MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều điểm bị phong tỏa, chợ online ở TPHCM 'hốt bạc' mùa dịch

26-06-2021 - 17:03 PM | Thị trường

Trong thời gian Thành phố phong tỏa do dịch COVID-19, người dân TPHCM cũng chọn cách mua hàng online để hạn chế ra đường.

Nhấp chuột là hàng giao

Khi chợ tự phát ngưng hoạt động, nhiều chợ truyền thống đóng cửa do liên quan COVID-19, siêu thị chỉ cho từng nhóm nhỏ khách vào mua sắm… thì không ít chị em chọn cách mua hàng online, “đi chợ” trên các trang thương mại điện tử (TMĐT) mỗi ngày.

E ngại trong việc đi lại, mua sắm trong mùa dịch COVID-19, chị Đỗ Hà Phương (ngụ Q.6, TPHCM) đã lựa chọn hình thức mua sắm trực tuyến để tránh phải tiếp xúc với nhiều người. “Trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, mình thấy mua sắm online là lựa chọn tối ưu vì vẫn mua được hàng mình cần mà không phải ra tận cửa hàng, không phải chen chúc xếp hàng thanh toán…. Chỉ cần ngồi nhà, truy cập ứng dụng, lựa mặt hàng mình thích, thanh toán qua mạng và sẽ được giao hàng tận nơi” – chị Phương chia sẻ.

 Nhiều điểm bị phong tỏa, chợ online ở TPHCM hốt bạc mùa dịch  - Ảnh 1.

Khách hàng ngồi nhà vẫn mua sắm, đi chợ mỗi ngày

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy trong các tháng đầu năm, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng lương thực tăng 4,51% so với năm trước, các mặt hàng thực phẩm thì tăng 12,28% so với năm trước, trong đó riêng giá thịt heo tăng 57,23%, giá thuốc và thiết bị y tế tăng 1,35%.Hàng ngày, chị Thu Thủy (ngụ Q.Tân Bình, TPHCM) đều lướt web “đi chợ”. Nào rau củ, thịt cá, trái cây… muốn tươi hay chế biến sẵn đều có, chay mặn đều sẵn sàng. “Hàng hóa đều niêm yết giá rõ ràng, ưng món nào chỉ cần click chuột, hàng vào giỏ là giao tận nơi. Tôi có thể chọn cách trả tiền qua thẻ hoặc trả tiền mặt"- chị Thuỷ chia sẻ. Quen mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, chị Thủy còn đặt cả mâm ngũ quả, đồ cùng ngày rằm…

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), dịch COVID-19 đang làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm. Người tiêu dùng tiến hành mua sắm trực tuyến nhiều hơn, số người chọn hình thức mua sắm trực tuyến tăng nhanh trong nửa đầu năm 2021, khi dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp và lan rộng. Đại đa số người tiêu dùng hướng đến lối sống có lợi cho sức khỏe, ưu tiên chọn những mặt hàng thiết yếu (đặc biệt là thực phẩm), sản phẩm giúp chăm sóc sức khỏe, tăng sức đề kháng...

Các sàn chạy đua phục vụ “Thượng đế”

Thông tin từ sàn thương mại điện tử Shopee cho thấy, từ đầu tháng 5/2021 tới nay, sức mua trên sàn này tăng đáng kể so với trước đó. Đặc biệt, sau hơn 3 tuần các địa phương thực hiện giãn cách xã hội (từ ngày 31/5 đến nay) theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Chính phủ, Shopee nhận thấy lượng giao dịch trên sàn vẫn tăng trưởng, đồng thời số lượng người dùng chuyển sang mua sắm các mặt hàng thiết yếu trên sàn có sự gia tăng đáng kể. Điều này thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu đối với tất cả các danh mục ngành hàng, nổi bật là các mặt hàng thời trang, tiêu dùng nhanh, thực phẩm khô, đồ dùng cho mẹ và bé, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp; đồ điện tử và đồ dùng gia đình.

“Trong thời gian diễn ra dịch COVID - 19, người dân được khuyến khích ở nhà và thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, chúng tôi thấy nhiều người Việt Nam chuyển sang sử dụng các nền tảng trực tuyến cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của họ, thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu đối với tất cả các danh mục ngành hàng” – đại diện Shopee Việt Nam cho biết.

Tương tự, ghi nhận của Lazada cũng cho thấy, trong 30 ngày qua đã có hơn 12 tấn thịt gà, 7 tấn thịt heo và 6 tấn trái cây được bán ra qua nền tảng này. Theo Lazada, các mặt hàng tiêu dùng nhanh chiếm ưu thế vượt trội trong nhu cầu tìm kiếm trên thương mại điện tử. Cụ thể từ đầu tháng 6 tới nay các từ khoá được tìm kiếm thuộc nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) ghi nhận sự tăng trưởng cao nhất toàn sàn, trong đó các từ khoá của nhóm hàng bách hóa, thực phẩm nổi bật hơn hết với mức tăng lên tới 40%.

 Nhiều điểm bị phong tỏa, chợ online ở TPHCM hốt bạc mùa dịch  - Ảnh 2.

Các sàn thương mại điện tử chạy đua phục vụ khách mùa dịch


“Mua sắm thực phẩm tươi sống trên thương mại điện tử đã trở thành một xu hướng mới. Sau hàng loạt các biện pháp giãn cách được ban hành trên nhiều tỉnh thành nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, việc mua sắm hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm tươi sống, đã trở thành một thói quen mới của người tiêu dùng Việt. Chúng tôi ghi nhận số lượng người mua và sức mua mỗi ngày (bao gồm số lượng đơn hàng và số lượng sản phẩm bán ra) đều tăng gần 70%. Xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trải dài khắp các mặt hàng từ rau củ, thịt cá và trái cây tươi, đặc biệt là nho, táo, vải thiều”- đại diện của Lazada chia sẻ.


Phía Tiki thông tin, xu hướng tìm kiếm của người tiêu dùng trên Tiki cũng có dấu hiệu tăng rõ rệt ở những nhóm ngành hàng, sản phẩm phục vụ cho công việc và hoạt động của bản thân và gia đình trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Cụ thể là những ngành hàng như: hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm, hàng tươi sống, nhà cửa đời sống, mẹ và bé, dụng cụ thể thao, hàng điện tử và phụ kiện.

Trong thời kỳ dịch bệnh, các nền tảng cũng phải bảo đảm an toàn cho nhân viên làm việc tại kho lẫn nhân viên giao hàng. Đây là nhóm đối tượng làm việc toàn thời gian để đáp ứng nhu cầu gia tăng trong giai đoạn giãn cách.

Đối với việc giao hàng cho khách trong mùa dịch, Lazada đã triển khai việc giao hàng không tiếp xúc, đẩy mạnh việc thanh toán thông qua các kênh gián tiếp như: hình thức trả trước, ZaloPay...

Không chỉ vậy, sàn này còn liên tục áp dụng các chương trình giảm giá sốc theo ngày, giờ với nhiều nhóm hàng thực phẩm, tiêu dùng nhanh, thực phẩm khô, thậm chí cả thịt heo tươi, cá, trứng, rau củ, trái cây... thu hút khách săn sale từ những gói mì tôm đến chai nước mắm, ký thịt, trứng sữa...

Sở Công thương TPHCM cũng nhận định người dân tại TPHCM không còn tâm lý tích trữ hàng hóa, hạn chế đến mua trực tiếp tại siêu thị mà chuyển sang hình thức mua hàng trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada hoặc mua hàng trực tuyến của các siêu thị lớn, nhận hàng tại nhà.


Theo Phương Uyên

Tiền Phong

Trở lên trên