Nhiều doanh nghiệp hàng trăm năm tuổi sa lầy, cận kề phá sản, 1/5 sản lượng công nghiệp biến mất: Chuyện gì đang xảy ra với nền kinh tế lớn nhất Châu Âu?
Việc Trung Quốc từ thị trường nhập khẩu béo bở bất ngờ trở thành đối thủ cạnh tranh với dòng lũ hàng giá rẻ đã làm đảo lộn mọi thứ tại Đức.
- 01-11-2024Một cổ phiếu tăng ngoạn mục 7.000% khi công ty hồi sinh từ bờ vực phá sản, Phố Wall nhất loạt "quay xe"
- 09-10-2024Số lượng doanh nghiệp phá sản ở Nhật Bản tăng kỷ lục
- 01-10-2024Doanh nghiệp EU một lần nữa cho thấy sự phụ thuộc vào hàng Trung Quốc: Lo sợ phá sản, các nhà sản xuất sơn đồng loạt kêu gọi 'nghĩ lại' mức thuế cao chót vót lên hàng Made in China
Trong hơn 30 năm làm nghề tài cấu trúc doanh nghiệp, chuyên gia tư vấn Andreas Ruter của AlixPartners đã chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng, từ bong bóng dotcom, khủng bố 11/9 cho đến đại dịch Covid-19. Thế nhưng những gì đang diễn ra hiện nay tại Đức lại là điều "chưa từng có và khác biệt hoàn toàn về quy mô".
Cả 3 ngành quan trọng là sản xuất ô tô, công nghiệp hóa chất và kỹ thuật của Đức đều đang khủng hoảng và suy thoái cùng lúc. Nhu cầu tái cấu trúc doanh nghiệp vì vỡ nợ nhiều đến mức AlixPartners buộc phải từ chối một số khách hàng tiềm năng.
Theo Financial Times (FT), nền kinh tế lớn nhất Châu Âu trong năm qua đang chìm dần vào khủng hoảng khi không có bất kỳ sự tăng trưởng GDP thực tế (Real) có ý nghĩa nào kể từ cuối năm 2021. Trong khi đó GDP danh nghĩa thường niên lại đang hướng đến năm giảm thứ 2 liên tiếp.
Sản xuất công nghiệp của Đức, không bao gồm mảng xây dựng, đạt đỉnh năm 2017 và đã giảm 16% kể từ đó đến nay.
Số liệu chính thức mới nhất thì cho thấy đầu tư của doanh nghiệp đã giảm trong 12/20 quý gần nhất, hiện đang ở mức thấp nhất tương đương với thời kỳ đầu đại dịch Covid-19. Ngoài ra, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng giảm mạnh.
Hãng tin CNN cho hay kinh tế Đức năm 2023 đã suy giảm lần đầu tiên kể từ hậu đại dịch Covid-19 và tình hình tăng trưởng năm nay cũng không khả quan.
Dự báo mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy tăng trưởng của Đức trong năm nay sẽ đi ngang, thuộc hàng thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn, và trong năm tới sẽ chỉ đạt 0,8%. Trong số các nền kinh tế giàu có thì chỉ có Italy là có tốc độ tăng trưởng thấp như vậy.
Con tàu trong cơn bão
Nước Đức vốn là cường quốc trong lĩnh vực sản xuất ở Châu Âu nhưng mọi thứ có vẻ lại đang ảm đạm. Hãng xe nổi tiếng Volkswagen của Đức đã lần đầu tiên cảnh báo về khả năng đóng cửa nhà máy trên chính quê nhà, đồng thời với đó là sa thải 10% lao động.
Tập đoàn 212 tuổi Thyssenkrupp từng là biểu tượng sức mạnh công nghiệp Đức thì nay đang sa lầy với khả năng phải sa thải hàng nghìn lao động.
Nhà sản xuất lốp xe Continental thì đang tìm cách loại bỏ mảng kinh doanh ô tô trị giá 20 tỷ Euro đang gặp khó khăn của mình.
Vào tháng 9/2024, xưởng đóng tàu 225 năm tuổi Meyer Werft đã phải nhờ đến khoản cứu trợ 400 triệu Euro của chính phủ để thoát phá sản trong gang tấc.
Chuyên gia kinh tế trưởng Robin Winkler của Deutsche Bank thậm chí đã phải thừa nhận sự sụt giảm ngành công nghiệp Đức là minh chứng "suy thoái rõ rệt nhất" kể từ hậu Thế chiến II.
"Mô hình kinh doanh của Đức đang gặp nguy hiểm trầm trọng, không phải trong tương lai mà là ngay hiện tại", Chủ tịch Siegfried Russwurm của Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) cảnh báo khi 1/5 sản lượng công nghiệp Đức có thể biến mất vào năm 2030.
Theo nhiều doanh nghiệp, khó khăn hiện nay của kinh tế Đức là do chi phí năng lượng cao, thuế doanh nghiệp và chi phí lao động không hề rẻ, đi kèm với đó là bộ máy hành chính công cồng kềnh.
Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề đi kèm với cơ sở hạ tầng xuống cấp sau nhiều thập kỷ đầu tư không đủ cũng khiến mọi chuyện phức tạp hơn.
Cục thống kê Đức cho hay người tiêu dùng nước này đang tiết kiệm đến 11,1% tổng thu nhập khả dụng, cao gấp đôi so với Mỹ, do lo ngại về nền kinh tế vĩ mỗ, qua đó làm cản trở tăng trưởng và tạo thành vòng luẩn quẩn.
Theo FT, gần 2/3 tổng kim ngạch nhập khẩu của Đức đến từ Liên minh Châu Âu (EU) và GDP của Đức chiếm đến ¼ của EU. Bởi vậy nếu kinh tế Đức gặp khó thì toàn khu vực Châu Âu sẽ chịu ảnh hưởng.
"Trong suốt 15 năm qua, nền kinh tế Đức giống như một con tàu ra khơi trong bão và giờ nó đang phải đối mặt với luồng gió ngược rất mạnh", Chủ tịch Clemens Fuest của Ifo nhận định.
Đảo lộn
Vào tháng 5/2024, tập đoàn hóa chất Anh Venator đã đóng cửa có sở duy nhất sản xuất Titan Dioxide của họ tại Đức, sa thải đến 350 nhân viên. Trên thực tế không riêng gì Venator, những nhà máy hóa chất bên sông Rhine ở Krefeld vốn đã tồn tại từ năm 1877 thì nay ngày càng trở nên ảm đạm bởi vì Trung Quốc.
Giám đốc điều hành Mahomed Maiter của Venator cho hay các cơ sở hóa chất tại Đức đã không còn khả thi về mặt tài chính dù đây là một trong những ngành sản xuất lớn nhất của Đức.
Tổng sản lượng sản xuất hóa chất của Đức đã giảm 18% so với năm 2018.
Bên cạnh nguyên nhân giá năng lượng tăng thì một phần lý do rất lớn đến từ dòng lũ sản phẩm dư thừa giá rẻ từ Trung Quốc khiến các nhà máy hóa chất tại Đức không trụ vững nổi, tương tự như những gì diễn ra trong ngành thép, tấm pin năng lượng mặt trời hay xe điện.
Mùa hè năm 2024, EU đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng CEO Maiter nhận định "đã quá muộn".
"Các doanh nghiệp Trung Quốc đã trở thành đối thủ với những tập đoàn Đức", chuyên gia kinh tế trưởng Carsten Brzeski của Dutchbank cho biết.
Tờ FT cho hay mối quan hệ đảo lộn của Đức với Trung Quốc đang tác động ngược lại mô hình kinh tế lớn nhất Châu Âu này. Việc thị trường béo bở Châu Á bất ngờ trở thành đối thủ sản xuất theo đúng nghĩa đen đang đe dọa đến nền kinh tế Đức.
Năm 2020, Trung Quốc chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đức thì đến năm nay, con số chỉ còn 5%.
"Thay vì nhập khẩu hàng hóa của Đức như trước đây thì các nhà sản xuất Trung Quốc đã trở thành đối thủ cạnh tranh", chuyên gia kinh tế học Elke Speidel-Walz của DWS cho biết.
Thay đổi lớn nhất có thể dễ thấy là ngành công nghiệp ô tô. Trong suốt 20 năm, Trung Quốc là thị trường béo bở cho các dòng xe Đức với lợi nhuận lớn từ 1,4 tỷ dân.
Thế nhưng giờ đây với cuộc cách mạng xe điện, những thương hiệu xe điện nội địa như BYD, Nio và Xpeng đã dần thay thế VW, Mercedes-Benz và BMW. Sự tinh vi về công nghệ, giá rẻ, thiết kế đẹp và trợ cấp của chính phủ với xe điện đã chấm dứt thời kỳ hoàng kim của xe Đức tại Trung Quốc.
Thậm chí tại quê nhà, xe Đức cũng không có gì chắc chắn. Dù được bảo vệ bởi thương hiệu mạnh, hàng rào thuế quan 45% với xe điện Trung Quốc nhưng số liệu của Hiệp hội công nghiệp ô tô Đức lại cho thấy tình hình khác.
Sản lượng xe Đức đạt đỉnh năm 2016 với 5,7 triệu chiếc và giảm dần xuống còn 4,1 triệu chiếc năm 2023, tương đương mức giảm ¼. Tổng số việc làm đã mất trong ngành ô tô Đức kể từ năm 2018 đến nay là 64.000 người, tương đương 8% tổng số nhân viên toàn ngành, đó là chưa kể hàng chục nghìn lao động khác có nguy cơ mất việc khi các hãng xe Đức như Volkswagen đóng cửa nhà máy.
Tồi tệ hơn, việc dịch chuyển sang xe điện nghĩa là chuỗi cung ứng ô tô xăng sẽ phải thay đổi dù ngành này tuyển dụng nhiều lao động. Xe điện cần ít bộ phận hơn nhiều so với xe có động cơ đốt trong nên chắc chắn làn sóng sa thải sẽ diễn ra.
"Đức có thế mạnh về công nghệ truyền động và động cơ đốt trong. Thật không may là chúng đang bị thay thế dần bởi xe điện", CEO Holger Klein của nhà cung ứng linh kiện ô tô lớn thứ 2 Đức- ZF Friedrichshafen, thừa nhận.
Hiện ZF Friedrichshafen đang dự báo mức giảm 12% doanh số và 40% lợi nhuận hoạt động do lo ngại những biến động trên thị trường. Tập đoàn này cũng có kế hoạch sa thải 14.000 việc làm tại Đức.
*Nguồn: FT
Nhịp sống thị trường