Nhiều khách sạn phải tìm cách huy động vốn ngắn hạn từ những đối tác có nguồn vốn dồi dào để tồn tại qua đại dịch
Theo JLL, nhiều khách sạn lâm vào khủng hoảng tiền mặt khi doanh thu sụt giảm đáng kể khiến các chủ sở hữu phải tìm các giải pháp tài chính khác nhau để tăng cường dòng tiền nhằm bù đắp cho chi phí.
Dưới tác động của đại dịch Covid-19, các biện pháp đóng cửa biên giới và thắt chặt đường hàng không khiến hàng loạt khách sạn tại khu vực châu Á phải đối mặt với mức công suất phòng thấp chưa từng có trong lịch sử.
Theo đó, nhiều khách sạn lâm vào khủng hoảng tiền mặt khi doanh thu sụt giảm đáng kể khiến các chủ sở hữu phải tìm các giải pháp tài chính khác nhau để tăng cường dòng tiền nhằm bù đắp cho chi phí.
Ông Adam Bury, Giám đốc bộ phận Tư vấn và Đầu tư Khách Sạn tại JLL cho biết, việc hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng buộc cá khách sạn phải tìm phương án huy động vốn ngắn hạn từ những đối tác có nguồn vốn dồi dào, điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội mới.
Tại châu Á, JLL ghi nhận một số thị trường khách sạn vẫn có công suất phòng đạt được yêu cầu đặt ra nhờ vào việc cung cấp cơ sở cách ly hoặc nơi lưu trú nhằm hỗ trợ các biện pháp chống dịch của chính phủ. Bằng cách này, các khách sạn cố gắng duy trì hoạt động để có thêm doanh thu để bù vào chi phí để đạt được mức hòa vốn, tuy nhiên rất khó để hoàn thành các nghĩa vụ tài chính đối với khoản vay.
Ngành khách sạn là ngành có tốc độ phản ứng rất nhanh với các cú sốc về nhu cầu, và cũng là ngành sẽ có sự phục hồi đầu tiên, vì vậy, các giải pháp tài chính ngắn hạn trên đang được áp dụng để thu hẹp sự chênh lệnh dòng tiền cho đến khi nhu cầu về du lịch tăng trưởng trở lại.
Theo JLL, tình trạng căng thẳng tài chính sẽ xuất hiện khi các kênh huy động vốn truyền thống thắt chặt những điều khoản cho vay.
Hiện nay, theo đại diện đơn vị này, các bên đang nỗ lực hợp tác với nhau nhằm giảm thiểu khả năng vỡ nợ. Nhiều chủ sở hữu phải tìm nguồn vốn mới để bình ổn hoạt động kinh doanh và giảm bớt tác động của suy thoái cho đến khi nhu cầu thị trường trở lại. Mối quan ngại lớn là những điểm đến phục vụ du lịch nghỉ dưỡng - nơi phụ thuộc rất nhiều vào lượng khách quốc tế - sẽ có sự phục hồi chậm nhất sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Tại Việt Nam, ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư cho phép các ngân hàng tái cơ cấu lại khoản vay, ân hạn thời hạn trả nợ, miễn hoặc giảm bớt các khoản lãi và phí của các khoản vay mà không bị phân loại thành nợ xấu. Tuy nhiên với tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến và ảnh hưởng mạnh đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và với dòng tiền hạn chế, các ngân hàng sẽ siết chặt hơn các điều kiện cho vay.
“Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đang trong giai đoạn cầm cự vì gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Ngoài việc cắt giảm chi phí một cách triệt để, các chủ sở hữu khách sạn đang hướng đến giải pháp trung hạn thông qua việc tìm kiếm vốn đầu tư bằng cách phát hành trái phiếu hoặc tìm kiếm cơ hội vay từ các tổ chức tín dụng với điều kiện cho vay linh hoạt hơn hoặc dài hạn hơn thông qua việc hợp tác đầu tư với đối tác bằng hình thức chuyển đổi cổ phần, bà Trang Võ, Giám đốc bộ phận Tư vấn và Đầu tư Khách Sạn Việt Nam tại JLL chia sẻ.