Nhiều doanh nghiệp kêu "khó" với kiểm tra chuyên ngành
59% doanh nghiệp xuất nhập khẩu được khảo sát trong năm 2022 nói với VCCI rằng họ từng gặp ít nhất một khó khăn nào đó khi tuân thủ các thủ tục làm kiểm tra chuyên ngành.
- 22-11-2021Từ vụ “tắc” hơn 22.000 hộp sữa viện trợ: Công tác kiểm tra chuyên ngành cần thay “áo mới"
- 24-12-2020Điểm sáng trong công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu
- 25-09-2020Doanh nghiệp tiết kiệm 38 triệu đô mỗi năm nhờ "cởi trói" kiểm tra chuyên ngành
Theo khảo sát mới công bố của nhóm nghiên cứu thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện trên nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thường xuyên có các hoạt động khai báo làm thủ tục hành chính, hải quan trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, có 59% doanh nghiệp cho biết họ từng gặp ít nhất một khó khăn khi thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Theo các doanh nghiệp này, họ thường gặp rắc rối vì thủ tục kiểm tra chồng chéo, lặp đi lặp lại, thái độ của người thực hiện không đúng mực, thường bị yêu cầu thêm các giấy tờ, hồ sơ ngoài quy định,…
Đây cũng là ý kiến than phiền của nhiều doanh nghiệp lĩnh vực xuất nhập khẩu, logistics tại nhiều tỉnh thành phía Nam khi gặp gỡ đối thoại với VCCI sáng ngày 24/2 tại TP Hồ Chí Minh.
Nhiều doanh nghiệp nêu khó khăn, bức xúc khi thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: Đ.H
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất Nhập khẩu Đồng Nai cho biết, ngoài việc đối mặt với các khó khăn về đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian qua, nguồn vốn bị tắc nghẽn, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính khi kiểm tra chuyên ngành. ''Ví dụ như doanh nghiệp xây dựng trong hiệp hội chúng tôi, ngoài việc có giấy chứng nhận khi kiểm tra chuyên ngành, hiện nay còn phải xin giấy xác nhận chất lượng sản phẩm từ sở ngành. Việc phải có thêm chứng nhận từ bên thứ 3 thế này rất mất thời gian cho doanh nghiệp", ông Hưng nói.
Vấn đề tắc nghẽn và tốn kém chi phí thủ tục hành chính đã nói nhiều lần, làm thế nào để giảm bớt chi phí hành chính, rút ngắn thời gian kiểm tra, đẩy nhanh chuyển đổi số để hỗ trợ doanh nghiệp khi thông quan tại hải quan cũng là ý kiến ông Lê Duy Hiệp, chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam nêu và nhấn mạnh tại buổi đối thoại.
Theo ông Trương Đức Trọng, thành viên Ban Pháp chế VCCI, những ý kiến của doanh nghiệp được khảo sát và nghi nhận tại hội nghị đối thoại là tiền đề để Liên đoàn Công nghiệp và thương mại Việt Nam có những ý kiến đề xuất nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhất là thủ tục kiểm tra chuyên ngành khi thông quan.
Nhóm thực hiện khảo sát của VCCI hiện đã đề xuất cần có cơ chế thu thập phản ánh các vấn đề kỹ thuật trên cổng thông tin một cửa quốc gia, cập nhật kịp thời đầy đủ quy trình xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp tra cứu, các bộ ngành thường xuyên cập nhật thông tin lên cổng thông tin một cửa quốc gia khi có quy định mới, áp dụng triệt để hồ sơ điện tử và rà soát để rút gọn quy trình mở hồ sơ,...
Theo khảo sát của VCCI, năm 2022, mức độ doanh nghiệp hài lòng với các thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục mong muốn các bộ, ngành có thêm nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả của Cổng một cửa quốc gia và đẩy mạnh cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành, song song với việc chú trọng tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy xuất khẩu cần phải sớm được khơi thông nhằm tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp.
VTV.VN