MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu“chết lâm sàng” do thua lỗ

30-09-2022 - 14:33 PM | Thị trường

Qua nhiều tháng cầm cự, kinh doanh thua lỗ do chiết khấu 0 đồng đến vài trăm đồng, đến nay, nhiều cửa hàng, đại lý xăng dầu tại Tiền Giang đã đuối sức, thậm chí “chết lâm sàng”. Điều này nếu không được giải quyết kịp thời có thể dẫn đến việc các đại lý nghỉ hàng loạt, gây đứt gãy nguồn cung.

Ông T., chủ 3 đại lý kinh doanh xăng dầu tại xã Phú Phong (huyện Châu Thành) và xã Tam Bình (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) cho biết, mỗi tháng phải bù tiền điện, nhân viên, bán hàng gần 50 triệu đồng. Việc thua lỗ này kéo dài từ đầu năm đến nay; trong khi đó, nợ ngân hàng phải trả nên lâm vào cảnh hết sức khó khăn. Nếu tình trạng chiết khấu xăng dầu bằng 0 hay vài trăm đồng như hiện nay, có nguy cơ phải dừng kinh doanh, không còn tha thiết với ngành nghề này nữa.

“Bây giờ bán xăng dầu bị lỗ không, lỗ tiền chi phí công nhân với điện nước. Tôi bán chờ gom vốn đóng cho ngân hàng rồi đóng cửa. Hoa hồng thì 0 đồng rồi đến 100 đồng/lít, lúc trước âm tiền vận chuyển luôn. Mình tạo vốn kinh doanh vay cả chục tỷ cầm cố hết đất luôn. Mình ráng cầm cự vài tháng nữa nếu tình hình không ổn sẽ cho thuê hoặc đóng cửa luôn”, ông T., than thở.

Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu“chết lâm sàng” do thua lỗ - Ảnh 1.

Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở tỉnh Tiền Giang cố gắng hoạt động dù không có lãi

Còn bà Nguyễn Thị B. S., chủ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại xã Tân Thanh, huyện Cái Bè cho biết, mỗi tháng cũng bị lỗ gần 100 triệu đồng, đã cố gắng hoạt động trong tình cảnh bù lỗ cho cửa hàng để giữ khách. Từ nay đến cuối năm, nếu mức hoa hồng không được cải thiện thì cũng ngưng kinh doanh ngành hàng này.

“Nguồn cung thì mình cung cấp đầy đủ, không có vấn đề gì. Nhưng bán bị lỗ vì hoa hồng chỉ được chi 100-150 đồng/lít. Bây giờ cố gắng chịu chứ biết làm sao. Mình đâu dám xin nghỉ vì nghỉ sẽ mất mối, từ xưa đến giờ mình sống có nghề này không cũng ráng theo. Cố gắng coi tình hình thế nào chứ lâu dài theo không nổi, chịu đựng không được chắc phải buông”, bà S., chia sẻ.

Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu“chết lâm sàng” do thua lỗ - Ảnh 2.

Môt đại lý xăng dầu tại huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang kinh doanh cầm chừng

Những ngày này, hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trở nên trầm lắng. Nhiều cửa hàng xăng dầu giảm bớt nhân viên, cắt bớt trụ bơm xăng dầu, giảm thời gian bán hàng và không còn nhiệt tình phục vụ khách hàng như trước đây. Đa số các chủ đại lý, cửa hàng cho rằng, bất đắc dĩ mới bán hàng vì ngưng hoạt động sẽ bị xử phạt và mất khách hàng. Kinh doanh thua lỗ kéo dài nhiều tháng qua, nhiều doanh nghiệp, chủ đại lý xăng dầu phải ôm nợ, “chết lâm sàng”. Đối với các thương nhân, đại lý phân phối cấp 2 cũng kinh doanh xăng dầu trong tình trạng "tiến thoái lưỡng nan", dù bị lỗ nhưng phải đảm bảo nguồn cung cho đại lý trực thuộc. Môt số doanh nghiệp còn cho biết, nếu không cứu vãn được tình hình chiết khấu như hiện tại thì doanh nghiệp không còn vốn để tiếp tục kinh doanh, phải đóng cửa và chấp nhận sự chế tài của các ngành chức năng.

Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu“chết lâm sàng” do thua lỗ - Ảnh 3.

Kênh Chợ Gạo- tuyến giao thông thủy có phương tiện qua lại nhiều nhất trong cả nước

Để duy trì hoạt động, đa số các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này đều có chung kiến nghị các Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh giá lại từ 3-5 ngày (tính luôn ngày nghỉ, lễ); nâng mức chiết khấu lên trên 1.500 đồng/lít xăng dầu tại kho và nếu được thì bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu. Vì nếu tình trạng thua lỗ kéo dài trong vài tuần tới, nguy cơ dẫn đến cửa hàng đóng cửa hàng loạt, nguồn cung xăng dầu cho người dân, doanh nghiệp trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh sẽ đứt gãy.

Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu“chết lâm sàng” do thua lỗ - Ảnh 4.

Cửa hàng kinh doanh xăng dầu vắng nhân viên, vắng khách hàng

Ông Đặng Văn Tuấn, Quyền Giám đốc Sở Công Thương thừa nhận, hầu hết các cửa hàng, đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đang bị thua lỗ vì mức hoa hồng quá thấp là thực tế, cũng có nhiều doanh nghiệp nộp đơn xin tạm nghỉ. Tuy nhiên, góc độ địa phương không giải quyết được vấn đề này mà ở cấp Trung ương.

“Tình hình chung là vậy, mình biết họ lỗ thật. Hiện giờ người ta càng bán càng lỗ. Các bộ phải có ý kiến, có cơ chế hoa hồng tối thiểu cho người ta bán chứ làm càng ngày càng lỗ mà bắt người ta bán mãi sao được. Hi vọng là Bộ có chính sách, có hướng giải quyết chứ ép người ta bán lỗ sao được, ví dụ cơ bản một ngày một bữa thì được chứ dài ngày quá”, ông Đặng Văn Tuấn nói.

Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu“chết lâm sàng” do thua lỗ - Ảnh 5.

Một đại lý xăng dầu tại quốc lộ 50 thành phố Mỹ Tho nghỉ nhiều tháng chưa biết ngày tái hoạt động

Tỉnh Tiền Giang có mạng lưới kinh doanh xăng dầu thuốc top lớn của vùng ĐBSCL. Tiền Giang có nhiều quốc lộ 1, quốc lộ 60, 50, 30 và kênh Chợ Gạo, sông Tiền... là đầu mối giao thông thủy bộ, huyết mạch của vùng nên cần lượng xăng dầu phục vụ phương tiện mỗi ngày rất lớn. Trên địa bàn tỉnh có 12 đơn vị cung ứng xăng dầu, trong đó có 7 thương nhân phân phối, 2 thương nhân phân phối nhận ủy quyền, 1 thương nhân xuất nhập khẩu, 1 tổng đại lý, 1 đơn vị thuộc Tập đoàn Petrolimex cùng với hơn 640 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Ở thời điểm này, Tiền Giang đã có 20 cửa hàng bán lẻ xăng dầu xin tạm ngưng bán hàng từ 1 đến 3 tháng với lý do sửa chữa nâng cấp cơ sở. Sở Công Thương Tiền Giang đang tiến hành xác minh cụ thể và không chấp thuận cho tạm ngưng kinh doanh xăng dầu khi không có lý do chính đáng.

Với những khó khăn do mức chiết khấu hoa hồng quá thấp thực tế đang là gánh nặng đối với các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhất là các cửa hàng bán lẽ. Đây là vấn đề “nóng” cần được sự quan tâm, tháo gỡ kịp thời của các Bộ, ngành Trung ương để không xảy ra đứt gãy mặt hàng thiết yếu này, ổn định tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như phạm vi cả nước./.

Nhật Trường

VOV

Từ Khóa:
Trở lên trên