Nhiều đại dự án "đứng hình"
10 dự án lớn ở tỉnh Quảng Nam đang vướng thủ tục đất đai nên chưa thể triển khai theo đúng tiến độ.
Sau khi cầu Cửa Đại hoàn thành, kết nối Đà Nẵng - Hội An với các địa phương phía Nam của tỉnh Quảng Nam vào năm 2016, khu vực vùng Đông của tỉnh này đón một làn sóng đầu tư chưa từng có với hàng loạt dự án du lịch, dịch vụ có mức vốn đầu tư đăng ký từ vài ngàn đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, các siêu dự án này đang vướng thủ tục đất đai nên chưa thể triển khai đúng tiến độ.
Vướng giải phóng mặt bằng
Theo công bố của UBND tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn vùng Đông các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình có 12 dự án đầu tư đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí lớn được cấp phép đầu tư (huyện Duy Xuyên 2 dự án, Thăng Bình 10 dự án). Tuy nhiên, mới chỉ có dự án Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An của Công ty CP Vinpearl (tổng đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng) đưa vào hoạt động các hạng mục khu nghỉ dưỡng ven biển, khu vui chơi giải trí và khu nông nghiệp công nghệ cao (đang triển khai đầu tư hạng mục sân golf 18 lỗ). Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (diện tích 985 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 4 tỉ USD) đang trong quá trình hoàn thành giai đoạn 1, diện tích 270 ha, mức vốn đầu tư khoảng 650 triệu USD; dự kiến hoạt động trong quý I năm nay.
Một góc dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An dự kiến đưa vào khai thác giai đoạn 1 trong quý I/2020
10 dự án còn lại đang vướng thủ tục đất đai nên chưa thể triển khai theo đúng tiến độ. Cụ thể là 5 dự án thương mại, dịch vụ, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao của Công ty CP Tập đoàn BRG (tổng diện tích 369 ha); khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh - PPC của Công ty CP Quốc tế Nam Hội An (174,7 ha, đăng ký vốn 4.300 tỉ đồng); khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương của Công ty CP Đạt Phương (183,87 ha, mức vốn hơn 4.600 tỉ đồng); khu dịch vụ và du lịch nghỉ dưỡng Opal Ocean View của Công ty CP Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh (185 ha, mức vốn hơn 4.600 tỉ đồng); khu nông nghiệp công nghệ cao Đông Quảng Nam của Công ty CP Tập đoàn T&T (278 ha, mức vốn 3.300 tỉ đồng); Thành phố Giáo dục quốc tế Nam Hội An của Công ty CP Đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng (41 ha, mức vốn hơn 1.500 tỉ đồng).
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết các dự án trên đang vướng giải phóng mặt bằng do nằm trong khu vực dân tập trung đông; trở ngại trong việc thỏa thuận bồi thường theo Luật Đất đai; quy định về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất trong địa phận Khu Kinh tế mở Chu Lai chưa rõ ràng; công tác xác nhận nguồn gốc đất khá phức tạp do lịch sử quản lý đất đai tại khu vực này để lại. Theo ông Đặng Phong, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, tỉnh đã có văn bản hỏi ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường về các vướng mắc thủ tục đất đai nhưng chưa nhận được phản hồi bằng văn bản. Tại một số cuộc họp, địa phương nêu vấn đề thì được trả lời "cứ theo đúng luật mà làm". "Việc thu hồi đất đai trong Khu Kinh tế mở Chu Lai nếu nhà nước thực hiện thì sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, khi giao cho doanh nghiệp thu hồi thông qua thỏa thuận thì gặp khó khăn, không làm được" - ông Phong thông tin.
Tập trung tháo gỡ
Ông Lê Trí Thanh cho biết Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã thống nhất chủ trương tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để triển khai thực hiện vì các dự án này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt vùng Đông của tỉnh.
Cũng theo ông Lê Trí Thanh, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các sở - ngành cùng các địa phương phối hợp với doanh nghiệp tập trung tháo gỡ khó khăn, vận động người dân bàn giao mặt bằng để các dự án sớm được triển khai. Ngoài xây dựng hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, UBND tỉnh Quảng Nam cũng triển khai xây dựng nhiều khu tái định cư, bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi của người dân trong vùng dự án. "Khi các dự án vùng Đông đi vào hoạt động sẽ tác động rất lớn đến phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu ngân sách và thu nhập xã hội, góp phần tích cực cho chuyển dịch cơ cấu sang dịch vụ của tỉnh Quảng Nam" - ông Lê Trí Thanh nhìn nhận.
Các doanh nghiệp đầu tư cũng quyết tâm vượt khó để hoàn thành dự án. Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CP Đạt Phương Hội An (công ty con của Công ty Đạt Phương), đến thời điểm này, công ty đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng được khoảng 50% diện tích dự án. "Chúng tôi mong nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự ủng hộ của người dân để sớm có mặt bằng thực hiện dự án" - ông Hùng nói.
Tại dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, những ngày này, công nhân đang gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối cùng của giai đoạn 1 để đưa vào khai thác 1-2 tháng tới. Mảnh đất cát trắng đầy nắng và gió nay đã thật sự thay da đổi thịt với những khu khách sạn, nghỉ dưỡng cao tầng, sang trọng; những con đường rộng được xây dựng thẳng tắp, hai bên đường trồng nhiều loại hoa rất bắt mắt. Ngoài đóng góp cho ngân sách, khu nghỉ dưỡng này theo dự kiến sẽ tạo ra khoảng 4.000 việc làm.
Một dự án giải quyết trên 1.700 lao động địa phương
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An được đưa vào hoạt động năm 2018 đã giải quyết gần 2.100 lao động, trong đó có trên 1.700 lao động địa phương.
Số liệu từ Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho thấy năm 2019, khu phức hợp này đóng thuế vào ngân sách tỉnh gần 40 tỉ đồng (chủ yếu từ hoạt động bán bất động sản, riêng các nguồn thu khác tiền thuế được chuyển về công ty mẹ ở Khánh Hòa).
Người lao động