hoạch sắp tới cũng tùy vào diễn biến của dịch để đưa ra”, một CEO giãi bày.