MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều ngân hàng báo lãi kỷ lục nửa đầu năm

30-07-2018 - 16:45 PM | Tài chính - ngân hàng

Kết quả kinh doanh của nhóm ngành ngân hàng tiếp tục là điểm sáng trong 6 tháng đầu năm khi nhiều ngân hàng công bố mức tăng trưởng 3 con số. Tổng lợi nhuận của 13 ngân hàng trên sàn đã công bố BCTC tăng 66% so với cùng kỳ 2017.

Bước vào giai đoạn nước rút mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II, nhóm ngành ngân hàng vẫn tiếp tục là điểm sáng khi loạt ngân hàng báo cáo lợi nhuận tăng trưởng mạnh.

Thống kê kết quả kinh doanh của 13/17 ngân hàng trên sàn chứng khoán, tổng lợi nhuận các nhà băng này đạt xấp xỉ 31.070 tỷ đồng, tăng 66% so với nửa đầu năm 2017. Trong đó, phần lớn các ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận trên 50%, thậm chí đạt tăng trưởng 3 con số. Mức tăng trưởng trên hiện cao hơn đáng kể tăng trưởng lợi nhuận bình quân toàn ngành năm 2017 (44,5%).

Nhiều ngân hàng báo lãi kỷ lục nửa đầu năm - Ảnh 1.

Tăng trưởng lợi nhuận nhiều ngân hàng ở mức 3 con số

Đến thời điểm hiện tại, Vietcombank vẫn là ngân hàng báo lợi nhuận cao nhất ngành với lãi trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 8.017 tỷ đồng, tương đương mỗi ngày lãi 44 tỷ đồng, tăng 53% cùng kỳ năm trước. Chỉ riêng lợi nhuận của “ông lớn” nhà băng này đã chiếm hơn 25% lợi nhuận của 13 ngân hàng.

Nhiều ngân hàng báo lãi kỷ lục nửa đầu năm - Ảnh 2.

Lợi nhuận nhiều ngân hàng đạt mức cao kỷ lục trong 6 tháng đầu năm 2018

Không riêng Vietcombank, nhiều ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao kỷ lục. Một số ngân hàng báo lãi cao gấp 2 – 3 lần cùng kỳ như VIB, ACB và HDBank, đây là các ngân hàng báo tăng trưởng lợi nhuận cao nhất ngành ngân hàng tính đến thời điểm hiện tại, lần lượt đạt 200%, 150% và 134%.

Nguyên nhân chính đến từ việc gia tăng đáng kể các nguồn thu nhập trong kỳ. Đây cũng là nhóm các ngân hàng tập trung vào định hướng ngân hàng bán lẻ, mở rộng dư nợ khách hàng cá nhân. Riêng ACB còn được hưởng lợi đáng kể nhờ việc giảm một nửa chi phí dự phòng.

Cụ thể, theo báo cáo mới đây của HDBank, lợi nhuận hợp nhất 6 tháng đầu năm của ngân hàng đạt 2.063 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trướ c. Trong đó, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 172%; thu nhập từ lãi thuần tăng 34%. Đạt hơn 54% mục tiêu sau nửa đầu năm, HDBank dự kiến sẽ hoàn thành, thậm chí vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận hợp nhất (3.933 tỷ đồng), trong khi nợ xấu tiếp tục được kiểm soát.

ACB thông báo lãi trước thuế quý 2 đạt 1.660 tỷ đồng , tăng 149% cùng kỳ năm trước, 6 tháng đạt 3.151 tỷ đồng, tăng gần 150% cùng kỳ năm trước. Lãi ròng 6 tháng đạt 2.460 tỷ đồng.

Lợi nhuận tăng mạnh, hiệu quả kinh doanh ngành ngân hàng cũng liên tục tăng các quý gần đây. Trong khi ROE bình quân toàn ngành năm 2017 chỉ quanh khoảng 10,25% thì tỷ suất sinh lời của nhiều ngân hàng báo vượt 20% như Techcombank (24,32%), VPBank (22,36%), HDBank (21,11%),…

Động lực tăng trưởng từ thu nhập ngoài lãi

Tính đến cuối quý II, tăng trưởng cho vay khách hàng của 13 ngân hàng đạt 11%, đưa dư nợ lên 215.960 tỷ đồng. Một số nhà băng đã mở rộng quy mô tín dụng như dư nợ tại TPBank tăng 16%, HDBank tăng 14% nhờ sự hậu thuẫn đáng kể từ việc tăng vốn tự có. TPBank đã huy động được 2.190 tỷ đồng từ chào bán riêng lẻ tăng vốn thêm 15%. Vốn chủ sở hữu của HDBank cũng tăng 12,3% so với đầu năm nhờ tích lũy thêm lợi nhuận để lại.

Thu nhập lãi thuần vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn thu của ngân hàng. Gia tăng quy mô tín dụng giúp thu nhập lãi thuần bình quân 13 ngân hàng tăng 25% so với 6 tháng đầu năm 2017. Một số ngân hàng tăng trên 50% khoản thu này như Sacombank, TPBank, VIB.

Nhiều ngân hàng báo lãi kỷ lục nửa đầu năm - Ảnh 3.

Thu nhập lãi thuần của các ngân hàng 6 tháng đầu năm

Tuy nhiên, tăng trưởng nguồn thu từ lãi trong tương lai nhiều khả năng sẽ giảm tốc trong các kỳ tới. Đánh giá về hoạt động ngành ngân hàng, bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Sài gòn (SSI) cho rằng dù nhu cầu tín dụng tiếp tục tăng nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn sẽ bắt đầu chậm lại từ cả giới hạn room tín dụng của NHNN và việc khống chế theo tỷ lệ an toàn vốn CAR dự kiến sẽ chính thức tuân theo Hiệp ước vốn Basel 2 từ năm 2020.

Dù vậy, động lực tăng trưởng của ngành sẽ không mất đi. Theo SSI Research, các ngân hàng vẫn còn dư địa tăng các nguồn thu ngoài lãi và cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) nhất là đối với các ngân hàng có thế mạnh về cho vay tiêu dùng.

Nhiều ngân hàng báo lãi kỷ lục nửa đầu năm - Ảnh 4.

Thu nhập hoạt động dịch vụ của các ngân hàng 6 tháng đầu năm

Thực tế, mảng hoạt động dịch vụ vốn không bị giới hạn bởi “room” đã liên tục tăng mạnh các quý gần đây. Hoạt động thanh toán, thu phí từ thẻ và bán hàng qua kênh bảo hiểm đang được tập trung khai thác.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, TPBank và HDBank là các ngân hàng tăng trưởng nhanh nhất nguồn thu này. TPBank thu về 244 tỷ đồng từ hoạt động dịch vụ. Trong đó, hoa hồng kinh doanh bảo hiểm đóng góp 54 tỷ đồng vào lãi hoạt động dịch vụ của TPBank, trong khi cùng kỳ thu vỏn vẹn hơn 4 tỷ đồng. Thu dịch vụ của HDBank cũng tăng gấp 2,73 lần cùng kỳ.

Ngoài hoạt động dịch vụ, một nguồn thu ngoài lãi khác cũng tiếp tục tăng trưởng mạnh ở nhiều ngân hàng kỳ này nhờ thu hồi nợ xấu đã xử lý. “Của để dành” từ các khoản dự phòng rủi ro tín dụng mà các ngân hàng trích trong các năm trước được hoàn nhập trở lại khi công tác xử lý nợ xấu được thực hiện tích cực. Trước khả năng tín dụng tăng chậm lại, các khoản thu nhập ngoài lãi này sẽ tiếp tục là trợ lực cho đà tăng trưởng lợi nhuận nhiều ngân hàng trong các quý tới đây.

Nhiều ngân hàng báo lãi kỷ lục nửa đầu năm - Ảnh 5.

Thu nhập khác trong nửa đầu năm 2018 tại một số ngân hàng

Chưa hết nỗi lo vốn mỏng

Theo số liệu của NHNN đến cuối tháng 5, vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 749.548 tỷ đồng, tăng 4,96% so với đầu năm. Vốn điều lệ thậm chí chỉ tăng vỏn vẹn 0,88% lên 516.951 tỷ đồng, trong đó phần nhiều tăng từ chia cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế của chính ngân hàng. Dù đã có những thương vụ tầm cỡ như đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ của Techcombank và TPBank nhưng lượng vốn tăng thêm trong 6 tháng đầu vẫn khiêm tốn so với quy mô cũng như nhu cầu phát triển của ngành.

Một số ngân hàng tìm đến nguồn vốn trái phiếu một mặt để tăng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho vay đồng thời cải thiện hệ số CAR trong trường hợp phát hành trái phiếu cấp 2 như VietinBank với 8.410 tỷ đồng huy động từ trái phiếu trong hai tuần cuối tháng 6.

Nửa cuối của năm 2018, vẫn còn một số kế hoạch tăng vốn đã được ĐHĐCĐ ngân hàng

 phê duyệt nhưng chưa thực hiện. Vietcombank, BIDV đều đã có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược từ các năm trước nhưng đến nay vẫn trì hoãn. Hay như trường hợp của VietinBank, dù đang rất “khát vốn” nhưng ngân hàng này vẫn chưa thể lên kế hoạch tăng vốn do tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước không thể giảm thêm trong khi không dễ dàng để huy động thêm vốn từ nguồn vốn ngân sách.

OCB hiện đã lên danh sách cổ đông chuẩn bị cho đợt chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 14,2% và chào bán cho cổ đông hiện hữu cổ phiếu mới với tỷ lệ 20,5%. Đợt chào bán đang diễn ra và dự kiến sẽ kết thúc vào 8/8 tới. Chưa rõ kết quả đợt phát hành này nhưng diễn biến tiêu cực của giá cổ phiếu dòng ngân hàng có thể sẽ làm khó đợt chào bán của OCB cũng nhưng các đợt tăng vốn tiếp theo của các ngân hàng nửa cuối năm.

Các tháng tới đây, PGBank dự kiến sẽ được sáp nhập vào HDBank, đánh dấu thương vụ M&A đầu tiên giữa hai ngân hàng trong 3 năm trở lại đây. Vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng hơn 30% lên 12.810 tỷ đồng sau khi sáp nhập thành công. Các quý gần đây, PGBank dành phần lớn lợi nhuận có được trong kỳ để xử lý dự phòng cho các khoản nợ xấu quá khứ. Việc sáp nhập ngoài giúp HDBank tăng quy mô, mở rộng mạng lưới chi nhánh còn giúp room tín dụng được tăng thêm khi hệ số CAR của PGBank khá lớn (gần 15% cuối năm 2017).

Nhiều ngân hàng báo lãi kỷ lục nửa đầu năm - Ảnh 6.

Quy mô vốn điều lệ và vốn hóa thị trường của các ngân hàng tới cuối quý II

“Vốn mỏng” sẽ vẫn là vấn đề đau đầu của các nhà băng khi những yêu cầu căn bản của Hiệp ước vốn Basel II sẽ được thực thi từ năm 2020 và theo kế hoạch sẽ thí điểm sớm với 10 ngân hàng trong năm nay.

Theo Thanh Thủy

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên