Nhiều GenZ muốn làm sếp chỉ để flex mình thành công sớm
Ảo tưởng sức mạnh là cụm từ phiếm chỉ những người có biểu hiện ảo tưởng, quá tự tin về khả năng của bản thân, điều này đang xuất hiện ở một bộ phận GenZ.
- 02-10-2024Lối sống ngược đời của GenZ: Ngủ ngày cày đêm, chỉ nhận công việc tự do
- 06-08-2024Bị nhân viên GenZ “phốt” ngược, chủ quán viết tâm thư chia sẻ nỗi niềm người làm chủ
- 01-06-2024GenZ dần trở thành thế hệ thận trọng nhất? Dù mới ra trường, vừa đi làm đã phải nhắc bản thân phải cố mua vàng cho bằng được!
Mới ra trường 2 năm nhưng Trần Thảo Nhi (SN 2000, Nam Định) đã tự tin bản thân có đủ năng lực, trải nghiệm và kinh nghiệm để làm lãnh đạo tại một công ty về bất động sản. Quãng thời gian đi làm chưa dài nhưng so với các sinh viên năm nhất, năm hai, Nhi có thể coi là người kinh nghiệm "dày dặn" hơn cả.
Các đây vài tuần, Nhi được thăng chức làm trưởng nhóm tư vấn. Nhiệm vụ chính của cô gái trẻ là đào tạo cộng tác viên hoặc thực tập sinh cách nói chuyện với khách hàng.
"Tư vấn khác với bán hàng, đội nhóm của em chỉ cần giới thiệu cho khách về công ty và thuyết phục họ tham gia vào hệ thống. Các nhiệm vụ khác sẽ có phòng ban khác lo liệu", Nhi cho hay, công việc không có gì vất vả, chỉ cần khéo léo ngon ngọt làm khách hài lòng là đạt.
Cô gái trẻ tiết lộ, từ khi được thăng hạng làm sếp của khoảng 4-5 nhân viên cấp dưới, mức lương của cô cũng tăng theo, từ 6,5 triệu lên 8 triệu đồng/tháng. Trên thực tế, số tiền này không đủ để Nhi sinh sống ở Thủ đô, thậm chí còn thấp hơn nhiều sinh viên vừa ra trường.
Nhiều lần tính đến việc chuyển nghề nhưng nghĩ lại sẽ không có nơi nào được lên làm sếp nhanh như vậy nên Nhi cố bám trụ. Công việc vừa nhàn, vừa oai khiến Nhi thấy cũng hài lòng.
Cô gái sinh năm 2000 cho hay, mỗi lần chụp khoe tấm thẻ có chữ "leader" lên mạng, được nhiều bạn bè khen ngợi, xin vía Nhi thấy được an ủi phần nào.
Dù nhiều lần được gia đình khuyên xem xét lại công việc này vì việc làm sếp với mức lương 8 triệu không ổn. Chức vụ Nhi nhận được chỉ là hữu danh vô thực, gọi cho sang chứ không phải chức danh được bổ nhiệm trên giấy tờ.
Từng có người thẳng thắn đánh giá, Nhi đang ảo tưởng về bản thân vì hai chữ trưởng nhóm kia chỉ là cách gọi nhằm tạo động lực về mặt tinh thần để cô gái trẻ cống hiến, không phải sự công nhận cho tài năng hay sự nỗ lực.
Sau vài năm đi làm, Vũ Thuý Quỳnh (SN 1999, Hà Nội) chứng khiến không ít bạn trẻ ảo tưởng về năng lực của bản thân. Nhiều bạn còn cố làm mọi cách để đạt được mong muốn đó mà quên mất việc nhìn lại bản thân.
Từng hợp tác với một số bạn trẻ làm sếp, Quỳnh gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười. Có người đáp ứng tiêu chí về năng lực chuyên môn nhưng còn thiếu xót trong thái độ, quy cách quản lý. Có người khéo léo, biết cách xây dựng mối quan hệ tốt nhưng lại chưa giỏi về chuyên môn. Còn có trường hợp làm sếp vì được cấp trên cao hơn ưu ái nhờ nhan sắc, sau đó luôn tự cho là mình giỏi.
Quỳnh kể về trường hợp của V. chỉ hơn cô 1-2 tuổi, khá ưa nhìn, được sếp lớn trong công ty ưu ái đưa lên làm trưởng phòng chăm sóc khách hàng. Thời gian đầu V. luôn tự cho rằng bản thân giỏi vì đã làm lãnh đạo khi còn trẻ, nhưng rồi bắt nhịp vào công việc, V. bị ngợp vì không giỏi chuyên môn.
"Thái độ cao ngạo cũng khiến V. không được lòng đồng nghiệp. Cũng vì thế, V. bám trụ 'hào quang' trưởng phòng không quá 6 tháng, buộc phải nghỉ vì bản thân không thể tiếp tục đảm nhận công việc", Quỳnh kể và cho rằng, không phải cứ làm sếp sớm nghĩa là thành công, không nên ảo tưởng về năng lực bản thân.
Theo Quỳnh, độ tuổi không quyết định chức vị, các bạn trẻ đủ đầy năng lực hoàn toàn có thể trở thành nhà lãnh đạo giỏi nhưng nếu vội vàng khoác lên mình chiếc áo quá rộng, chưa phù hợp sẽ phản tác dụng, thành công khi ấy lại trở thành thất bại.
Anh Kyle Nguyễn (Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông 5.0) nhận định, không hiếm bạn trẻ hiện nay coi nhẹ việc làm sếp.
"Một người thực sự được coi là sếp cần đủ hai yếu tố, thứ nhất đó phải là chức danh được bổ nhiệm về mặt pháp lý, thứ hai là phải được mọi người công nhận về năng lực, đạo đức,... Nhiều bạn trẻ hiện nay thiếu cả hai nhưng vẫn tự coi mình là sếp, là giỏi hơn người khác để ra oai", anh Kyle Nguyễn nói.
Theo anh, khi còn trẻ, có mục tiêu phấn đấu là điều đáng quý nhưng hãy coi chức danh, quyền lực là động lực để trau dồi, rèn luyện bản thân.
"Đạt được vị trí không quá khó, nhưng duy trì nó lâu dài, ngày càng vững mạnh mới là điều khó", anh Kyle Nguyễn cho rằng, các bạn trẻ hiện nay có thể giỏi chuyên môn nhưng để làm sếp, cần có tầm nhìn sâu rộng, sự quyết đoán, kỹ năng quản lý, sự thấu hiểu,... những điều này cần thời gian trải nghiệm, tôi luyện và đúc kết thành kinh nghiệm, không phải có ngay trong một sớm, một chiều.
VTC NEWS