Nhiều doanh nghiệp giảm đơn hàng
Dệt may là một trong những ngành hàng gặp nhiều khó khăn về đơn hàng.
Thông tin từ Bộ Công thương, 6 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ giảm 22,6%, EU giảm 10,1%; Trung Quốc giảm 2,2%; Hàn Quốc giảm 10,2%; Nhật Bản giảm 3,3%; ASEAN giảm 8,7%...
- 13-07-2023Một loạt DN công bố KQKD quý 2/2023, CTCK dự báo mức thay đổi "sốc" tại Gemadept, Hoà Phát, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau...
- 13-07-2023Các khoản nợ tiềm tàng của EVN được kiểm toán nêu ra bao gồm những gì?
- 13-07-2023Thấy gì từ thương vụ Thomson Medical Group bỏ hơn 9.000 tỷ đồng “tiền tươi” vào bệnh viện FV?
Trong khi đó, theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 2/2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy 24,9% số DN có đơn đặt hàng quý 2/2023 cao hơn quý 1/2023; trong khi đó có tới 36,2% số DN cho biết có đơn đặt hàng giảm. Xu hướng quý 3 so với quý 2 có 32,2% số DN dự kiến có đơn hàng tăng lên; 26,3% số DN dự kiến đơn hàng giảm.
Trên thực tế, số DN thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, dẫn đến nhiều lao động mất việc làm. 5 tháng đầu năm 2023, đã có 509.903 người lao động chiếm khoảng 3,4% tổng số lao động trong DN bị ảnh hưởng việc làm như mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương. Trong đó, số lao động bị mất việc, thôi việc là 279.409 người, chiếm 54,79%.
Tại tọa đàm "Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới", PGS Phạm Thế Anh (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng nền kinh tế còn rất nhiều khó khăn. Đáng chú ý, một trong những nguy cơ Việt Nam đang phải đối mặt không chỉ là suy giảm cầu tiêu dùng hàng hóa từ nước ngoài mà là nguy cơ mất đơn hàng, liên quan đến các quy định về sản xuất xanh, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường.
Theo ông Thế Anh, nhiều DN trong nước vẫn dựa chủ yếu vào gia công, nhập khẩu nguyên vật liệu rất nhiều từ bên ngoài. Do vậy, tồn tại nhiều vướng mắc trong các quy định về xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế. Chi phí nhân công của Việt Nam hiện nay trước đây rất cạnh tranh so với nhiều quốc gia trong khu vực nhưng hiện nay cũng đang dần mất đi.
Để cải thiện, việc kích cầu rất cần đến các chính sách kịp thời, khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay, đồng thời sử dụng tín dụng thuế đầu tư ngắn hạn. Cùng với đó là tiếp tục thúc đẩy nhanh đầu tư công, có hình thức kích thích tiêu dùng thông qua giảm thuế hàng thiết yếu, nâng mức thu nhập chịu thuế, trợ cấp an sinh xã hội.
Còn theo Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Việt Phong cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường và ngành hàng truyền thống. Trong khi đó ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, cần có cơ chế đặc biệt để sớm hoàn thuế cho DN sau khi xuất khẩu đơn hàng; nghiên cứu, giảm có thời hạn mức thuế thu nhập DN với các đơn vị xuất khẩu. Những giải pháp này nếu được thực hiện sẽ giải phóng lượng vốn bị đọng cho DN, góp phần phục hồi, phát triển sản xuất.
Đại đoàn kết