Nhiều dự án bất động giữa đất vàng
Dọc bờ biển tỉnh Quảng Bình, nhiều dự án được cấp đất đã lâu nhưng chủ đầu tư có dấu hiệu "ôm" đất rồi bỏ hoang.
- 01-12-2019Đất vàng TP.HCM sẽ có khung “giá kim cương”
- 24-11-2019Mỗi mét vuông đất 'vàng' ở TPHCM có giá gần 1 tỷ đồng
- 21-11-2019Bên trong căn biệt thự kiểu Pháp hoang tàn trên "đất vàng" Hà Nội trở thành nơi gửi xe
Được cấp 17 ha "đất vàng" ven biển, sát trục Quốc lộ 1, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Thanh Hà - Đá Nhảy được kỳ vọng sẽ là điểm dừng chân, nghỉ mát lý tưởng cho du khách khi đến với Quảng Bình. Tuy nhiên, sau 10 năm được cấp đất, dự án vẫn chưa triển khai.
Chỉ là bánh vẽ
Năm 2009, UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận cho Công ty CP Việt Thanh Bình đầu tư xây dựng dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Thanh Hà - Đá Nhảy với tổng mức đầu tư 230 tỉ đồng, trên diện tích gần 17 ha tại khu vực ven biển Đá Nhảy thuộc xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch.
Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Thanh Hà - Đá Nhảy sau 10 năm cấp đất vẫn chỉ là bãi đất trống
Theo thiết kế, toàn bộ dự án khu nghỉ dưỡng này sẽ triển khai xây dựng qua 2 giai đoạn và được chia thành 8 phân khu chức năng chính. Giai đoạn 1 (dự kiến từ 2009-2012) đầu tư và xây dựng khu vực dịch vụ 3 sao, khu vực ven Quốc lộ 1 và toàn bộ hạ tầng khu du lịch, khu nhà nghỉ dưỡng VIP. Giai đoạn 2 (từ 2012-2015) xây dựng khu khách sạn cao cấp và nghỉ dưỡng 5 sao, xây dựng hoàn thiện toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cây xanh… Đến nay, dự án chỉ là 1 bãi đất trống, phía ngoài được quây tôn kín, có cổng ra vào. Bên trong dự án là bãi cát hoang vu, mọc đầy cỏ dại và không có công trình nào được xây dựng.
Ông Nguyễn Văn Lào, Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch, khẳng định từ khi được tỉnh phê duyệt, khu nghỉ dưỡng vẫn chậm tiến độ. Mới đây, UBND tỉnh lại có quyết định gia hạn cho doanh nghiệp này thuê đất thêm 24 tháng.
"Khu vực này nằm trên bãi biển đẹp, giao thông thuận lợi. Nếu đầu tư xây dựng được sẽ thay đổi bộ mặt của địa phương, thu hút khách du lịch và kéo theo sự phát triển của các dịch vụ khác. Nhưng dự án không thi công kéo dài, gây lãng phí quỹ đất, gây bức xúc cho người dân. Nếu sau 24 tháng, đơn vị này không triển khai thì nên thu hồi đất. Rất nhiều nhà đầu tư khác sẽ nhảy vào đầu tư ngay" - ông Lào nói.
Lãng phí
Một số khu vực đất "vàng" ven biển TP Đồng Hới có nhiều dự án được chấp thuận đầu tư và giao đất từ nhiều năm nay nhưng thi công vẫn ì ạch, chậm tiến độ. Theo kết quả giám sát tình hình chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 của HĐND tỉnh Quảng Bình cho thấy đến tháng 3-2019, 65 dự án đầu tư du lịch được phê duyệt chủ trương với tổng vốn 25.600 tỉ đồng. Trong đó, 13 dự án chậm tiến độ.
Đơn cử như dự án khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Bảo Ninh nằm ngay trung tâm bán đảo du lịch Bảo Ninh, TP Đồng Hới với diện tích hơn 42.400 m2. Được cấp đất từ năm 2009 cho Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Quảng Bình với quy mô khách sạn, biệt thự tiêu chuẩn 4-5 sao, tổng vốn đầu tư 120 tỉ đồng nhưng đến nay, dự án vẫn không xây dựng gì ngoài mấy chòi lá bán đồ ăn uống và một số cảnh quan. UBND tỉnh Quảng Bình đã đồng ý giãn tiến độ với mốc hoàn thành chậm nhất là tháng 9-2020.
Đáng chú ý, dự án khu nghỉ mát và giải trí Phong Nha của Công ty TNHH Phát triển văn minh đô thị, được cấp 50 ha đất tại huyện Bố Trạch từ năm 2003. Đến giữa năm 2019, chủ đầu tư mới xây dựng dang dở một công trình 2 tầng và chỉ khoảng 100 m hàng rào. Hay như trường hợp dự án xây dựng khu khách sạn sinh thái của Công ty CP Delta, được thuê 47.500 m2 đất ven biển tại xã Quang Phú, TP Đồng Hới lần lượt vào các năm 2008 và 2011. Mới đây, nhà đầu tư chỉ xây dựng một phần hàng rào. Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình đã điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, trong đó yêu cầu thời gian khởi công chậm nhất trong quý II/2019, hoàn thành đưa dự án vào sử dụng chậm nhất 24 tháng kể từ ngày khởi công.
Ngoài ra, còn có một loạt dự án được cấp đất, chậm tiến độ khác của các Công ty CP Tập đoàn 76, Công ty CP Đầu tư Linh Việt Nam, Công ty TNHH Xây dựng Thành An…
Rao bán dự án ảo để lừa dân
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công văn đề nghị kiểm tra, xử lý việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy định tại các dự án nhà ở sai phép, không phép tại khu vực ven biển ở huyện Quảng Ninh.
Theo đó, tại 2 xã Hải Ninh và Gia Ninh có nhiều trường hợp liên hệ với chính quyền làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Sau đó, trên các trang diễn đàn nhà đất, mạng xã hội xuất hiện thông tin quảng cáo "Dự án khu đô thị sinh thái ven biển xã Hải Ninh và dự án Sandasea Farmstay tại xã Gia Ninh" và thông báo đã có người đặt cọc tiền giữ chỗ để lừa người dân.
UBND tỉnh đã có công văn đề nghị kiểm tra và yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương công khai danh mục, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công khai đầy đủ thông tin dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị đã được phê duyệt… UBND tỉnh yêu cầu theo dõi việc quảng cáo mua bán nhà đất tại những dự án bất động sản không đúng sự thật.
Người lao động