MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều mỏ dầu chủ lực của Việt Nam đã qua giai đoạn khai thác đỉnh

Các mỏ dầu truyền thống chủ lực đóng góp sản lượng quan trọng như: Bạch Hổ, Sư Tử, Rạng Đông, Lan Tây cung cấp gần 600 triệu tấn dầu khí quy đổi (TOE), sau 20 đến 30 năm đã qua giai đoạn khai thác đỉnh, nay sản lượng khai thác đang suy giảm.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã  lưu ý vấn đề này trong thời gian gần đây. Thực tế này cũng đang đòi hỏi PVN phải đầu tư thêm các giải pháp công nghệ để tận khai thác (tận thu hồi dầu). Mặt khác, PVN cần phải phát huy và đa dạng hóa nguồn đầu tư trong nước, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài đẩy mạnh triển khai công tác tìm kiếm, thăm dò, từng bước gia tăng trữ lượng dầu khí, giảm tốc độ suy giảm sản lượng khai thác dầu và gia tăng sản lượng khai thác khí.

Song song với đó, tập đoàn còn cần phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu địa chất - địa vật lý, công nghệ mỏ; nghiên cứu các đối tượng chứa phi truyền thống (bẫy địa tầng, bẫy hỗn hợp, tầng chứa chặt xít, khí ở trung tâm các bể trầm tích…). Cũng như nghiên cứu nâng cao hệ số thu hồi dầu, phát triển các mỏ, cụm mỏ cận biên; tiếp tục hợp tác quốc tế để nghiên cứu điều tra cơ bản và tìm kiếm, thăm dò dầu khí phi truyền thống (khí sét, khí than, hydrate khí…).

Tuy nhiên, PVN cũng đang gặp khó khăn do cơ chế chính sách cho ngành dầu khí. Cơ chế hiện nay được đánh giá là chưa thay đổi kịp thời, có nhiều quy định trong các luật về hoạt động dầu khí chưa phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, biến động của kinh tế, chính trị, dầu khí trên thế giới và trong khu vực.

Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định việc phát triển ngành công nghiệp dầu khí luôn đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Trong khi đó, chi phí thăm dò khảo sát, khai thác ngày một tăng (do điều kiện tự nhiên ngày càng phức tạp, ngày càng phải xa bờ). Các thiết bị chủ yếu phục vụ công tác thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến đều phải nhập khẩu. Nhưng hiện tại nguồn vốn đầu tư của PVN đang thiếu trầm trọng; đầu tư cho tìm kiếm, thăm dò ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua và nhiều dự án phát triển quan trọng đều đang chậm tiến độ.

Mặt khác, việc phát triển thượng nguồn của ngành dầu khí luôn phải định hướng theo hình thái phát triển các mối quan hệ về địa - chính trị giữa các quốc gia trong khu vực Biển Đông và vịnh Thái Lan, trong khi các mối quan hệ này biến động khôn lường, nảy sinh nhiều khó khăn trong việc hoạch định một kế hoạch dài hạn, hay tìm kiếm các đối tác chiến lược cùng thăm dò, khai thác dầu khí.

Bình Giang (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên