Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động bị xử phạt
Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa xử phạt nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động do có các vi phạm về ký không đúng mẫu hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, chậm đóng tiền vào quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước…
- 14-07-2023Thu hồi giấy phép 4 doanh nghiệp đưa người đi xuất khẩu lao động
- 07-03-2023Người Việt đi xuất khẩu lao động cao gấp 20 lần năm trước
- 16-10-2021Xuất khẩu lao động sang Nhật: 'Nín thở' chờ thị trường phá băng
Cơ quan quản lý lao động vừa thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và ra quyết định xử phạt đối với nhiều doanh nghiệp có vi phạm.
Cụ thể, Công ty cổ phần quản lý - Tư vấn đầu tư nhân lực Hoàng Việt (Hà Nội) bị xử phạt 125 triệu đồng do đóng không đúng thời hạn vào quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; không cập nhật đầy đủ thông tin về người lao động do doanh nghiệp đưa đi trên Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Công ty này cũng không đăng tải hoặc không cập nhật khi có sự thay đổi trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp danh sách nhân viên nghiệp vụ; cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Công ty còn thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước với người lao động không theo quy định của pháp luật.
Trường hợp khác là Công ty cổ phần nhân lực Colecto (Hà Nội) bị xử phạt hành chính 30 triệu đồng do vi phạm ký không đúng mẫu hợp đồng đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với 2 lao động.
Công ty cổ phần Vận tải và Đầu tư thương mại An Thái (Hải Phòng) thực hiện chưa đầy đủ một số nội dung trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài về thời giờ làm việc trong ngày, số ngày trong tuần, số ngày nghỉ phép và nghỉ lễ. Tài liệu giáo dục định hướng cho người lao động chưa đủ một số kỹ năng như chi tiêu, phong tục tập quán, sử dụng phương tiện liên lạc, giao thông mua bán…Công ty cũng đóng không đúng hạn vào quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Với các vi phạm này, Cục Lao động ngoài nước xử phạt hành chính công ty 12,5 triệu đồng và yêu cầu khắc phục tồn tại.
Vi phạm về đóng không đúng hạn vào quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, Công ty cổ phần Việt Nam Hòa Bình (Hòa Bình) và Công ty cổ phần nhân lực Kim Minh (Hòa Bình) cùng bị xử phạt 12,5 triệu đồng.
Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau 7 tháng, cả nước có gần 90.000 lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, đạt gần 72% kế hoạch năm. Các thị trường tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong nhiều loại hình ngành nghề như: Sản xuất, chế tạo, xây dựng , nông nghiệp, ngư nghiệp và dịch vụ.
Tiền phong