MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm khả quan, thậm chí tăng bằng lần

14-07-2020 - 11:53 AM | Doanh nghiệp

Mặc dù vẫn còn nhiều quan ngại và khó khăn, đặc biệt sự giao thương trên thế giới còn bị siết chặt do dịch, nhiều đơn vị vừa công bố ước tính kết quả nửa đầu năm với những con số khả quan, nếu không nói là ấn tượng.

Với công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tích cực, Việt Nam sớm bước vào giai đoạn bình thường mới, doanh nghiệp cũng tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại. Mặc dù vẫn còn nhiều quan ngại và khó khăn, đặc biệt sự giao thương trên thế giới còn bị siết chặt do dịch, nhiều đơn vị vừa công bố ước tính kết quả nửa đầu năm với những con số khả quan, nếu không nói là ấn tượng.

Đáng kể nhất, Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) trong quý 2/2020 ước lãi sau thuế đạt khoảng 397 tỷ đồng, gấp 53 lần cùng kỳ. Kinh doanh trong ngành với từ khóa khá "hot" hiện nay là "thịt lợn", Dabaco ghi nhận 2 quý liên tiếp lãi đột biến. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Công ty ước lãi sau thuế đạt khoảng 744 tỷ đồng, gấp 27 lần so với thực hiện nửa đầu năm ngoái và vượt 63% kế hoạch.

Tại buổi đánh giá hoạt động mới đây, ban lãnh đạo Dabaco nhận định tình hình kinh tế xã hội còn khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Thời tiết thay đổi khiến cho dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước và có nguy cơ lan rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc tổ chức nuôi tái đàn. Nửa năm sau, Công ty dự kiến triển khai thủ tục các dự án Khu chăn nuôi lợn tại Thanh Hóa, Hòa Bình và Bình Phước.

Trên thị trường, cổ phiếu DBC liên tục tăng nóng, từ vùng giá 14.000 đồng/cp (tháng 4/2020) đã tăng gấp 3 lần lên 45.750 đồng/cp (chốt phiên 14/7/2020).

Nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm khả quan, thậm chí tăng bằng lần - Ảnh 1.

Cũng là cái tên được "nhắc đến" nhiều trong giới đầu tư khi liên tục tăng trưởng sau thời gian khó khăn, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vừa công bố kết quả kinh doanh ước tính trong tháng 6/2020 với doanh thu 2.121 tỷ đồng và lãi sau thuế 105 tỷ đồng. Như vậy quý 3 niên độ 2019-2020 (từ ngày 30/9/2019 đến 1/10/2020), HSG ước đạt doanh thu 6.825 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng đến 91% lên 307 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng đầu niên độ 2019-2020, Tập đoàn ước đạt doanh thu 19.189 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 690 tỷ đồng, tăng 149% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả đó, HSG đã thực hiện được 69% chỉ tiêu doanh thu và vượt 72% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Theo HSG, kết quả kinh doanh này là khả quan trong bối cảnh kinh tế đang bị tác động bởi đại dịch Covid-19 và nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngày 8/8 tới đây Tập đoàn sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường thông qua việc phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược. Theo chia sẻ của đại diện Công ty, giá phát hành dự kiến sẽ căn cứ vào giá thị trường và giá trị sổ sách thời điểm chào bán. Hiện, thị giá HSG đang ở mức 11.850 đồng/cp – tăng gấp 3 lần chỉ sau hơn 3 tháng giao dịch.

Nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm khả quan, thậm chí tăng bằng lần - Ảnh 2.

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng công bố sản lượng bán hàng thép xây dựng các loại trong tháng 6/2020 đạt hơn 252.000 tấn, tăng gần 36% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng thành phẩm đạt 39.508 tấn, tăng 2,6 lần. Thị trường miền Nam vẫn là khu vực có sản lượng bán hàng tăng trưởng mạnh nhất với gần 65.000 tấn, tăng gần gấp đôi so với tháng 6/2019. Tiếp đó là khu vực miền Trung đạt 38.533 tấn tăng gần 21%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, HPG đã cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước 1,51 triệu tấn thép xây dựng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng khu vực miền Nam tăng gần gấp 2 lần với 357.000 tấn. Xuất khẩu thép xây dựng thành phẩm đạt gần 203.000 tấn, tăng hơn 67% sang các thị trường chính gồm Nhật Bản, Úc, Canada, Thái Lan, Campuchia, Malaysia…

Tương ứng, HPG ghi nhận lãi khoảng 2.700 tỷ đồng trong quý 2/2020. Đây là quý có kết quả tốt nhất trong lịch sử của HPG, mặc dù cả nước thực hiện cách ly xã hội trong phần lớn thời gian tháng 4. Lũy kế 6 tháng đầu năm, HPG ước lãi sau thuế khoảng 5.000 tỷ đồng, tăng 30% so cùng kỳ. Với kết quả này, HPG đã thực hiện 56% kế hoạch lợi nhuận năm 2020.

Nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm khả quan, thậm chí tăng bằng lần - Ảnh 3.

Công bố lợi nhuận tăng trưởng bằng lần còn có Cao su Phước Hòa (PHR) với mức lãi sau thuế công ty mẹ gần 257 tỷ đồng, gấp hơn 4,3 lần quý 2/2019. Kết quả này có được nhờ phát sinh khoản lãi khác gần 317 tỷ đồng, tăng 526% so cùng kỳ thông qua khoản tiền đền bù đất dự án Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên.

Trong khi đó, doanh thu quý 2/2020 của Công ty mẹ ghi nhận ở mức 144 tỷ đồng, giảm 33% so cùng kỳ. Lợi nhuận từ hoạt động tài chính cũng giảm 79% so với quý 1/2019, chủ yếu do giảm thu từ cổ tức.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Công ty mẹ PHR đạt doanh thu thuần gần 316 tỷ đồng, giảm 18% so cùng kỳ; lãi sau thuế gần 395 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ.

Nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm khả quan, thậm chí tăng bằng lần - Ảnh 4.

Một "ông lớn" khác, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ, DPM) cho biết sản lượng sản xuất và kinh doanh phân bón, hóa chất trong trong 6 tháng đầu năm 2020 tiếp tục tăng trưởng, trong khi giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh so với cùng kỳ.

Trong đó, các nhà máy sản xuất phân bón và hóa chất được vận hành hiệu quả, sản lượng đạt cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (khi mà cụm thiết bị NH3 phải bảo dưỡng kéo dài trong 72 ngày). Sản lượng sản xuất của Nhà máy Đạm Phú Mỹ và Nhà máy NPK trong 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 484 ngàn tấn, tăng 60% so với cùng kỳ.

Một trong những tín hiệu mới khác cho ngành, năm 2020 các nhà sản xuất phân bón tiếp tục đề xuất với Quốc hội về việc thay đổi thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón từ không chịu thuế sang chịu 5% thuế GTGT. Nếu được thông qua, doanh nghiệp phân bón có thể được hoàn 10% thuế GTGT cho giá vốn hàng bán, hỗ trợ tình hình tài chính của họ.

Tình hình tiêu thụ cũng khả quan với tổng sản lượng tiêu thụ các mặt hàng phân bón trong kỳ ước đạt khoảng 550 ngàn tấn, tăng 29% so với cùng kỳ.

Kết quả, tổng doanh thu nửa đầu năm ước đạt 4.040 tỷ đồng, thực hiện 44% kế hoạch năm và tăng 14% so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế ước đạt khoảng 425 tỷ đồng, thực hiện 83% kế hoạch năm và tăng 4,2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu đạt thấp hơn trong khi lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu do DPM đã kiểm soát các khoản chi phí; đặc biệt là yếu tố thuận lợi về nguồn khí đầu vào (giá dầu FO giảm và Công ty đã đạt được các thỏa thuận và được các cấp thẩm quyền ủng hộ liên quan tới nguồn khí và cước phí vận chuyển cho năm 2019 và 2020). Cổ phiếu DPM trên thị trường cũng tăng khá tốt, hiện đang giao dịch tại vùng giá 15.000 đồng/cp.

Nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm khả quan, thậm chí tăng bằng lần - Ảnh 6.

Hay nhóm ngành hưởng lợi từ nhu cầu khẩu trang, đồ bảo hộ… Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) vừa công bố ước doanh thu tháng 6/2020 vào khoảng 380 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng gần 40 tỷ đồng. Tính chung cả quý 2, TCM ghi nhận doanh thu vào mức 920 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 76,5 tỷ đồng, tăng 46%.

Nói về kết quả này, ban lãnh đạo Công ty cho biết hiện các nhà máy đều hoạt động 100% công suất, không công nhân nào nghỉ làm. Trong tháng 5 và tháng 6/2020, Công ty đã xuất được nhiều đơn hàng khẩu trang vải kháng khuẩn và đồ bảo hộ y tế sang Mỹ với doanh thu và lợi nhuận tương đối tốt, nhờ đó mà bù đắp được sự thiếu hụt đơn hàng truyền thống trong quý 2/2020. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn để vượt qua khó khăn trong mùa dịch Covid-19 nhằm đảm bảo công việc và thu nhập cho người lao động.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, TCM ghi nhận doanh thu khoảng 1.685 tỷ đồng, thực hiện 93% kế hoạch; lợi nhuận ước đạt 109 tỷ đồng, vượt 17% kế hoạch và giảm 7% so với cùng kỳ.

Bảo An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên