Nhiều dự án ‘đắp chiếu’ tại Đồng Nai bỗng dưng được tái sinh
Dự án Waterfront City của Công ty CP Đầu tư Nam Long đến nay vẫn chưa triển khai. Ảnh: HTLand
Theo kế hoạch sử dụng đất của tỉnh Đồng Nai năm 2020 có đến 326 dự án bị đề nghị hủy bỏ do năng lực kém của chủ đầu tư, chậm triển khai hay chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Nhưng đến năm 2030, một số dự án đang “đắp chiếu” lại được điều chỉnh và đưa vào quy hoạch.
326 dự án đề nghị hủy bỏ
Theo kế hoạch sử dụng đất từ 11 huyện, thành phố của tỉnh Đồng Nai năm 2020, trên địa bàn hiện có tổng cộng 326 dự án bị đề nghị hủy bỏ. Nguyên nhân là do chủ đầu tư kém năng lực về vốn, quá 3 năm chưa thực hiện hoặc chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Các dự án bị đề nghị hủy bỏ bao gồm nhiều loại hình dự án, như đất xây dựng khu dân cư, khu đô thị sinh tái, khu công nghiệp, đất sản xuất, đường giao thông…
Trong đó, tại TP. Biên Hòa tiến hành hủy bỏ 89 dự án với tổng diện tích gần 554ha ở các phường, xã. Riêng đất ở TP. Biên Hòa hủy kế hoạch sử dụng đất của 44 dự án với diện tích hơn 417ha.
Lĩnh vực hạ tầng kĩ thuật có 21 dự án diện tích gần 49ha. Một số dự án bị hủy kế hoạch sử dụng đất có diện tích lớn là Khu đô thị sinh thái Phước Tân ở phường Phước Tân rộng 56ha (được quy hoạch từ năm 2015); Khu dân cư Tân Cang thuộc địa bàn phường Phước Tân rộng khoảng 46ha (chưa có chấp thuận chủ trương đầu tư); Khu dân cư tạo vốn 13 gần đường ven sông Cái rộng hơn 68ha.
Tại huyện Long Thành có 21 dự án bị đề nghị hủy bỏ. Tuy nhiên, nhiều dự án ở huyện Long Thành lại chiếm diện tích lớn khi lên tới 580ha, gồm: Khu công nghiệp Long Đức (giai đoạn 2) do chủ đầu tư không có vốn.
Tại huyện Định Quán, dự án mở rộng mỏ đá xây dựng Gia Canh có diện tích 4ha và dự án đường Xuân Bắc - Thanh Sơn với diện tích 130ha bị đề nghị hủy bỏ.
Còn huyện Nhơn Trạch, dự án khu dân cư dọc theo xã Phú Hữu có diện tích 199ha do Công ty Tây Hồ làm chủ đầu tư bị hủy bỏ. Các dự án bị hủy bỏ khác như: Vườn rau an toàn ở xã Phước An có diện tích 71ha; Khu dân cư Long Tân thuộc xã Long Tân có diện tích 62ha; Khu dân cư 46,5ha thuộc xã Long Tân.
Nhiều dự án "đắp chiếu" được hồi sinh
Trong bản dự thảo hồ sơ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, UBND TP. Biên Hòa đã đưa một số dự án trong danh sách thu hồi trước đó vào kế hoạch sử dụng đất với diện tích quy hoạch được điều chỉnh.
Cụ thể, cuối năm 2019, dự án Khu đô thị sinh thái Phước Tân được đề nghị hủy do quá 3 năm nhưng không triển khai, hiện nay dự án này được đề xuất tái khởi động với diện tích quy hoạch giảm từ 56ha xuống còn 48ha.
Một dự án khác là khu đô thị Waterfront, có diện tích quy hoạch khoảng 20ha, từng bị đề nghị hủy để chờ kết luận của Chính phủ, tuy nhiên trong kế hoạch sử dụng đất đến năm 2030, dự án này được "hồi sinh" với diện tích hơn 300ha.
Bên cạnh đó, một số dự án nằm trong diện thu hồi đều khó nắm bắt thông tin chủ đầu tư, bởi các dự án này mới chỉ hình thành trên giấy hoặc chưa thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng…
Có thể kể đến dự án Khu đô thị sinh thái Phước Tân, được quy hoạch từ năm 2015 nhưng đến nay, khu vực được quy hoạch làm dự án vẫn là khu đất trống, cỏ mọc um tùm. Các cò đất tại khu vực này cho biết, dự án vẫn chưa thực hiện giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư dự án này được cho là của Công ty CP Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành, nhưng cũng có thông tin đơn vị này đã chuyển nhượng lại cho doanh nghiệp khác.
Hay như dự án Khu dân cư Tân Cang một trong những dự án được đề xuất khởi động lại, thế nhưng lại không nhận được sự ủng hộ của người dân, khi họ cho rằng, mức giá đền bù giải tỏa mà chủ đầu tư đưa ra là quá thấp so với thị trường.
Cụ thể, tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định thu hồi đất của người dân ấp Tân Cang để giao Công ty Thế giới Nhà làm chủ đầu tư, nhưng ngày 30/8/2019, HĐND tỉnh Đồng Nai đã ra Nghị quyết số 175 bãi bỏ các Nghị quyết và văn bản thông qua các dự án cần thu hồi đất ban hành trước đó, trong đó có dự án Khu dân cư Tân Cang.
Cuối tháng 10/2019, UBND TP. Biên Hòa thông báo hủy bỏ kế hoạch, các thủ tục thu hồi đất đã ban hành trước đó. Tuy nhiên, sau đó, Công ty Thế giới Nhà đề xuất các sở, ngành xem xét, báo cáo UBND tỉnh để quyết định lại chủ trương đầu tư dự án.
Đến ngày 27/12/2019, UBND tỉnh Đồng Nai ra văn bản số 15126, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan hướng dẫn công ty này thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu đân cư Tân Cang theo quy định của Luật Đầu tư 2014.
Sau khi nghe thông tin này, hơn 160 hộ dân ấp Tân Cang, phường Phước Tân tiếp tục có đơn gửi tới một số cơ quan đề nghị xem xét không phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với dự án.
Bên cạnh dự án Aqua City của Tập đoàn Novaland được triển khai rầm rộ, khẩn trương trên địa bàn TP.Biên Hòa thì dự án Waterfront City của Công ty CP Đầu tư Nam Long làm chủ đầu tư lại "án binh bất động".
Trên một số sàn giao dịch bất động sản, theo như lời quảng cáo dự án đã có quyết định giao đất, đóng tiền sử dụng đất, quy hoạch 1/500 và được cấp sổ đỏ hơn 170ha, dự kiến quý II/2021 sẽ chính thức khởi công và sẽ bàn giao sau 1 năm thi công.
Dự án Waterfront City có tổng vốn đầu tư lên đến 9.200 tỷ đồng, quy mô lên đến hơn 7000 sản phẩm đất nền, nhà phố và biệt thự. Đồng thời, dự án lần này, chủ đầu tư còn kết hợp cùng với một Tập đoàn phát triển bất động sản có quy mô lớn hàng đầu đến từ Singapore là Keppel Land.
Lãnh đạo UBND TP. Biên Hòa cho biết, đây chỉ là dự thảo phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của thành phố được niêm yết công khai tại trụ sở UBND TP.Biên Hòa, UBND các phường, xã, để các tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến, làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ, trình thẩm định phê duyệt và triển khai thực hiện theo quy định.
Nhà đầu tư