MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều kịch bản tiêu thụ vải, nhãn tránh 'được mùa mất giá'

19-04-2018 - 10:43 AM | Thị trường

Trước thông tin vụ vải, nhãn sắp đến có khả năng được mùa, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương lên kịch bản chi tiết, tỉ mỉ và làm sớm để tránh “được mùa mất giá”.

Được mùa lại lo

Ngày 18/4, tại hội nghị họp bàn chăm sóc, tiêu thụ vải, nhãn tại các tỉnh trọng điểm phía Bắc ngày 18/4,  ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) nhận định, nhiều khả năng mùa vải thiều, nhãn lồng năm nay ở các tỉnh miền Bắc như Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên… sẽ thắng lớn.

Theo ông, do thuận lợi về thời tiết, nên cây vải, nhãn sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ cây ra hoa, đậu quả đạt trên 90%. Các lứa vải sớm đang trong giai đoạn quả non - vào cùi, lứa vải chính vụ giai đoạn quả non; cây nhãn đang trong giai đoạn nở hoa - đậu quả non.

“Nếu không bị thời tiết cực đoan, cây được chăm sóc, quản lý sâu bệnh tốt, năng suất vải có thể đạt xấp xỉ 5,7 tấn/ha, nhãn đạt trên 6 tấn/ha. Sản lượng vải đạt 350 nghìn tấn, nhãn đạt trên 200 nghìn tấn”- ông Sơn nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang hồ hởi, với diện tích vải khoảng 29.000 ha, năm nay, sản lượng vải của tỉnh có thể đạt 150-180 nghìn tấn, gần gấp đôi với năm ngoái.

Theo bà Hà, đây là một sức ép rất lớn với việc tiêu thụ, bởi vải sẽ chín trong thời gian ngắn. Do vậy, cùng với việc xuất sang các nước như Mỹ, Úc, các nước Đông Nam Á..., Bắc Giang đã chủ động lên kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải tại Bằng Tường (Trung Quốc); xúc tiến giới thiệu tại Bắc Giang và tuần lễ vải thiều tại Hà Nội…

Tại Hải Dương, ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh này cho biết, năm nay, vải Thanh Hà “hoa ra từ gốc”. Với diện tích khoảng 10.500 ha, dự báo sản lượng vải thu hoạch năm nay cỡ 55-60 nghìn tấn, gần gấp đôi năm ngoái.

"Ngay bây giờ, từng tỉnh phải xây dựng ngay kịch bản tổ chức tiêu thụ căn cơ, tỉ mỉ. Kịch bản phải được xây dựng sớm hơn mọi năm, với nhiều hình thức, từ hội chợ, triển lãm, xúc tiến; huy động các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ tiêu thụ vào cuộc".

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

“Nếu được mùa mà không tính được bán ở đâu thì lo mất giá”- ông Cương lo lắng và cho biết, tỉnh sẽ tổ chức lễ hội vải Thanh Hà vào cuối tháng 5 tới để xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà phân phối kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Là thủ phủ nhãn lồng, ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cũng thông báo tin vui, năm nay,  dự báo với khoảng 4.300 ha nhãn sẽ có sản lượng trên 41.000 tấn, tăng khoảng 30% so năm ngoái; trên 1.000 ha vải của tỉnh cũng cho sản lượng cỡ 12.000 tấn, tăng 20% so với mùa vụ trước.

Theo ông Phóng, hiện nhãn, vải của Hưng Yên được trồng nhiều ở Khoái Châu, Kim Động, thành phố Hưng Yên, Phủ Cừ, Ân Thi. Địa phương đã áp dụng được các kỹ thuật, nhằm điều tiết ra hoa với cây nhãn,  rải thành 3 trà (sớm-trung-muộn) để tránh áp lực tiêu thụ.

Về tiêu thụ, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cho biết, nhãn lồng Hưng Yên đã chinh phục được các thị trường khó tính như Mỹ, Singapore…

Tuy nhiên, Chủ tịch tỉnh Hưng Yên cũng cho rằng, địa phương đang rất cần thông tin về thị trường. “Hiện mỗi năm chúng tôi chuyển đổi khoảng 1.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang cây ăn quả, nhãn, vải, hoa, dược liệu. Chúng tôi muốn có thông tin dự báo, để quy hoạch vùng trồng nhãn, vải…sao cho phù hợp với quy mô thị trường”- ông Phóng nói.

Tránh ùn ứ, bị thương lái Trung Quốc ép giá

Theo Bộ NN&PTNT, tỷ trọng vải tiêu thụ nội địa hiện đạt khoảng 50% và đang có xu hướng gia tăng, địa bàn tiêu thụ cũng đang được mở rộng trên phạm vi toàn quốc, trong đó đặc biệt là Hà Nội, TPHCM, qua hệ thống các siêu lớn như: Metro, Co.opmart, Hapro, BigC…

Về thị trường xuất khẩu, hiện vải tươi đã được xuất khẩu tới nhiều thị trường như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, các nước ASEAN, Trung Đông... Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm tới 90 sản lượng xuất khẩu.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, việc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) yêu cầu về truy xuất nguồn gốc hoa quả nhập khẩu của họ là chính sách mới, các doanh nghiệp và nông dân cần có những hướng dẫn cụ thể, nếu không sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ tới đây.

Để xuất khẩu tới đây thuận lợi, bà Hà cũng đề nghị các bộ, ngành, cần đàm phán sớm với phía Trung Quốc về các điều kiện liên quan đến truy xuất rau quả xuất khẩu, tiến tới đàm phán xuất khẩu chính ngạch; đề nghị Trung Quốc sớm phê duyệt mô hình thông quan “2 quốc gia, 1 cửa”.

Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, 12 cửa khẩu của Lạng Sơn kết nối với Quảng Tây (Trung Quốc) hiện đã đáp ứng về đường sá, biên phòng, kiểm dịch, hải quan… để hỗ trợ cho các địa phương xuất khẩu vải, nhãn.

Theo ông, vào lúc cao điểm, sẽ huy động các lực lượng làm việc tới 10 giờ đêm để tạo điều kiện thông quan hàng hóa, cùng đó đề nghị phía Trung Quốc cũng kéo dài thời gian thông quan đến 9 giờ đêm.

Tuy nhiên, ông Trưởng lưu ý, với tuyến đường biên Lạng Sơn, phía Trung Quốc kiểm soát rất chặt với 78 điểm rào chắn tại 70 km đường biên giới nơi có cửa khẩu xuất sang Trung Quốc.

Phía bạn đang áp dụng chính sách chính ngạch, dán tem truy xuất nguồn gốc, kiểm tra bao bì nhãn mác và bắt đầu áp dụng từ 1/5. “Việc yêu cầu về tem nhãn, bao bì truy xuất nguồn gốc, buộc các doanh nghiệp, nông dân, HTX cần được phổ biến và thực hiện theo yêu cầu của họ. Nếu không, hàng lên đến cửa khẩu, bên họ lại trả về, gây ùn ứ thì nguy hiểm. Trong trường hợp bị ùn, các địa phương, doanh nghiệp giảm việc thu hái tiếp tục đổ dồn về cửa khẩu, tránh phía Trung Quốc ép giá”- ông Trưởng nói.

Cũng theo ông Trưởng, Lạng Sơn chuẩn bị đầu tư một khu công nghiệp gần 110 ha, làm nơi trung chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu. Khu này là nơi sơ chế, đóng gói, gia công vận chuyển... và có các lực lượng như hải quan, biên phòng, kiểm dịch… để hỗ trợ tốt cho nông sản xuất sang Trung Quốc.

Theo Nam Khánh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên