MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều khu đô thị ở Hà Nội lộ loạt bất cập sau đầu tư, chậm hoàn thành

19-11-2021 - 16:49 PM | Bất động sản

Theo UBND TP Hà Nội, công tác quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư trên địa bàn TP vẫn còn tồn tại một số bất cập như: Nhiều khu đô thị đầu tư kéo dài, chậm hoàn thành, việc quản lý đầu tư, quản lý kiến trúc và cấp phép đầu tư xây dựng theo quy hoạch,... không đầy đủ, thiếu đồng bộ.

Loạt bất cập sau đầu tư các khu đô thị

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định 4866 phê duyệt đề cương nhiệm vụ Khảo sát, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp tăng cường công tác quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư. Thời gian thực hiện khảo sát từ tháng 10/2021 đến tháng 12/2021.

Theo UBND TP, Hà Nội là địa phương sớm hình thành các khu đô thị mới và phát triển nhanh so với cả nước. Chỉ tính sau khi mở rộng địa giới hành chính TP năm 2008 đến nay, Hà Nội đã có hơn 350 khu đô thị với quy mô khoảng 2.500ha.

Trong quá trình sử dụng, vận hành, khai thác, một số khu đô thị được các chủ đầu tư thực hiện tốt công tác quản lý, đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng góp phần xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, đồng bộ. Nhiều dự án khu đô thị hiện nay được chủ đầu tư quan tâm, bố trí quỹ đất cây xanh, không gian công cộng chiếm tỷ lệ lớn trong quỹ đất xây dựng, góp phần tạo không gian sống thư giãn cho người dân.

Nhiều khu đô thị ở Hà Nội lộ loạt bất cập sau đầu tư, chậm hoàn thành - Ảnh 1.
Công tác quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư trên địa bàn TP vẫn còn tồn tại một số bất cập. Trong ảnh: Ô "đất vàng" cuối cùng tại khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính có ký hiệu ô C2 trên đường Nguyễn Thị Thập (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) được UBND TP Hà Nội giao Công ty CP Đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico6) thực hiện Dự án công trình Y tế, nhà văn hóa và chỗ để xe phục vụ cư dân theo hình thức xã hội hóa được quây tôn bỏ hoang gần 20 năm nay không triển khai.

Tuy nhiên, công tác quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư trên địa bàn TP vẫn còn tồn tại một số bất cập như: Nhiều khu đô thị đầu tư kéo dài, chậm hoàn thành, chậm bàn giao hoặc bàn giao về cho chính quyền địa phương quản lý không đồng bộ; Việc tổ chức cung ứng dịch vụ đô thị cho cư dân trong một số khu đô thị như cấp điện, cấp nước, vệ sinh môi trường, dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, vui chơi giải trí... còn chưa tốt.

Bên cạnh đó, việc quản lý đất đai, việc đầu tư và quản lý, khai thác hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, việc kết nối hạ tầng khu đô thị với các khu vực xung quanh, việc quản lý đầu tư, quản lý kiến trúc và cấp phép đầu tư xây dựng theo quy hoạch,... không đầy đủ, thiếu đồng bộ, không rõ trách nhiệm.

Ngoài ra, tại một số khu đô thị tổ chức cộng đồng dân cư, hệ thống chính trị - hành chính như thành lập Ban quản trị nhà chung cư, quản lý cư dân trong khu đô thị, đặt tên đường, phố trong khu đô thị, thành lập và kiện toàn tổ dân phố, lập mới hoặc kiện toàn các tổ chức chính trị - xã hội... không kịp thời.

Nhiều khu đô thị được hình thành có mật độ dân cư tập trung cao, trong khi đó các tổ chức đoàn thể, chính trị giúp chính quyền địa phương về quản lý dân cư tại địa bàn còn chưa kịp hoàn thiện theo số dân mới tăng lên.

Việc xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong các khu đô thị mới còn có những hạn chế, chậm bắt kịp và hòa đồng với các khu đô thị cũ. Công tác quản lý trật tự xã hội, việc theo dõi, quản lý dân cư của địa phương gặp khó khăn; chưa có can thiệp hiệu quả của chính quyền địa phương khi xảy ra mâu thuẫn trong đời sống xã hội tại các khu đô thị.

Khảo sát trực tiếp công tác vận hành tại 5 - 7 khu đô thị

Từ những tồn tại nêu trên, UBND TP cho rằng việc triển khai Nhiệm vụ “Khảo sát, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp tăng cường công tác quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư” là cần thiết để giúp các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở ban hành chính sách hiệu quả trong vận hành các khu đô thị, hướng dẫn, quản lý các chủ đầu tư, các ban quản trị trong quá trình vận hành các khu đô thị.

Nhiều khu đô thị ở Hà Nội lộ loạt bất cập sau đầu tư, chậm hoàn thành - Ảnh 2.

Khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức) hàng loạt ngôi biệt thự, liền kề được xây dựng hơn 10 năm nay nhưng vẫn bỏ hoang, không có người ở.


Giúp người dân trong các khu đô thị xây dựng nếp sống văn minh, phù hợp với cuộc sống tại các khu đô thị. Đồng thời đề xuất được các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư từ phương diện của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Do đó, UBND TP giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Mê Linh tổ chức triển khai thực hiện theo quy định, các nội dung công việc được phân công; tổng hợp, tổ chức nghiệm thu các sản phẩm, báo cáo UBND TP theo quy định.

Bên cạnh làm việc với chính quyền địa phương, chủ đầu tư, ban quản trị, các đơn vị cung cấp dịch vụ trong khu đô thị, đơn vị được giao nhiệm vụ sẽ khảo sát trực tiếp hiện trạng công tác quản lý, vận hành tại 5 - 7 khu đô thị có tính đại diện theo địa giới hành chính (nội đô lịch sử, nội đô mở rộng, một số huyện) và theo quy mô diện tích (dưới 20ha, từ 20 - 50ha và từ 50 - 200ha)... được hình thành trên địa bàn Hà Nội kể từ năm 2010 cho đến nay.

Theo Ninh Phan

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên