Nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó về quy định kích cỡ của một loài cá
Nhiều doanh nghiệp hiện nay bày tỏ lo lắng về việc tuân thủ quy định mới về kích cỡ của một loài cá.
- 28-07-2024"Cá tỷ đô" của Việt Nam được Trung Quốc và Mỹ cực kỳ say mê: Dự kiến mang về 1,8 tỷ USD trong năm nay, sản lượng đứng đầu thế giới
- 18-07-2024Xuất khẩu cá tra khởi sắc
- 04-07-2024Tôm hùm và cá chết hàng loạt ở Phú Yên do ô nhiễm nguồn nước
Đó là cá ngừ vằn. Loài cá này thường được ngư dân gọi là cá ngừ sọc dưa, cá dưa gang... Theo Nghị định số 37/2024/NĐ-CP được Chính phủ ban hành trong tháng 4 vừa qua, có quy định về kích thước tối thiểu được phép khhai thác của những loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên. Trong đó có quy định về kích cỡ của loài cá ngừ vằn. Đây là nguyên liệu chủ lực của ngành chế biến và xuất khẩu cá ngừ đóng hộp ở Việt Nam.
Trên thực tế, theo quy định trên, kể từ ngày 19/5/2024, cá ngừ vằn được phép khai thác phải có chiều dài tối thiểu là 500 mm. Nếu dưới kích cỡ này thì các doanh nghiệp trong nước sẽ không được thu mua để tiến hành chế biến xuất khẩu. Theo các chuyên gia, quy định này là để bảo vệ nguồn lợi cá ngừ và tránh khai thác cá ngừ ở kích thước nhỏ. Thế nhưng thực tế bấy lâu này là số lượng cá ngừ vằn có kích cỡ từ 500 mm trở lên chỉ chiếm từ 10 – 20%/mẻ lưới.
Điều này khiến cả ngư dân và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá ngừ đều chung một mối quan tâm. Đó là tháo gỡ những khó khăn khi tuân thủ quy định về kích thước của cá ngừ vằn trong khai thác.
Cần phải điều chỉnh quy định về kích cỡ cá ngừ vằn khai thác?
Ngày 24/7/2024 vừa qua, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam đã gửi Công văn số 86/CV-HHCNVN tới Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Kiến nghị sửa đổi một số quy định chưa phù hợp với thực tế tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 26/2019/NĐ-CP.
Theo đó, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam nhận thấy rằng các doanh nghiệp đồ hộp cá ngừ Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn với quy định tại Phụ lục V của Nghị định này (quy định kích thước tối thiểu của cá ngừ vằn (Katsuwwonus pelamis) với chiều dài khoa học (Folk Lenghth) là 500mm). Các doanh nghiệp sản xuất đồ hộp phải tạm dừng thu mua nguyên liệu không đạt 500 mm; Các cơ quan quản lý nhà nước như Chi cục Thủy sản, ban quản lý cảng cá tại các địa phương đều tạm dừng việc cấp SC/CC. Điều này dẫn đến tổn thất nặng nề cho ngành hàng cá ngừ Việt Nam.
Trong công văn cũng nói rõ về các tác động tiêu cực tới kim nghạch xuất khẩu cá ngừ Việt Nam; tính cạnh tranh của xuất khẩu đồ hộp cá ngừ Việt Nam trên trường quốc tế; tác động xã hội; tác động an ninh quốc phòng biển đảo.
Từ đó, Hiệp hội cá ngừ Việt Nam kiến nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT 02 nội dung như sau.
Thứ nhất, có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát lại các quy định kích thước khai thác tối thiểu tại Phụ lục V, Nghị định 37 đối với cá ngừ vằn và có văn bản chỉ đạo điều chỉnh tới các địa phương ven biển và các Ban quản lý Cảng cá để giải quyết việc cấp Giấy Xác nhận và Giấy Chứng nhận nguyên liệu thuỷ sản từ khai thác cho cá ngừ vằn trong giai đoạn chờ sửa Nghị định.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Phụ lục V, Nghị định 37 trong thời gian sớm nhất theo hướng quản lý nghề khai thác cá ngừ vằn theo hạn ngạch để phù hợp với các luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn nêu trên cũng như phù hợp với cách tiếp cận của các tổ chức quản lý nghề cá khu vực.
Theo ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, nếu không đủ nguyên liệu thì các doanh nghiệp phải nhập. Tuy nhiên, việc nhập nguyên liệu cũng không dễ dàng. Trong khi đó, ngư dân không bán được cá ngừ vằn thì giá sẽ giảm từ 50 – 60%.
Theo đề xuất xuất của Hiệp hội Cá ngừ Việt Nnam, trước mắt nên xem xét kích cỡ cho phép khai thác đối với cá ngừ vằn cái là 380 mm và cá đực là 387 mm. Bởi theo nghiên cứu, với kích cỡ này thì cá ngừ vằn đã sinh sản. Mặt khác, cá ngừ vằn là loài cá di cư có trữ lượng lớn nên các quốc gia và những tổ chức quản lý nghề cá thường tiến hành áp dụng về hạn ngạch khai thác, chứ không quản lý về kích thước khai thác.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc đưa ra quy định về kích cỡ cá ngừ vằn khai thác để bảo vệ nguồn lợi cần phải có lộ trình để thực hiện. Bởi hiện nay cả nước có 3.500 tàu cá làm nghề lưới vây, lưới rê khai thác cá ngừ vằn, với sản lượng khai thác là khoảng 60.000 tấn mỗi năm, trong khi sản lượng khai thác cho phép là 200.000 tấn.
Cá ngừ vằn là một nguyên liệu chủ lực để chế biến và xuất khẩu cá ngừ đóng hộp ở Việt Nam hiện nay. Cả nước hiện đang có 15 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của nước ta chiếm đến 40% trong số tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ (800 triệu USD). Việc phải tuân thủ quy định mới về kích cỡ của cá ngừ vằn khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng sẽ không đủ nguyên liệu để thực hiện chế biến và xuất khẩu.
Bài tham khảo nguồn: Customs, Vinatuna, VASEP
Đời sống Pháp luật