Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã mất nửa giá trị kể từ đầu năm, ba mã xuống dưới mệnh giá
Tính chung, 27 mã ngân hàng đã giảm bình quân 26,7%, khiến vốn hóa toàn ngành bốc hơi hơn 513.131 tỷ đồng, tương đương 21,4 tỷ USD.
- 03-10-2022Cổ phiếu ngân hàng chìm trong sắc đỏ, thêm một mã xuống dưới mệnh giá
- 02-10-2022Cổ phiếu ngân hàng nào giảm mạnh nhất tháng 9?
- 30-09-2022Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt đảo chiều, 2 mã tăng kịch trần gần 15%
Thị trường chứng khoán vừa trải qua phiên giao dịch tệ nhất trong hơn 3 tháng qua khi VN-Index giảm 45,67 điểm (-4,03%) xuống 1.086,44 điểm; HNX-Index giảm 12,08 điểm (-4,83%) xuống 238,17 điểm; UPCoM-Index giảm 2,2 điểm (-2,59%) xuống 82,76 điểm.
Trong đó, nhóm ngân hàng là một những ''tội đồ'' trong phiên hôm nay khi đóng góp 4/5 mã kéo VN-Index giảm nhiều nhất.
Kết phiên, có 23/27 mã ngân hàng giảm giá với 4 mã giảm kịch biên độ là BID, CTG, TCB, STB. Một số cổ phiếu khác cũng lao dốc mạnh như LPB (-6,6%), MBB (-6,5%), OCB (-6,2%), VPB (-5,6%).
Với phiên ''rực lửa'' hôm nay, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã mất nửa giá trị kể từ đầu năm (tính theo giá đã điều chỉnh).
Đứng đầu toàn ngành về mức giảm là VBB của VietBank khi lao dốc hơn 54% so với cuối năm trước, xuống còn 8.800 đồng/cp. Đây cũng mã có thị giá thấp nhất nhóm ngân hàng tính đến thời điểm hiện tại.
BVB của Ngân hàng Bản Việt cũng giảm sâu 52% xuống còn 11.300 đồng/cp. Cổ phiếu này đã giảm 8 trên 9 tháng giao dịch vừa qua, khiến vốn hóa bay hơi hơn một nửa xuống còn hơn 4.400 tỷ đồng.
Bên cạnh hai mã giao dịch tại thị trường UPCoM, nhiều cổ phiếu ngân hàng tên tuổi trên HSX cũng mất gần một nửa thị giá so với cuối năm trước như OCB (-47%), SHB (-47%), MSB (45%). Nhịp sụt giảm từ đầu năm khiến vốn hóa của các nhà băng này ''bốc hơi'' hàng chục nghìn tỷ đồng.
Một loạt mã ngân hàng khác cũng ghi nhận mức giảm trên dưới 40% như TPB (-42%), PGB, NAB (-41%), ABB, LPB, VIB, TCB (-40%), STB, VAB (-39%), CTG (-36%).
EIB và KLB là hai mã giảm ít nhất ngành ngân hàng khi chỉ mất lần lượt 1% và 2% so với cuối năm trước. Ngoài ra, VCB và BID cũng góp mặt ở danh sách cổ phiếu giữ giá tốt khi chỉ giảm 10% và 15%.
Tính chung, 27 mã ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM đã giảm bình quân 26,7%, khiến vốn hóa toàn ngành mất hơn 513.131 tỷ đồng, tương đương 21,4 tỷ USD.
Sau phiên lao dốc 3/10, hiện có 17/27 mã ngân hàng có giá dưới 20.000 đồng/cp. Trong đó, VBB, VAB và ABB đã xuống dưới mệnh giá 10.000 đồng/cp.
Cổ phiếu ngân hàng lao dốc mạnh từ đầu năm đến nay khi giới đầu tư lo ngại về triển vọng ngành ngân hàng trong bối cảnh nợ xấu gia tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh, xu hướng siết chặt quản lý thị trường trái phiếu, chứng khoán và đặc biệt nguy cơ thu hẹp lợi nhuận do lãi suất huy động tăng.
Cụ thể, ngay sau khi, NHNN tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng, các ngân hàng đã đồng loạt tăng mạnh lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất các kỳ hạn ngắn được nhiều ngân hàng niêm yết ở mức tối đa cho phép và lãi suất các kỳ hạn dài cũng được đẩy lên trên 7,5%, thậm chí hơn 8%. Trong khi đó, NHNN tiếp tục vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để tiết giảm các chi phí hoạt động để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới.
Theo ông Lã Giang Trung - CEO của Passion Investment, tăng lãi suất chính là làm tăng giá nguồn vốn đầu vào của các ngân hàng. Nếu không tăng được lãi suất đầu ra tương ứng với phần lãi suất huy động đầu vào tăng thêm, biên lãi ròng (NIM) ngân hàng sẽ bị kéo giảm. Bên cạnh đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng sẽ hạ xuống, vì lãi suất tăng sẽ khiến cho dòng tiền nằm trên tài khoản thanh toán tìm đến các kênh tiền gửi có kỳ hạn. Bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng sẽ có một số ảnh hưởng nhất định.
Lãi suất tăng cũng làm cho nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và nó sẽ tác động đến sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Khi tình trạng tài chính ở hộ gia đình và các tổ chức kinh tế ngày càng trở nên khó khăn, việc chi phí tài chính bị nâng lên cũng góp phần kéo nợ xấu cao hơn.
''Nhìn chung, kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ không tốt như những năm trước. Khi lãi suất đầu vào tăng, room tín dụng bị hạn chế, và nếu thêm áp lực từ nợ xấu gia tăng, tình hình sẽ có thể khó khăn hơn cho các ngân hàng, lợi nhuận cũng vì thế mà bị ảnh hưởng'', ông Trung nhận định.
Trong báo cáo nhận định ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, việc tăng lãi suất điều hành sẽ gây áp lực lên chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại. Tại phiên họp trước đó ngày 22/9, Thủ Tướng đã yêu cầu NHNN xem xét tăng lãi suất điều hành và lãi suất huy động nhưng lại yêu cầu cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Do đó, Yuanta dự báo NIM toàn ngành sẽ thu hẹp trong thời gian tới. Tuy nhiên tác động sẽ không giống nhau cho từng ngân hàng. Các ngân hàng có tỷ lệ LDR (tỷ lệ dư nợ tín dụng trên số vốn huy động) thấp như là HDBank, MSB, VIB, VPBank, hoặc các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thấp như là ACB, HDBank, MSB, VPBank sẽ ít chịu áp lực về NIM hơn.
Đặc biệt các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao như Techcombank, MB, và Vietcombank sẽ chống chịu tốt hơn trước tác động của xu hướng gia tăng chi phí vốn.
Nhịp sống Thị trường