MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều khách sạn, nhà hàng đóng cửa, nghỉ Tết sớm

Phố đi bộ cuối tuần quanh hồ Hoàn Kiếm vắng tanh, hàng quán đóng cửa sau thông tin COVID-19 diễn biến phức tạp

Phố đi bộ cuối tuần quanh hồ Hoàn Kiếm vắng tanh, hàng quán đóng cửa sau thông tin COVID-19 diễn biến phức tạp

Nhiều cuộc liên hoan, hội họp, tổng kết cuối năm hủy bỏ khiến nhiều nhà hàng thiệt hại nặng nề. Nhiều khách sạn tại phố cổ Hà Nội tính phương án thanh lý, bán khách sạn…

Ðồng loạt hủy tiệc, hủy tua

Anh Chu Quốc Anh (chủ nhà hàng tại Đại Cổ Việt, quận Hai Bà Trưng) cho biết, từ khi có thông tin dịch COVID-19 quay trở lại, hàng loạt chương trình tổng kết, tất niên quy mô từ 10 - 20 người thông báo hủy tiệc. Việc này khiến nhà hàng thiệt hại không nhỏ. “Cuối năm, liên hoan tất niên là nguồn thu lớn nhất của nhà hàng, nhưng năm nay dịch đúng đợt này nên chắc chắn sẽ khó khăn. Nhiều khả năng chúng tôi sẽ cho nhân viên về nghỉ Tết sớm, nghỉ hàng sớm hơn mọi năm”, anh Quốc Anh chia sẻ.

Một nhân viên kinh doanh nhà hàng tiệc cưới New Day Palace Hà Đông cho biết, tính đến ngày 31/1, hơn 90% khách hàng đã đặt lịch tổ chức tiệc ở nhà hàng đều gọi điện hủy lịch. Trong khi, nhà hàng đã trang trí, nhập nguyên liệu để chuẩn bị cho các buổi tiệc từ sớm. Việc này khiến cơ sở tiệc cưới này thêm khốn khó.

Nhiều khách sạn, nhà hàng đóng cửa, nghỉ Tết sớm - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng kiểm tra các khách sạn, cơ sở lưu trú về phòng chống dịch

Các hãng lữ hành cũng đã nhanh chóng có phương án xoay xở trường hợp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn. Đại diện Cty Du lịch Vietrantour cho biết, chỉ sau 2 ngày có thông tin dịch, Cty đã nhận được yêu cầu hủy tua tới Quảng Ninh từ 12 đoàn (tương đương 200- 250 khách). Trong số các đoàn gửi yêu cầu hủy tua, có 70% khách tới từ khu vực phía Nam, khoảng 30% là khách đi theo nhóm hội nghị, tổng kết cuối năm. “Tuy gặp khó khăn nhưng đơn vị đã đàm phán với các bên cung cấp dịch vụ bảo đảm việc hoàn phí cho khách”, vị này cho hay.

Dịch COVID-19 cũng làm cho nhiều đơn vị lâm phải nợ nần, không đủ kinh phí để hoàn trả khách. Đơn cử như nhóm 7 khách hàng đăng ký đi Nga của Cty TNHH Thương mại và Du lịch Bắc Á (11 Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm). Nhóm này đã đóng số tiền gần 300 triệu đồng. Tuy nhiên, sau gần 1 năm hủy chuyến vì COVID-19, bà Trần Ngọc Bích (chủ doanh nghiệp) vẫn giữ tiền của khách và không hoàn trả với lý do… phá sản. Được biết, Cty TNHH Thương mại và Du lịch Bắc Á hiện vẫn hoạt động nhưng đang nợ tiền của nhiều nhóm du khách.

Một số khách sạn ở khu vực trung tâm phố cổ như Hàng Bè, Hàng Gai, Hàng Bông, Lò Sũ… gần như bị đình trệ hơn nửa năm nay. Khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại khiến mọi kế hoạch tái mở cửa phá sản. Chị Minh Hiền (chủ một khách sạn trên phố Hàng Bè) cho biết, nếu dịch phức tạp, gia đình đã có phương án bán toàn bộ khách sạn với giá khoảng 60 tỷ đồng.

Mục tiêu “kép”, đảm bảo chống dịch hiệu quả

Theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, hiện nhiều đơn vị đã chủ động dừng bán các tua đi Quảng Ninh và có hướng đàm phán với khách hàng chuyển tua sang địa điểm khác. Ngoài ra, các loại hình tua hội nghị, hội thảo tổng kết cơ bản tạm dừng, thay vào đó là các nhóm nhỏ tổ chức, đảm bảo quy định của Bộ Y tế.

Chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp lữ hành, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Hà Nội vẫn thực hiện “mục tiêu kép” để vừa chống dịch, vẫn bảo đảm phục vụ khách. “Sở Du lịch luôn ủng hộ các doanh nghiệp phục vụ khách nhưng trên nguyên tắc phòng chống dịch. Mỗi khách sạn, khu du lịch… đều phải trang bị đầy đủ trang thiết bị phòng dịch, an toàn là ưu tiên số một”, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cho hay.

Sở Du lịch khuyến cáo các điểm du lịch, tham quan không tập trung quá đông người, đảm bảo giữ khoảng cách theo thông điệp 5K của Bộ Y tế, quan trọng nhất là ý thức phòng dịch của từng người dân.

Đối với các cơ sở lưu trú, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội yêu cầu thực hiện nghiêm túc khai báo y tế trực tuyến với khách lưu trú; rà soát khách du lịch đang lưu trú tại cơ sở và cung cấp thông tin những người đi - đến từ vùng có dịch cho cơ sở y tế địa phương. Những khách sạn đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt làm khu cách ly tập trung có thu phí thường xuyên chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, nhân viên trong khách sạn tuân thủ quy định của ngành Y tế trong phòng, chống dịch; theo dõi, giám sát chặt chẽ khách nhập cảnh cách ly tại khách sạn.

Trước đó, tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành uỷ với Sở Du lịch và ngành du lịch về định hướng nhiệm vụ, giải pháp năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025. Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá, năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, du lịch Hà Nội bị thiệt hại nặng nề, mức suy giảm của Hà Nội lớn hơn bình quân cả nước. Qua đại dịch mới bộc lộ ra các điểm yếu của du lịch Hà Nội từ môi trường, hạ tầng, doanh nghiệp và nhất là sản phẩm du lịch, quản lý Nhà nước về du lịch

Việc tái cơ cấu lại ngành du lịch của Hà Nội trong điều kiện mới sẽ gặp thách thức hơn rất nhiều và nếu không hành động quyết liệt, ngay, nhanh sẽ tụt hậu, ảnh hưởng trực tiếp mục tiêu tăng trưởng của thành phố từ 7,5- 8% trong năm 2021.

Chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp lữ hành, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Hà Nội vẫn thực hiện “mục tiêu kép” để vừa chống dịch, vẫn bảo đảm phục vụ khách.


Theo Trần Hoàng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên