Nhiều khách sạn, nhà hàng miễn phí cho các đoàn đi cứu trợ miền Bắc
“Mình không đi ra được với đồng bào miền Bắc thì mời các đoàn cứu trợ dừng lại nghỉ chân, ăn bữa cơm rồi tiếp tục lên đường. Mỗi người góp một chút để sẻ chia với bà con đã chịu quá nhiều mất mát sau thiên tai”, anh Lê Tuấn - chủ nhà hàng Tuấn Núi Food ở Đà Nẵng - bày tỏ.
- 15-09-2024Cảm động hình ảnh bé trai bơi ra tận thuyền xin chai dầu gió cho bà nhưng hành động của thành viên đội cứu trợ gây tranh cãi trên MXH
- 15-09-2024Đã tìm ra danh tính "anh Tây" một mình đi xe máy đến Tuyên Quang hỗ trợ bà con vùng lũ
- 15-09-2024Nhiều trường đại học giãn học phí, hỗ trợ sinh viên vùng lũ
Hàng trăm nhà hàng, khách sạn , quán ăn và cả các gara sửa chữa xe ô tô tại miền Trung sẵn lòng mời các đoàn cứu trợ đồng bào lũ lụt từ Nam ra Bắc đến nghỉ ngơi, ăn uống, kiểm tra xe miễn phí .
Anh Lê Tuấn cho hay những ngày qua đọc tin tức người dân miền Bắc chịu thiệt hại quá nặng nề, anh rất xót xa nhưng chưa thể sắp xếp công việc để ra với bà con. Thấy nhiều đoàn cứu trợ từ Nam ra Bắc nối nhau lên đường mỗi ngày, anh nghĩ mình nên đóng góp bằng cách mời các đoàn dừng lại nhà hàng ăn uống để mọi người nghỉ ngơi, có sức khỏe tiếp tục hành trình.
“Nhà hàng đón các đoàn không hạn chế số người, chỉ cần báo trước, chúng tôi sẽ lo cơm nước đầy đủ, không chỉ no mà còn chất lượng, ngon để mọi người có sức. Mấy hôm nay có rất nhiều đoàn dừng lại, như đêm 14/9 đoàn gần 50 người từ TPHCM ra, chủ yếu là thanh niên ra giúp bà con dọn dẹp sau lũ. Có bữa hai đoàn vào cùng lúc, nhân viên tất bật nhưng ai cũng vui vì mình tiếp sức được cho hành trình thiện nguyện. Khi nào các đoàn còn đi cứu trợ thì nhà hàng còn miễn phí ăn uống", anh Tuấn nói.
Cũng mong các đoàn có thêm sức khỏe để lên đường, quán Sóng Chiều ở TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị liên tiếp đón những chuyến xe từ Đắk Lắk, Đắk Nông, Đà Nẵng… ghé đến ăn cơm miễn phí.
Chị Diệu My (chủ quán) nhớ lại đoàn đầu tiên quán đón là 14 xe tải lớn từ Đắk Lắk ra với 40 người. “Mọi người lặn lội từ xa đến với miền Bắc thật sự rất xúc động, mình góp một cánh tay để cùng giúp đồng bào là việc cần làm lúc này”, chị My bộc bạch và nói thêm hành trình sẻ chia với miền Bắc còn dài nên quán sẽ tiếp tục đồng hành với các đoàn cứu trợ.
Trong khi đó, khách sạn Hoàng Long ở TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị vừa lo ăn, vừa lo nơi ngủ nghỉ cho các đoàn. Bà Phạm Thị Thương - chủ khách sạn - cho biết khách sạn có 40 phòng, sẵn lòng sắp xếp để các đoàn có nơi nghỉ ngơi sau hành trình dài. Trung bình mỗi ngày khách sạn đón 2 đoàn.
“Có đoàn tới nơi lúc 11h đêm, mọi người mệt lả ra vì đi đường quá dài, nhìn xót lắm. Biết mọi người rất mệt nên chúng tôi chuẩn bị phòng ốc để mọi người tắm rửa nghỉ ngơi rồi mới xuống ăn cơm”, bà Thương kể và chia sẻ có đoàn cảm kích trước tấm lòng và sự tiếp đón của khách sạn đã gửi lại một vài túi rau củ để khách sạn nấu cho những đoàn sau nhưng bà không nhận, để đoàn mang ra cho đồng bào miền Bắc vì ngoài đó cần hơn. Với bà, nhìn thấy các đoàn ăn cơm ngon miệng, được nghỉ ngơi lấy lại sức là đã vui lòng.
Những bữa cơm ấm áp của người dân miền Trung tiếp sức các đoàn cứu trợ.
Hầu hết những khách sạn, nhà hàng này đều đăng thông tin hỗ trợ trên các trang mạng xã hội để nhiều người lan tỏa, giúp các đoàn cứu trợ nắm bắt thông tin, liên hệ trước khi đến. Ngoài ra, một nhóm đã tạo “bản đồ nhà hàng, khách sạn miễn phí cho các đoàn cứu trợ miền Bắc” với vị trí cụ thể của các nhà hàng, khách sạn, thông tin đầy đủ để các đoàn thuận tiện tìm kiếm, di chuyển. Hiện trên bản đồ này có 145 điểm hỗ trợ miễn phí từ Phú Yên trở ra Bắc.
Tiền phong