MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều ngân hàng báo lãi lớn "nhờ"….giảm mạnh trích lập dự phòng rủi ro

24-10-2019 - 09:55 AM | Tài chính - ngân hàng

Mặc dù con số lợi nhuận trước thuế được công bố vẫn tăng trưởng cao. Song trên thực tế, trước khi trừ đi chi phí dự phòng rủi ro, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của những ngân hàng này chỉ tăng rất ít, hoặc thậm chí là tăng trưởng âm.

Mùa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của các ngân hàng tiếp tục ghi nhận những con số lợi nhuận kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý, mức tăng trưởng lợi nhuận cao ở một số nhà băng là nhờ… giảm mạnh trích lập dự phòng rủi ro so với cùng kỳ. Bởi trên thực tế, mức lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (trước trích lập dự phòng) của những nhà băng này trong 9 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng rất ít, thậm chí còn là tăng trưởng âm.

9 tháng đầu năm, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ACB thực tế chỉ tăng 5,3% so với đầu năm. Mức tăng không mấy ấn tượng nếu không nói là thấp hơn so với kỳ vọng, giữa lúc VPBank, MBBank, hay những ngân hàng tầm trung như TPBank, VIB tăng trưởng rất mạnh mẽ.

Tuy nhiên, nhờ cắt giảm mạnh chi phí dự phòng, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của ACB được kéo lên 16,4%, đạt 5.561 tỷ đồng. Trong 9 tháng, ngân hàng chỉ trích 162 tỷ cho dự phòng rủi ro, giảm tới 76% so với cùng kỳ năm 2018.

Tại PGBank, tổng thu nhập hoạt động 9 tháng của ngân hàng sụt giảm 2% so với cùng kỳ, chỉ đạt 789 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí hoạt động vẫn tăng khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng âm 5,2% chỉ đạt 381 tỷ.

Tuy nhiên, sau khi trừ đi dự phòng, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng bất ngờ đổi hướng tăng tới gấp rưỡi so với cùng kỳ, đạt 164 tỷ. Bởi chi phí dự phòng 9 tháng đầu năm 2019 của ngân hàng này giảm 26,5% xuống còn 216 tỷ.

VietABank cũng là một trường hợp tương tự. Nhiều mảng kinh doanh có kết quả kém khả quan, đặc biệt là thu nhập lãi thuần sụt giảm khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của nhà băng này chỉ đạt 377 tỷ trong 9 tháng đầu năm, giảm 24,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, cùng với đó, chi phí dự phòng còn giảm mạnh hơn, giảm tới 37% xuống còn 225 tỷ. Từ đó, LNTT của ngân hàng vẫn có tăng trưởng dương (10%), đạt 152 tỷ đồng.

Một trường hợp "đảo chiều" ngoạn mục nữa nhờ giảm mạnh chi phí dự phòng là tại Saigonbank. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng 9 tháng đầu năm giảm 1,4% xuống 276 tỷ. Song chi phí dự phòng còn giảm tới 65% xuống còn 55 tỷ đồng. Theo đó, LNTT của Saigonbank 9 tháng đạt 221 tỷ, tăng 81% so với cùng kỳ - là một mức tăng trưởng rất cao.

Việc cắt giảm dự phòng giúp tăng trưởng lợi nhuận đảo chiều từ giảm sang tăng còn diễn ra tại một số ngân hàng nữa như VietBank, BacABank,….

Trên thực tế, chuyện thay đổi tăng giảm trích lập dự phòng qua các năm của các ngân hàng là chuyện diễn ra bình thường. Việc giảm trích lập cũng có thể là do tình hình nợ xấu của ngân hàng đó diễn biến thuận lợi hơn. Chẳng hạn tại ACB, việc nợ xấu thấp, tất toán hết trái phiếu VAMC là những lý do giúp nhà băng này giảm được trích lập gánh nặng dự phòng.

Tuy nhiên, việc lợi nhuận các ngân hàng có sự thay đổi lớn sau việc cắt giảm trích lập dự phòng cũng phản ánh rằng mặc dù lợi nhuận trước thuế được công bố vẫn tăng trưởng tốt, song về bản chất hoạt động kinh doanh nhiều ngân hàng đang chậm đi hoặc thậm chí là kém khả quan hơn. Và như đã nói phía trên, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của các ngân hàng 9 tháng đầu năm tăng trưởng âm so với cùng kỳ. 

Ngọc Bích

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên