Nhiều doanh nghiệp xây dựng tự “bắn vào chân nhau”, cạnh tranh bằng phá giá
Ngày 11/5, Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam đã tổ chức buổi giao lưu “Cà phê nhà thầu xây dựng” nhằm chia sẻ về những vấn đề thiết thực trong hoạt động đầu tư xây dựng. Qua đó, đại diện các doanh nghiệp đều bày tỏ lo ngại về thực trạng các nhà thầu xây dựng đang tự “bắn vào chân nhau” bằng việc cạnh tranh phá giá.
Chia sẻ tại buổi giao lưu "Cà phê nhà thầu xây dựng", ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết, tín hiệu nền kinh tế đang có dấu hiệu khởi sắc khi Chính phủ hiện đang rất tích cực thúc đẩy công tác đầu tư công, với con số lên tới 642.000 tỷ đồng cho năm 2024. Tuy nhiên, công tác đầu tư tư nhân gặp một số khó khăn khiến tổng đầu tư tư nhân thời điểm hiện tại giảm sút, chỉ khoảng 30% tổng đầu tư toàn xã hội. Đặc biệt, các hạng mục công trình có công trình xây dựng dân dụng cũng có dấu hiệu suy giảm.
Trong bối cảnh năm 2024, các nhà thầu hạ tầng kỹ thuật không gặp phải vấn đề khó khăn từ thị trường nhưng về đơn giá định mức, đơn giá nhân công lại gặp nhiều bất cập. Do đó, Hiệp hội các Nhà thầu đã kiến nghị với Bộ Xây dựng và cho đến nay đã có sự chuyển biến tích cực. Đáng chú ý là Bộ Xây dựng đã sửa đổi và đang chuẩn bị ban hành Thông tư 12 để điều chỉnh 219 đơn giá định mức trong thi công hạ tầng.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội - ông Dương Văn Cận cho biết, trong suốt 2 năm vừa qua, Hiệp hội đã nhận được các thông tin của doanh nghiệp gặp khó khăn về công tác định mức đơn giá, nhất là các công trình mới chưa có đơn giá. Từ tinh thần đó, cùng với ý kiến của nhiều doanh nghiệp, Hiệp hội cũng đã có chủ trương kiến nghị ban hành sửa đổi, bổ sung các định mức còn đang thiếu, đặc biệt là các mức đấu giá liên quan đến các công trình giao thông hạ tầng kỹ thuật. Trên cơ sở các kiến nghị đó, Thủ tướng đã ghi nhận và ra Chỉ thị 02 về vấn đề kiện toàn hệ thống định mức.
Ông Cận cũng cho biết thêm, Bộ Xây dựng đã sửa đổi và bổ sung Thông tư 12, trong đó có những định mức liên quan đến hạ tầng kỹ thuật công tác làm đường, vận chuyển vật liệu, khoan cọc đất, công tác bê tông... và được dự kiến ban hành trong khoảng tháng 6/2024 tới đây.
Cũng tại buổi giao lưu, nhiều vấn đề liên quan tới hoạt động đầu tư xây dựng đã được các thành viên trong hiệp hội cùng thảo luận và chia sẻ. Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, năm 2024 có rất ít các dự án mới được triển khai đã dẫn đến việc cạnh tranh giữa các nhà thầu với nhau đang diễn ra rất khắc nghiệt. Một số doanh nghiệp xây dựng dân dụng vừa rồi có tình trạng bỏ thầu, phá giá. Thực tế, đối với lĩnh vực xây dựng cầu đường cũng bắt đầu xuất hiện có tình trạng như vậy.
“Nhìn lại thời gian trước, khi các dự án được triển khai ồ ạt, nhiều nhà thầu đã đầu tư hàng loạt máy móc thiết bị… để tham gia thi công. Áp lực khấu hao lớn cộng với nhiều nguyên nhân khác nữa khiến họ bằng mọi cách phải trúng thầu. Mới đây, Bộ Giao thông vận tải mở 2 gói thầu thuộc một dự án giao thông (cỡ mấy trăm tỷ). Ở gói thầu thứ nhất, có nhà thầu bỏ giá giảm tới 14%. Cũng nhà thầu đó bỏ gói thầu thứ 2 giảm hơn 25%... Với giá trúng thầu này, làm hoà vốn đã là khó”, ông Tuấn Anh dẫn chứng.
Cũng đề cập đến tình trạng trên, ông Vũ Xuân Thắng, Phó Tổng giám đốc Coma cho biết, một số đơn vị trong quá trình thi công cũng gặp phải nhiều vấn đề, dẫn đến khó khăn về tài chính nên rất muốn có hợp đồng bằng mọi giá. Nhưng không phải để làm thực, mà là để “làm đẹp” hồ sơ, để “có chân” trong dự án, để đáo nợ ngân hàng... Nhưng khi bắt tay vào triển khai, họ sẽ yêu cầu tăng vốn đầu tư, nếu không thì không làm. Với quy chế hiện nay, nếu doanh nghiệp bỏ giá thầu thấp, các chủ đầu tư không chọn là vi phạm quy định. Song chọn nhà thầu đó, chủ đầu tư là Nhà nước có khi cũng “chết”, doanh nghiệp trúng thầu cũng “chết”, còn các nhà thầu làm ăn nghiêm túc thì điêu đứng.
Ông Nguyễn Minh Khiêm - Tổng Giám đốc Tổng Công ty 319 cho ý kiến: "Hiện nay, trong vấn đề đấu thầu, chúng ta đang "mạnh ai người nấy chạy". Một số thủ tục pháp lý vẫn còn nhiều vướng mắc như khó khăn về giải phóng mặt bằng, giá đất địa phương chênh lệch..."
"Chúng tôi đấu gói thầu 2.500 tỷ đồng để xây lắp và giảm giá chưa đến 1,4% nhưng vẫn chật vật. Mặc dù, đến giờ phút này có thể đi vào công đoạn hoàn thiện của dự án, nhưng nếu nói về lợi nhuận cao thì thực sự là không có. Chúng tôi không cố chấp vào bằng mọi giá mà vào bằng đúng thực lực của mình. Trong khi đó, đơn giá, mặt bằng, xây lắp hiện nay đang ổn định, không có biến động nhiều, đặc biệt về sắt, thép... nhưng vẫn chật vật như vậy thì đối với các đơn vị khác giảm giá để xây lắp thì làm như thế nào", ông Khiêm nói.
Từ đó, ông Khiêm cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp trong Hiệp hội sẽ cùng trao đổi với nhau, nếu vẫn buông nhau và cạnh tranh với nhau thì sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, ông Khiêm cũng bày tỏ sự vui mừng và phấn khởi với thông tin Bộ Xây dựng chuẩn bị ban hành Thông tư 12 điều chỉnh 219 đơn giá định mức. Đây còn là niềm mong muốn của các doanh nghiệp xây lắp, giao thông vì vấn đề đơn giá vẫn đang còn tồn tại rất nhiều bất cập.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Vinaconex - Ông Nguyễn Khắc Hải thì cho rằng, gói thầu giảm giá quá lớn từ 15% - 25% là thực trạng đáng báo động hiện nay và có thể khiến cho một số doanh nghiệp lao đao, ngành nghề ngày càng "teo tóp". Theo đó, để giải quyết vấn đề này, ông Hải nhận định về lợi nhuận định mức doanh nghiệp, chi phí chung trong một gói thầu thì chỉ giảm được một phần trong các chi phí thì mới hợp lý, còn nếu ngoài mức ấy như an toàn chất lượng, an toàn khối lượng, an toàn tất cả các quy trình... thì không hợp lý. Có như vậy mới duy trì và phát triển đáp ứng được sự phát triển của các ngành nghề.
Còn theo ông Bùi Khắc Sơn - Chủ tịch Xuân Mai Corp về việc chống phá giá định mức, vai trò của Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam cũng phải được thể hiện, Hiệp hội cần có một trang thông tin để cảnh báo khi có gói thầu giảm giá bất thường, ngoài ra các đơn vị giảm bất thường sẽ không dễ để phá giá mãi, điều này có thể tạo "cái chết" rất nhanh cho các doanh nghiệp.
Trước nguy cơ trên, các nhà thầu đồng loạt đề xuất những giải pháp chống phá giá trong đấu thầu dự án. Đồng thời, đề nghị Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam kiến nghị lên các cơ quan chức năng có chế tài cụ thể đối với các trường hợp phá giá.
Kết thúc buổi giao lưu, Hiệp hội cho biết sẽ ghi nhận và tiếp thu những ý kiến đóng góp từ các thành viên, đại diện các doanh nghiệp, từ đó nghiên cứu, kiến nghị những giải pháp xử lý phù hợp.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cho biết sẽ tổ chức Hội thi thợ giỏi của toàn ngành Xây dựng phía Nam vào khoảng cuối quý 3 năm nay. Về công tác và tay nghề đào tạo, Hiệp hội cũng sẽ tham gia cùng Tổng cục dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp chứng chỉ tay nghề toàn quốc, nâng cao chất lượng chuyên môn của công nhân, kỹ thuật hiệp hội. Đồng thời, tích cực xúc tiến chương trình xếp hạng năng lực chuyên môn của các nhà thầu để tạo một môi trường phát triển lành mạnh, bền vững.