Nhiều ngân hàng được chọn để đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội
Quỹ BHXH sẽ được đầu tư vào mua trái phiếu Chính Phủ, gửi vào các ngân hàng... để tránh rủi ro.
- 24-11-2016Đại biểu Quốc hội: Nên dùng quỹ bảo hiểm xã hội để đầu tư sinh lời
- 27-10-2016Các doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội 13.121 tỉ đồng
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ra nghị quyết hội đồng quản lý, thống nhất thông qua phương án đầu tư quỹ năm 2017.
Theo đó, để bảo đảm nguyên tắc đầu tư an toàn và hiệu quả, trong năm ưu tiên đầu tư theo hình thức mua trái phiếu Chính phủ. Trong đó, đảm bảo tỉ trọng dư nợ đầu tư vào hai hình thức mua trái phiếu Chính phủ và cho ngân sách nhà nước vay bằng khoảng 85% trên tổng số dư nợ đầu tư vào các hình thức tính đến cuối năm 2017.
Số tiền tạm thời nhàn rỗi còn lại, BHXH Việt Nam chủ động sử dụng đầu tư vào các hình thức khác theo quy định tại Nghị định 30/2016/NĐ-CP ngày 28-4-2016 của Chính phủ quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp.
Việc đầu tư theo hình thức gửi tiền có thời hạn, mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi được thực hiện tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt, hoạt động lành mạnh theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam...
Quỹ BHXH dùng phần lớn quỹ để mua trái phiếu Chính phủ. Ảnh: VIẾT LONG
Việc mở tài khoản tiền gửi đảm bảo thanh khoản và tiền gửi thanh toán thu-chi được thực hiện ở các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt, hoạt động lành mạnh theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng thời phải đảm bảo theo nguyên tắc đã nêu tại Điểm 3 Nghị quyết 1037/NQ-HĐQL ngày 25-3-2016 của Hội đồng Quản lý.
Về tình hình sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT chín tháng đầu năm 2016 và việc lạm dụng quỹ BHYT. Hội đồng Quản lý thống nhất việc BHXH Việt Nam phải tăng cường công tác kiểm tra, giám định BHYT.
Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra một số địa phương, làm rõ các nguyên nhân bội chi, lạm dụng quỹ BHYT để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm pháp luật về BHYT, nhất là tại các địa phương có tình trạng gia tăng chi phí khám chữa bệnh bất thường, đồng thời giải quyết kịp thời các vướng mắc cho cơ sở.