MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều doanh nghiệp “gục ngã” do tồn kho

05-08-2016 - 11:17 AM | Doanh nghiệp

Sự kiện Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã chứng khoán TTF) bị thất thoát 980 tỷ đồng hàng tồn kho trong quá trình kiểm kê đã gióng lên một hồi chuông báo động đối với hoạt động quản trị tại các doanh nghiệp. Thực tế, Gỗ Trường Thành không phải trường hợp đầu tiên khốn đốn với hàng tồn kho.

Hàng tồn kho “biến mất”

Khác với Gỗ Trường Thành, hàng tồn kho của một số doanh nghiệp đôi khi “bốc hơi” một cách hết sức khó hiểu mà không có lời giải thích nào thỏa đáng.

Còn nhớ quý IV/2014, Công ty CP Việt An (Anvifish) bỗng dưng gây tiếng vang trên thị trường chứng khoán với khoản lỗ kỷ lục lên tới 735 tỷ đồng. Nguyên nhân được Công ty cho biết là do thực hiện kiểm kê, đánh giá lại giá trị thực thành phẩm tồn kho và chi phí dở dang vùng nuôi. Kết quả, từ 512 tỷ đồng hàng tồn kho đầu năm, đến cuối năm 2014, giá trị hàng tồn kho của Anvifish chỉ còn gần 16 tỷ đồng. Số liệu có chênh lệch một chút sau kiểm toán, nhưng không đáng kể.

Vấn đề đặt ra là, ngay cả khi Công ty bán hàng dưới giá vốn, cũng không đủ cơ sở để giải thích cho mức giảm hơn 500 tỷ đồng của khoản mục hàng tồn kho (từ 572 tỷ đồng xuống còn 19 tỷ đồng - căn cứ báo cáo kiểm toán 2014 của Anvifish). Cả năm 2014, doanh thu bán hàng và giá vốn hàng bán ghi nhận của Công ty chỉ lần lượt là 155 tỷ đồng và 191 tỷ đồng. Và kỳ lạ hơn, khoản lỗ khổng lồ của Anvifish dường như không đến từ hàng tồn kho, mà là ở hoạt động khác không được Công ty công bố cụ thể.

Những đối tượng chịu tổn thất nặng nề nhất trong vụ việc của Anvifish chính là người lao động và các cổ đông của Công ty. Cổ phiếu AVF lừng lẫy một thời, sau khoản lỗ 912 tỷ đồng năm 2014 (số liệu báo cáo kiểm toán), đã bị hủy niêm yết và chuyển sang giao dịch trên sàn UpCOM. Tuy nhiên, không có cá nhân, tổ chức nào chịu trách nhiệm cho những tổn thất nặng nề nói trên. Hiện tại AVF đang được giao dịch èo uột tại UpCOM với mức giá 400 đồng/CP. Tài sản của cổ đông Anvifish gần như đã về con số không.

Trong báo cáo tài chính, hàng tồn kho là khoản mục mà nhà đầu tư đại chúng khó có khả năng kiểm chứng.

Không kém phần ly kỳ là trường hợp của Công ty CP Thủy hải sản Việt Nhật (mã chứng khoán VNH), một công ty có vốn điều lệ 80 tỷ đồng. Năm 2012, Việt Nhật lỗ ròng 9,6 tỷ đồng với nguyên nhân chính là xử lý hàng kém phẩm chất (lỗ 11,5 tỷ đồng). Cũng với lý do này, năm 2013, Công ty báo lỗ 38,3 tỷ đồng nhưng may mắn thoát lỗ cả năm nhờ hoạt động khác (thanh lý nhà xưởng). Đến năm 2014, vẫn điệp khúc xử lý hàng kém phẩm chất, Việt Nhật lỗ ròng 43,5 tỷ đồng. Theo tính toán của chúng tôi, chỉ riêng việc đánh giá lại hàng tồn kho, trong 3 năm liên tiếp từ 2012 - 2014, khoản lỗ của doanh nghiệp này đã lên tới 83,7 tỷ đồng. Một lượng tài sản lớn hơn vốn điều lệ đã bốc hơi chỉ với một nghiệp vụ “đánh giá lại”.

Đằng sau vụ việc

Một điều dễ nhận thấy, trong báo cáo tài chính, hàng tồn kho là khoản mục mà nhà đầu tư đại chúng khó có khả năng kiểm chứng. Những vụ việc khó hiểu như với Anvifish hay Thủy hải sản Việt Nhật đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng, cho dù cổ đông của các công ty này đã từng lên tiếng mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông về những khuất tất trong việc quản trị doanh nghiệp. Mọi việc cứ thế chìm vào quên lãng, tài sản của cổ đông vẫn bay hơi khi giá cổ phiếu lao dốc.

Trong cuộc ĐHĐCĐ thường niên 2015 của Công ty CP MT Gas, con số chênh lệch hàng tồn kho 6,2 tỷ đồng đã được đưa ra bàn luận sôi nổi. Những mâu thuẫn nội bộ của Công ty vì vậy cũng được hé lộ. Được biết, kiểm toán đã từ chối đưa ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính 2014 của MT Gas (là nguyên nhân khiến cổ phiếu MTG của Công ty bị hủy niêm yết) do những sai lệch nói trên. Tại ĐHĐCĐ, lãnh đạo MT Gas cho biết đang nhờ các cơ quan chức năng can thiệp để thu hồi 6,2 tỷ đồng đối với cựu Tổng giám đốc Công ty. Vị cựu Tổng giám đốc này, theo đại diện MT Gas cho biết, đã nhận trách nhiệm về chênh lệch nói trên, nhưng chỉ đồng ý đền bù 1,2 tỷ đồng.

Sự việc nói trên cho thấy, cá nhân lãnh đạo một doanh nghiệp có thể không quá khó khăn khi can thiệp vào việc quản lý hàng tồn kho, hạch toán trên sổ sách. Những chênh lệch có thể có, về mặt lý thuyết, sẽ phải do một cá nhân hoặc nhóm quản lý chịu trách nhiệm. Tại các doanh nghiệp sản xuất, giá trị hàng tồn kho lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, không ngoại trừ, sẽ liên quan trực tiếp đến lợi ích của một số cá nhân hoặc nhóm nào đó trong doanh nghiệp.

Nhà đầu tư, rất tiếc, lại hoàn toàn thụ động, đứng ngoài câu chuyện, cho dù đó là đối tượng dễ tổn thương nhất!

Theo Đan Nguyên

Báo Đấu thầu

Trở lên trên