MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều giải pháp giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024

Nhiều giải pháp giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong năm 2024, ngoài vấn đề tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội giảm thuế VAT thêm 6 tháng đầu năm 2024 từ 10% xuống 8%, sẽ tiếp tục đề nghị giảm thuế môi trường trong xăng dầu và giảm các loại phí và lệ phí, cũng như giảm 3% tiền thuê đất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn.

Năm 2023 là một năm nhiều khó khăn và thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài Chính đã vượt qua những khó khăn, chủ động, linh hoạt, kịp thời trong điều hành chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bước sang năm 2024, dự báo kinh tế thế giới và trong nước sẽ vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, trao đổi trong Chương trình Phố Tài Chính trên VTV8, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, ngành tài chính sẽ quyết tâm nối dài những thành công trong năm 2023 và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024. Trong đó có nhiều giải pháp giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

BTV Mùi Khánh Ly: Thưa Bộ trưởng Năm 2023, dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng ngành Tài chính đã chủ động, quyết liệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, theo Bộ trưởng đâu là những điểm nhấn trong năm qua?

Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính

Năm 2023, lĩnh vực xuất nhập khẩu giảm khoảng 6,6%, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 681 tỷ USD, tuy nhiên xuất siêu vẫn đạt 25,5 tỷ USD và Chính phủ đã thực hiện quyết liệt trong vấn đề tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để tạo nên một động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Và tại sao khi mà tăng trưởng kinh tế chỉ có 5,05% nhưng mà thu ngân sách vẫn tăng cao, trong khi đó, Chính phủ vẫn giảm thuế cho các doanh nghiệp trong năm 2023 khoảng 200.000 tỷ đồng? Vậy nguồn thu từ đâu? Có thể nói rằng chúng tôi đã hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và sáng tạo và đổi mới trong cách thu. Ví dụ như những khoản thu tiềm năng mà lâu nay chưa thu được, chẳng hạn như sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, năm 2023 đã có 73 doanh nghiệp của nước ngoài như Youtube, Google, Facebook…đã nộp thuế cho nhà nước. Thứ hai là phát hành hóa đơn điện tử và quản lý chặt hóa đơn điện tử thì doanh thu chính xác hơn và mặc dù vẫn giảm thuế nhưng doanh thu vẫn tăng cao. Cho nên thuế VAT tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp tăng, quản lý chặt chẽ các vấn đề hoàn thuế và chống chuyển giá cũng như kết nối với dữ liệu liên thông với các máy khởi tạo tính tiền và phát hành hóa đơn… những cái giải pháp đó đã đưa lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Năm 2021, nợ công của chúng ta là 43,1%, thì cho đến đầu năm 2024, nợ công giảm xuống còn 37 %, đặc biệt nợ nước ngoài còn 34 %, trong khi dư địa đã được Quốc hội giao cho Chính phủ điều hành là 60%. Như vậy, còn một khoảng dư địa rất lớn để chúng ta có thể huy động nợ công phục vụ cho các công trình hạ tầng thiết yếu và các công trình hạ tầng kiến tạo cho sự phát triển trong tương lai. Nhưng những công trình đấy phải phát huy hiệu quả cao nhất và đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế một cách cao nhất. Cho nên, chúng tôi với quan điểm chỉ vay khi trả được nợ và chỉ vay khi chúng ta thực hiện những công trình, những dự án hiệu quả nhất để mang lại sự đột phá, phát triển cho nền kinh tế đất nước.

Các thị trường tài chính tiếp tục được củng cố, tháo gỡ và xử lý kịp thời những khó khăn để ngày càng phát triển lành mạnh, công khai, và minh bạch , đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những kết quả này?

Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính

Trong năm vừa qua, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 08 và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn nhưng lại vừa thiết lập trật tự, kỷ cương để minh bạch hóa thị trường tài chính. Và hiện nay, dư nợ của trái phiếu doanh nghiệp chỉ còn 1.000.000 tỷ đồng, tức là chưa đầy 10% GDP và chủ yếu là kênh phát hành từ các ngân hàng thương mại. Chúng tôi cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động vốn tốt và chúng tôi đã xây dựng sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để đảm bảo sự minh bạch trên thị trường, cũng như tăng cường công tác kiểm tra. Chúng tôi hy vọng cũng như tin tưởng kênh trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ là một kênh để đảm bảo việc huy động vốn trong phát triển kinh tế đất nước và giải quyết những khó khăn cho các doanh nghiệp. Đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo chiến lược là phải huy động được khoảng 25%. Như vậy, chúng ta còn khoảng độ 15-16% để có thể huy động trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phục vụ cho việc phát triển kinh tế của đất nước, cũng như để giải quyết những khó khăn và sự phát triển của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các hoạt động phải theo đúng quy định của pháp luật và các doanh nghiệp khi vay được của người dân thì phải trả được cho người dân đúng hạn, để tăng niềm tin đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và như vậy mới minh bạch và mới phát triển được.

Những chính sách tài khóa hỗ trợ cho nền kinh tế và tháo gỡ những khó khăn trong năm 2023 của Bộ Tài chính đã được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đánh giá cao. Dự báo bước sang năm 2024, kinh tế thế giới và trong nước sẽ vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm về những giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, cho doanh nghiệp và người dân trong năm 2024?

Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính

Năm 2024 vẫn là một năm khó khăn và thách thức, ngoài vấn đề tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội giảm thuế VAT thêm 6 tháng đầu năm 2024 từ 10% xuống 8%, chúng tôi tiếp tục đề nghị giảm thuế môi trường trong xăng dầu và giảm các loại phí và lệ phí, cũng như giảm 3% tiền thuê đất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, để giải quyết những khó khăn cho các doanh nghiệp thì không chỉ là các biện pháp giảm thuế mà chúng ta còn nhiều giải pháp khác, chẳng hạn như tháo gỡ những nút thắt về mặt pháp lý, ví dụ như mở thị trường tiêu thụ, ví dụ như tín dụng ngân hàng hoặc là các thủ tục hành chính… Rất nhiều giải pháp để cùng với giải pháp tài khóa hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt khó khăn. Còn trong ngắn hạn có thể chúng ta giảm thuế để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhưng về dài hạn, để nâng cao sức mạnh của tài chính công để đảm bảo cho bội chi ngân sách thấp thì chúng ta phải có giải pháp để cho tài chính công tăng lên bằng các giải pháp về xuất thuế ổn định.

Bảo Sơn

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên