MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều công ty do “Shark” Trần Anh Vương lãnh đạo lỗ liên tục, cổ phiếu “rẻ như rau”

07-12-2017 - 15:31 PM | Doanh nghiệp

CTCP Đầu tư BVG tiền thân là thép Bắc Việt, hiện có giá 1.300 đồng/cp. CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Việt Nam có phần tốt hơn, 5.900 đồng/cp.

Xuất hiện trước hàng triệu khán giả truyền hình xem chương trình “Thương vụ Bạc tỷ” (Shark Tank Việt Nam), ông Trần Anh Vương – Tổng Giám đốc CTCP SAM Holdings tạo cảm giác về một doanh nhân tính toán rất nhanh. Sau khi người gọi vốn trình bày, Shark Vương thường nhanh chóng đọc to phép tính nhẩm các con số doanh thu, lời lãi mỗi tháng của họ và đặt ra một số câu hỏi.

Còn lại, “cá mập” này có lẽ không tạo nên ấn tượng gì đặc biệt dù đến lúc này, Shark Vương là người có nhiều vụ đầu tư nhất trong chương trình.

Trước khi Shark Tank Việt Nam phát sóng, SAM Holdings (tên cũ là CTCP Cáp và Vật liệu Viễn thông – SACOM) – mã chứng khoán: SAM – đã công bố đầu tư tối đa 10 tỷ đồng vào chương trình. Trong số các Shark, ngoại trừ Vinacapital thì SAM là đơn vị có tiềm lực tài chính mạnh nhất. Trên sàn chứng khoán, SAM nổi tiếng bởi đây là 1 trong 2 cổ phiếu đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Lên sàn sớm, SAM đã tận dụng được giai đoạn thị trường chứng khoán bùng nổ giai đoạn 2005-2007 để huy động được khoản vốn rất lớn lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm qua, việc sử dụng hiệu quả khối tài sản lớn này luôn là vấn đề nan giải của SAM, kể cả sau khi đã thay tên đổi chủ, đổi mới ban lãnh đạo. Khoảng 3 năm trước, SAM gây náo động sàn chứng với các thương vụ trao đổi qua lại một khối lượng rất lớn cổ phiếu giữa các cổ đông, nổi bật là cái tên CTCP Đầu tư và Thương mại Xuất nhập khẩu HFC Việt Nam.

Ông Trần Anh Vương được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc của SAM từ tháng 5/2016, tức sau khi SAM đã đổi chủ. Tuy nhiên, ông Vương đã được biết đến trước đó với vai trò là Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư BVG (mã: BVG) và CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam (mã: TH1). Cả 2 công ty này đều đang chìm trong thua lỗ và cổ phiếu chỉ ở mức giá trà đà.

Đối với BVG, trước khi đổi tên thành CTCP Đầu tư BVG vào năm 2016, vốn là CTCP Thép Bắc Việt sở hữu nhãn hiệu thép DAMSAN. Với cơ cấu tài chính mất cân đối do sử dụng vốn vay lớn để đầu tư trong khi ngành thép rơi vào giai đoạn khó, Bắc Việt đã thua lỗ liên tục, không có tiền trả nợ cho ngân hàng và cổ phiếu lao dốc không phanh.

Báo cáo tài chính cho thấy, BVG đã có lịch sử 5 năm lỗ liên tục, tính đến cuối năm 2016 – năm mà công ty cho rằng đã hoàn tất quá trình tái cơ cấu sang lĩnh vực sản xuất cơ khí (khung nhà bằng thép), xây dựng và lập dự án đầu tư, tư vấn đầu tư và dịch vụ tài chính… thì BVG vẫn lỗ lũy kế hơn 56 tỷ đồng – chiếm hơn một nửa vốn điều lệ (97,5 tỷ đồng).

Tương tự, CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Việt Nam (Generalexim, mã chứng khoán: TH1) cũng đã lỗ lớn 2 năm nay. Tính đến cuối quý 3/2017, công ty lỗ lũy kế 140 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp của Công ty là 135,4 tỷ đồng. Tại ĐHĐCĐ công ty thông qua mục tiêu lỗ 10,41 tỷ đồng. Như vậy, nếu kết quả kinh doanh quý 4 không được cải thiện khiến cả năm 2017 công ty thua lỗ cùng với việc lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thì án hủy niêm yết của TH1 là hiện hữu.

Từ một doanh nghiệp được coi là thành công của ngành thương mại với lợi nhuận tốt và nhiều tiềm năng ở khối tài sản khổng lồ, TH1 đã tuột dốc từ năm 2015 đến nay, trong đó ngoài vấn đề liên quan đến các khoản trích lập dự phòng chứng khoán kinh doanh và dự phòng phải thu khó đòi thì còn là vấn đề mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông. TH1 từng có giá 50.000 – 60.000 đồng/cp và nay là 5.900 đồng, không có thanh khoản.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – VietinBank (Mã CK: CTG) vừa ra thông báo bán khoản nợ có tài sản bảo đảm của CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp 1 Việt Nam (Mã CK: TH1 ) với tổng dư nợ hơn 74 tỷ đồng. Trong đó dư nợ gốc 63,9 tỷ và nợ lãi 10,2 tỷ đồng.

Đây là khoản dư nợ cho vay của Vietinbank Chi nhánh TP.Hà Nội đối với TH1 từ năm 2015.

Linh Linh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên