Nhiều lãnh đạo địa phương được yêu cầu giải thích nguồn gốc tài sản
Cục trưởng Cục Chống tham nhũng nói, yêu cầu kê khai tài sản là giải thích trung thực, hợp lý...
- 11-07-2017Khơi thông khối tài sản hàng trăm tỉ USD trong dân
- 05-07-2017Nhiều cán bộ giải trình nguồn gốc tài sản “khủng” từ nuôi lợn, nuôi gà
- 04-07-2017Cục trưởng Chống tham nhũng nói về việc kê khai tài sản của bà Hồ Thị Kim Thoa
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị sơ kết 6 tháng của Thanh tra Chính phủ, chiều 10/7, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt cho biết, sau khi có dư luận về giá trị tài sản của một số cán bộ lãnh đạo địa phương, cơ quan chức năng cấp trên đã yêu cầu các cá nhân đó phải giải thích nguồn gốc tài sản, trong đó có yêu cầu làm rõ sự tăng giảm của tài sản đã được kê khai từ trước năm 2013.
Theo ông Đạt, điều quan trọng là tài sản tăng giảm phải có nguồn gốc, vì thế nếu giải thích là tài sản có được do nuôi lợn, nuôi gà, trúng xổ sổ... cũng không ai cấm.
Tuy nhiên, ông nói, yêu cầu kê khai tài sản là giải thích trung thực, hợp lý, chứ không phải cứ nói cho xong. Trong trường hợp nếu có dấu hiệu bất bình thường, người quản lý cơ quan, địa phương nơi cán bộ làm việc có quyền thẩm định và xác minh lại.
“Thực tế cũng có thể có nhiều cán bộ họ nuôi gà, nuôi lợn thật, nhưng số lượng đó theo tôi vô cùng ít, và nếu nói nuôi gà, nuôi lợn lãi 100 triệu - 200 triệu đồng còn chấp nhận được. Còn nếu có được hàng chục tỷ đồng thì không ai tin. Cho nên, ở đây có dấu hiệu bất bình thường”, ông Đạt nói.
Cũng theo lãnh đạo Cục Chống tham nhũng, tới đây khi sửa luật, Cục có đề nghị những diện cán bộ trước khi được bổ nhiệm hoặc đang được cân nhắc bắt buộc phải xác minh tài sản, coi đó là điều kiện để đề bạt.
Tuy nhiên, ông Đạt nhấn mạnh “đây cũng chỉ mới là đề nghị từ phía Cục Chống tham nhũng”.
Đáng chú ý, theo ông, việc xác định cán bộ kê khai có trung thực hay không từ trước đến nay vẫn khó khăn. Do đó, thời gian tới cần mở rộng đối tượng kê khai là vợ con, người thân của cán bộ công chức.
“Tôi cho rằng, phải quy định cả đối tượng người thân cán bộ cũng phải kê khai tài sản, bởi thực tế đang có chuyện chuyển tài sản cho người thân. Mặt khác, khi có tình trạng kê khai tài sản không hợp lý, kê khai sai, ta vẫn chưa có hướng xử lý triệt để. Chúng ta mới chỉ xử lý được về con người thôi, còn về tài sản rất khó khăn trong xử lý, vì chưa có cơ chế”, ông nói.
Trước đó, sau khi được yêu cầu giải trình về khối tài sản nhà cửa, đất đai có giá trị lớn lên tới hàng chục tỷ đồng, một số cán bộ lãnh đạo sở ngành của địa phương như Yên Bái, Đắc Lắc… đã cho biết, nguồn gốc tài sản mà họ có được là do trước đó đã phải lao động vất vả như nuôi gà, nuôi lợn, buôn chổi…
Vneconomy